Một binh sĩ Ukraine đang xem xét tàn tích của một chiếc xe tăng T90, được cho là bị phá hủy bằng tên lửa Javelin do Mỹ sản xuất, ở phía bắc Kyiv. Ảnh: New York Times. |
Gần hai tháng trước, khi quân đội Nga tiến vào Ukraine, Mỹ và đồng minh bắt đầu cung cấp cho Kyiv nhiều vũ khí và thiết bị, để chuẩn bị cho một cuộc chiến được dự đoán sẽ kết thúc trong thời gian ngắn.
Các lô vũ khí bao gồm súng bắn tỉa, đạn dược, tên lửa chống tăng Stinger và Javelin - hai vũ khí nhanh chóng trở thành "biểu tượng" của cuộc xung đột.
Tuy nhiên, sau khi Điện Kremlin tuyên bố chuyển mục tiêu, tập trung “giải phóng” miền Đông Ukraine, Washington và các đồng minh cũng thay đổi kế hoạch, cung cấp cho Ukraine những vũ khí lớn hơn và tiên tiến hơn.
Phương Tây tập trung vào vũ khí tầm xa như pháo, hệ thống phòng không, tên lửa chống hạm, máy bay không người lái có vũ trang, xe bọc thép và thậm chí cả xe tăng - loại vũ khí mà Tổng thống Joe Biden khẳng định được thiết kế riêng để ngăn chặn “cuộc tấn công của Nga vào miền Đông Ukraine”.
"Chúng ta không thể dừng lại lúc này", ông Biden nói vào tuần trước.
Nỗ lực viện trợ vũ khí
New York Times nhận định cuộc chạy đua trang bị vũ khí có thể định hình kết quả chiến sự ở Ukraine.
Sau khi rút khỏi miền Bắc Ukraine và các vùng ngoại ô thủ đô Kyiv, lực lượng Nga đang thiết lập lại vị trí để chuẩn bị cho điều mà Điện Kremlin gọi là một cuộc tấn công then chốt, nhằm “giải phóng” miền Đông Ukraine.
Binh sĩ Ukraine dỡ lô tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ cung cấp, ở Kyiv, vào tháng 2. Ảnh: Reuters. |
Không giống như nhiều cuộc giao tranh trước đó, lần đối đầu này dự kiến có nhiều xe tăng, pháo tầm xa và máy bay không người lái trang bị vũ khí hơn.
Khoảng 30 quốc gia, bao gồm cả những nước không phải thành viên NATO, đang nỗ lực viện trợ vũ khí cho Ukraine.
Trọng tâm lần này là yêu cầu các nước có xe tăng, pháo binh và máy bay chiến đấu từ thời Liên Xô cung cấp cho Ukraine, với lời hứa Mỹ sẽ bổ sung cho họ những vũ khí hiện đại hơn do phương Tây sản xuất. Trong đó, nhu cầu lựu pháo 152 mm tiêu chuẩn của Liên Xô được xem là đặc biệt cấp thiết.
Bên cạnh đó, Mỹ đồng ý cung cấp một số lựu pháo 155 mm cùng 40.000 băng đạn. Washington cũng cố gắng mua đạn tiêu chuẩn của Liên Xô từ những quốc gia đang sử dụng nó, bao gồm cả các nước bên ngoài châu Âu, chẳng hạn Afghanistan và Ấn Độ.
Sau cuộc gọi với các đồng minh vào ngày 19/4, Tổng thống Biden nói với phóng viên rằng Mỹ sẽ gửi thêm pháo tới Ukraine. Một nguồn thạo tin cũng cho biết ông Biden dự kiến công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trong những ngày tới, giá trị tương đương gói vũ khí 800 triệu USD đã được công bố vào tuần trước.
Nhưng một số chuyên gia cho rằng điều đó là chưa đủ. “Chúng tôi (Mỹ) vẫn chưa nghĩ lớn”, Trung tướng Frederick B. Hodges, cựu Tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Âu, nhận định.
"Chúng tôi vẫn chưa hành động với suy nghĩ Ukraine sẽ giành chiến thắng. Nỗi sợ hãi quá mức về những gì có thể xảy ra đã ngăn chúng tôi", ông nói, nhắc đến lo ngại đối đầu trực tiếp với Nga.
Gần đây, Moscow đã chính thức cảnh báo rằng việc Mỹ và phương Tây chuyển giao các hệ thống vũ khí “nhạy cảm nhất” cho Ukraine có thể mang lại “hậu quả khó lường”.
Cuộc đua bí mật
Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, các quốc gia liên tục công khai những gì họ đang cung cấp cho Ukraine. Tuy nhiên, cuộc đua hiện tại diễn ra hầu như trong bí mật.
Phần lớn việc vận chuyển vũ khí đang được xử lý thông qua Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ (EUCOM), có trụ sở tại Stuttgart (Đức), và Trung tâm Điều phối Các nhà Tài trợ Quốc tế.
Binh sĩ Ukraine trong một kho vũ khí ở Fastiv, Kyiv. Ảnh: New York Times. |
Bộ Tư lệnh cho biết họ đã thành lập một "trung tâm kiểm soát" để điều phối vũ khí và viện trợ nhân đạo "từ khắp nơi trên thế giới" gửi đến Ukraine từ đầu tháng 3, nhưng từ chối nêu chi tiết.
Lầu Năm Góc từng nói rằng Bộ Ngoại giao đã ủy quyền chuyển các thiết bị phòng thủ do Mỹ cung cấp từ hơn 14 quốc gia cho Ukraine trong năm nay. Những quốc gia này đang cố gắng không để Moscow biết chính xác thiết bị đang được cung cấp là gì.
Pháp cũng hành động tương tự. Chính quyền Paris cho biết đã cung cấp khoảng 108 triệu USD thiết bị quân sự cho Ukraine, nhưng từ chối nêu chi tiết.
Tuy nhiên, việc chuyển giao vũ khí cũng gặp khó khăn. Để biết cách vận hành một chiếc xe tăng hiện đại của Anh, Mỹ hoặc Đức, các binh sĩ có thể mất tới 6 tháng. Do đó, Mỹ đang thúc đẩy các nước sở hữu thiết bị từ Liên Xô cũ chuyển giao cho Ukraine.
“Chúng tôi thực sự không có thời gian để đưa nhiều thiết giáp hạng nặng của Mỹ vào Ukraine, và cũng không có thời gian để huấn luyện quân đội Ukraine. Nhưng có rất nhiều thiết bị quân sự của Liên Xô cũ vẫn còn trong kho vũ khí của các quốc gia Đông Âu", cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert M. Gates cho biết.
Theo ông, Mỹ “nên tận dụng kho vũ khí” của các nước thuộc khối Hiệp ước Warsaw trước đây để cung cấp cho Kyiv, “với lời hứa bù đắp bằng thiết bị của Mỹ”.
Đó chính xác là những gì Mỹ đang chạy đua để thực hiện, các quan chức Lầu Năm Góc cho biết. Tuy nhiên, kho vũ khí ngày càng vơi dần cũng là điều khiến Mỹ lo ngại.
Lầu Năm Góc đã thúc giục các nhà sản xuất vũ khí tăng cường hoạt động. Đến nay, khoảng 7.000 tên lửa chống tăng Javelin đã được trao cho Ukraine, chiếm khoảng 1/3 lượng vũ khí tồn kho của Mỹ.
Washington có thể sẽ mất 3-4 năm để bù đắp số lượng này, cố vấn cấp cao Mark F. Cancian, từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nhận định.
Trong khi đó, sau thông báo viện trợ 800 triệu USD vũ khí từ Nhà Trắng, ông Kirby cho biết binh sĩ Mỹ sẽ huấn luyện lực lượng Ukraine ở các nước láng giềng cách sử dụng một số thiết bị mới hơn, tinh vi hơn, chẳng hạn hệ thống radar, pháo 155 mm và trực thăng Mi-17.
“Chúng tôi nhận thức được thời gian không còn nhiều”, ông nói.