Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều bộ bắt tay tìm đầu ra cho hơn 50.000 tấn nhãn lồng Hưng Yên

Nhãn lồng toàn tỉnh Hưng Yên năm nay cho thu hoạch sản lượng ước đạt 55.000 tấn, cao hơn năm 2020 khoảng 15-20%. Tuy nhiên, đầu ra gặp khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ngày 15/7, “Hội nghị Kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2021” đã được tổ chức với 72 điểm cầu. Theo báo cáo, năm 2021, sản lượng nhãn tại Hưng Yên đạt khoảng 55.000 tấn, cam 30.000 tấn, chuối 70.850 tấn…

Trước tác động bởi dịch bệnh, tình hình tiêu thụ nhãn và nông sản của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Do đó, từ đầu năm, UBND tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản cho hợp tác xã, doanh nghiệp và bà con nông dân trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết năm 2021, Hưng Yên đạt sản lượng lớn về nông sản. Đây vừa là niềm vui cũng là thách thức cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Tim dau ra cho hon 50.000 tan nhan long Hung Yen anh 1

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định Bộ Công Thương phối hợp cùng các đơn vị liên quan tìm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản bền vững. Ảnh: Báo Công Thương.

Theo đó, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung giải quyết các vấn đề về chính sách, tạo cơ chế thuận lợi cho phát triển thị trường và lưu thông hàng hóa; đồng thời, đồng hành cùng các địa phương đẩy mạnh hoạt động kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản đến vụ ở cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế, lấy thị trường trong nước làm nền tảng.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ hợp tác chặt chẽ với đơn vị liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, chú trọng khai thác các nền tảng số để tiêu thụ nông sản trên thị trường trong nước; tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam trên khắp các thị trường quốc tế.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh trong dài hạn, để triển khai những giải pháp có tính căn cơ, bền vững, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương định hướng chính sách, có cơ chế khuyến khích hình thành và nhân rộng mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ với căn cứ là nhu cầu của thị trường.

Ông Hồ Tỏa Cẩm, tham tán công sứ phụ trách kinh tế và thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, cho biết Việt Nam là quốc gia cung cấp lớn thứ 3 trái cây tươi cho thị trường Trung Quốc. Để các sản phẩm nông sản hiện diện nhiều hơn, ông Hồ Tỏa Cẩm đề xuất các đơn vị chức năng của Việt Nam và Trung Quốc tạo thuận lợi hơn nữa trong công tác thông quan cho hàng nông sản hai nước.

Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp uy tín của Trung Quốc đầu tư dự án chế biến nông sản tại các địa phương và Hưng Yên để nâng cao giá trị nông sản.

Trước các ý kiến đóng góp nhằm thúc đẩy tiêu thụ nhãn và nông sản của tỉnh, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hưng Yên, khẳng định trong thời gian tới, Hưng Yên tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong sản xuất, phân phối, tiêu thụ nhãn và nông sản của tỉnh, phục vụ tốt cho việc giao thương, tiêu thụ nhãn lồng và nông sản niên vụ 2021 và các niên vụ tiếp theo.

Bắc Giang bán vải thiều thu về hơn 4.000 tỷ đồng

Doanh thu từ bán vải thiều của tỉnh Bắc Giang năm nay ước đạt 4.274 tỷ đồng. Vải thiều có giá bán bình quân của cả vụ khoảng 19.800 đồng/kg.

Tuấn Hùng

Bạn có thể quan tâm