Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiệm vụ quy hoạch phân khu sông Hồng là cấp bách

Văn phòng Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh cần sớm hoàn thiện đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng do đã chậm so với quy hoạch chung thủ đô đến 10 năm.

Văn phòng Thành ủy Hà Nội vừa có báo cáo thẩm tra đối với đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng của Ban cán sự Đảng UBND TP. Báo cáo đã đề cập đến tính cần thiết của quy hoạch và những kiến nghị lớn đối với đồ án có tính chất đặc biệt này.

Về thời gian, quy hoạch phân khu sông Hồng đã chậm 10 năm so với quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 (được Thủ tướng phê duyệt năm 2011). Chậm 9 năm so với mốc thời gian TP phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phân khu sông Hồng (năm 2012).

"Căn cứ Nghị định 37 năm 2010 của Chính phủ về tổng thời gian lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung đô thị đối với thành phố trực thuộc Trung ương tối đa là 10 tháng 25 ngày, thì thời gian nghiên cứu lập quy hoạch sông Hồng là chậm", báo cáo nêu.

Chậm một thập kỷ

Về khía cạnh xã hội, Văn phòng Thành ủy cho rằng những năm qua, hạ tầng xã hội, kỹ thuật của thủ đô thay đổi nhanh, tốc độ đô thị hóa lớn khiến một số quy hoạch đã có nảy sinh nhiều bất cập, không phù hợp thực tiễn. Việc này ảnh hướng lớn phát triển dân cư, đô thị và hạ tầng tại khu vực 2 bờ sông Hồng, gây khó khăn trong quản lý và chỉnh trang đô thị.

"Do đó, việc sớm phê duyệt, ban hành đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến Mễ Sở) làm cơ sở để quản lý, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị là cấp bách và cần thiết", báo cáo của Văn phòng Thành ủy chỉ ra.

quy hoach phan khu song Hong anh 1

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết TP đang nỗ lực để phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng trong tháng 6. Ảnh: Quỳnh Trang.

Về nội dung của đồ án, Văn phòng Thành ủy nêu ra 3 điểm chính mà đồ án cần bổ sung, làm rõ: Một là phương án gắn kết, đồng bộ với các đồ án quy hoạch đã có và sắp có; hai là phương án cụ thể và ý kiến các bộ, ngành về hành lang thoát lũ; ba là phương án đối với các hộ dân tại khu vực này.

Ở nội dung thứ nhất, hiện nay, nhiều đồ án quy hoạch có liên quan trực tiếp đến phân khu đô thị sông Hồng vẫn trong quá trình nghiên cứu hoặc điều chỉnh, như quy hoạch nội đô lịch sử; quy hoạch giao thông vận tải; quy hoạch không gian ngầm; quy hoạch phòng, chống lũ của từng tuyến sông...

Vì vậy, UBND TP cần lưu ý về định hướng giao thông, cảnh quan của từng khu vực bãi sông, đảm bảo gắn kết, thống nhất với các quy hoạch nêu trên và quy hoạch của các quận, huyện nơi sông Hồng chảy qua.

Cần phương án cụ thể

Thứ hai, đồ án cần phải có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xác định rõ phương án cụ thể về hành lang thoát lũ, quản lý, sử dụng các bãi sông, các khu dân cư hiện hữu. Cùng với đó là làm rõ phương án đầu tư các tuyến, điểm du lịch văn hóa, lễ hội, định hướng về việc khai thác cảng sông; việc kết nối giao thông đường bộ, đường thủy...

Đối với việc xây dựng đường ven sông (đường cấp đô thị 6 làn xe), Văn phòng Thành ủy đề nghị TP tham khảo tư vấn thiết kế đủ tầm về công nghệ, an toàn. Ngoài ra, cần có thêm luận cứ cho việc đường dọc sông chỉ bố trí 6 làn xe mà không phải là 8 hay 10 làn xe.

Ban cán sự Đảng UBND TP nghiên cứu kỹ thiết kế, kiến trúc cho 2 tuyến đường này và các cầu qua sông Hồng để khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo cảnh quan đặc trưng và phát huy tối đa những lợi thế về cảnh quan 2 bờ sông Hồng.

Đánh giá đây là đồ án khó, phức tạp, tác động toàn diện đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP, Văn phòng Thành ủy đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, cho chủ trương về định hướng để Ban cán sự đảng UBND TP có cơ sở triển khai bước tiếp theo.

Sau khi tiếp thu ý kiến các bộ, ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan, Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo bổ sung, cập nhật, hoàn thiện đồ án và báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy trước khi phê duyệt.

Theo dự thảo đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng vừa được UBND TP trình lên Thường trực Thành ủy, quy hoạch được lập ra thành 5 phân khu R1, R2, R3, R4, R5, trên đoạn sông dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Diện tích bao phủ khoảng 11.000 ha, thuộc địa bàn 13 quận, huyện. Dân số ước tính theo quy hoạch là 280.000 đến 320.000 người.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã giao UBND TP khẩn trương làm việc, xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng để hoàn thiện đồ án, sớm trình lên Ban Thường vụ Thành ủy để phê duyệt trong tháng 6.

Chuyên gia hiến kế cho quy hoạch 2 bờ sông Hồng

Các chuyên gia cho rằng quy hoạch 2 bờ sông Hồng cần tìm ra điểm phù hợp văn hóa Việt, nhất định không phải nơi cho các công trình cao tầng, như phương án của Hàn Quốc.

Bí thư Hà Nội: Quy hoạch sông Hồng của Hàn Quốc không còn phù hợp

Chia sẻ về ý tưởng quy hoạch phân khu sông Hồng, Bí thư Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây sẽ là trục không gian, cảnh quan, không xây dựng ồ ạt các công trình tại khu vực này.

Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm