Thông tin trên được Bộ trưởng Tài chính Đan Mạch Nicolai Wammen tiết lộ với CNN.
“Các nước Bắc Âu và Baltic khởi xướng việc rời phòng họp. Nhiều quốc gia khác theo sau”, ông Wammen nói.
Theo vị bộ trưởng, hành động này “gửi đi thông điệp rõ ràng” tới Nga rằng các quốc gia trên “sẽ không chấp nhận cuộc chiến tại Ukraine trong mọi hoàn cảnh”, cũng như kiên quyết ủng hộ người dân Ukraine.
Theo Reuters, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak và người đồng cấp Canada Chrystia Freeland nằm trong số những người rời khỏi phòng họp. Trước khi rời đi, ông Sunak gọi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine “là cuộc tấn công vào các luật lệ và quy tắc nền tảng của lối sống kinh tế”.
Một số quan chức đã rời khỏi phòng họp để phản đối Nga trong phiên họp hôm 21/4 của IMFC. Ảnh: IMF. |
Phó thủ tướng Tây Ban Nha Nadia Calvino, người đứng đầu IMFC, cho biết cuộc họp diễn ra một cách “bất thường”, khi “các quốc gia, các thành viên khác nhau bày tỏ quan điểm theo các cách khác nhau”. Dù vậy, cuộc họp vẫn có hiệu quả.
IMFC là cơ chế có nhiệm vụ tư vấn và báo cáo Hội đồng Thống đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về hệ thống tài chính và tiền tệ toàn cầu.
Thông thường, một tuyên bố chung sẽ được đưa ra sau cuộc họp của IMFC. Dù vậy, do sự phản đối của Nga, hội nghị lần này không đạt được tuyên bố chung, điều xảy ra lần đầu trong lịch sử.
Bất chấp thực tế, này, bà Calvino vẫn mô tả các kết quả đạt được sau hội nghị là “tích cực”. “Khi một tổ chức hoạt động dựa trên đồng thuận có một quốc gia rời đi, việc đạt được thông cáo được tất cả đồng ý là điều không thể, nhưng không có nghĩa không có thỏa thuận thực chất nào đạt được”, bà nói.