Sáng 22/11, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.
Đại biểu Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội nhận định các quy định của dự thảo luật Bảo vệ bí mật Nhà nước là phải đáp ứng đồng thời hai yêu cầu. Yêu cầu thứ nhất là đảm bảo lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Điều thứ hai là đảm bảo công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân, của đại biểu Quốc hội, của báo chí và đảm bảo hiệu quả phòng chống tham nhũng.
"Để đảm bảo được các yêu cầu này là khó, nhưng dù khó vẫn phải làm. Và làm như thế này để đảm bảo cân đối giữa bảo vệ bí mật và công khai minh bạch. Giữa quyền tiếp cận thông tin và yêu cầu đảm bảo bí mật", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.
Nhiều thông tin mật bị lộ lọt lên Internet
Theo bà Lê Thị Nga, để đảm bảo hai yêu cầu này là khó nên "chúng tôi đề nghị phải làm một cách rõ ràng, công khai để khắc phục hạn chế qua tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước".
Đại biểu Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn. |
Hiện, theo bà Nga, có hai xu hướng liên quan tới công tác bảo mật. Xu hướng thứ nhất trong thực trạng bí mật Nhà nước bị lộ. Ngay cả trên môi trường mạng, có những văn bản mật của cơ quan quan trọng được chụp đưa lên. Điều này ảnh hưởng tới quyền lợi ích của Nhà nước, của quốc gia.
Ngược lại có tình trạng lạm dụng luật, đóng dấu mật vào những văn bản không mật. Danh mục mật chậm rà soát, sửa đổi. Có những danh mục mật từ năm 2000-2004 tới nay chúng ta vẫn dùng. Trong khi hệ thống luật, việc công khai minh bạch, sửa đổi rất nhiều.
"Có cơ quan đóng mật vào cả danh sách vụ trưởng hiện hành - trong đó có gì đâu mà mật? Có bộ đóng dấu mật cả vào trả lời chất vấn ĐBQH dù không có thông tin mật làm cho ĐBQH không thể trả lời cử tri về các thông tin mà mình chất vấn", bà Lê Thị Nga đặt vấn đề.
Nhiều người vướng vòng lao lý vì bị quy lộ mật
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp quy định về bảo mật không rõ ràng đã đẩy một số người dân, một số hoạt động nghề nghiệp vào tình trạng dễ bị quy chụp.
"Chúng tôi theo dõi một số vụ án và thấy một số cá nhân rơi vào vòng lao lý trong những trường hợp văn bản quy định về bảo mật không rõ ràng. Một số phóng viên báo chí, thậm chí một số cán bộ công chức trong một số trường hợp và trên thực tế đã bị quy làm lộ mật", đại biểu Nga thông tin.
Về thông tin trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhiều cơ quan bộ ngành chậm công khai, công khai hình thức, lạm dụng bảo mật không công khai. "Điều này ảnh hưởng thứ hai là ảnh hưởng rất lớn tới công tác phòng chống tham nhũng", bà Nga nói.
Trên cơ sở đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các điều liên quan tới phân loại, danh mục, điều cấm trong dự thảo luật là chưa thực sự rõ ràng, minh bạch. Ngay cả khái niệm có thể “gây nguy hại tới lợi ích, quốc gia, dân tộc” thì khái niệm “lợi ích, quốc gia, dân tộc” đã rất rộng và khái niệm “gây nguy hại” cũng chưa có tiêu chí phân biệt rõ.
Có nhiều thông tin cần bảo mật vĩnh viễn
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng quy định giải mật chưa rõ ràng. Có những bí mật Nhà nước đương nhiên được giải mật bởi sự kiện pháp lý. Nhưng cũng có bí mật Nhà nước cần giữ vĩnh viễn.
"Ví như sở chỉ huy Bộ quốc phòng chỉ rất ít người được biết, nó là công trình tuyệt mật, vậy làm sao nói 30 năm, nếu Bộ Quốc phòng vẫn ở vị trí hiện tại? Do đó không thể nói 30 năm sau đó giải mật", đại biểu Bộ nói.