Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chuyên gia hiến kế cho quy hoạch 2 bờ sông Hồng

Các chuyên gia cho rằng quy hoạch 2 bờ sông Hồng cần tìm ra điểm phù hợp văn hóa Việt, nhất định không phải nơi cho các công trình cao tầng, như phương án của Hàn Quốc.

quy hoach song Hong cua Han Quoc anh 1

Trong bản đóng góp ý kiến gửi Văn phòng Thành ủy Hà Nội về quy hoạch phân khu sông Hồng, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng), bày tỏ đồng tình với quan điểm phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan xanh, đô thị sinh thái của Hà Nội.

Từ bỏ cao tầng để tìm nét đặc sắc riêng

Theo ông Chính, năm 2006, các chuyên gia đô thị Hàn Quốc đã đưa ra ý tưởng xây dựng nhiều nhà cao tầng ở 2 bên bờ sông nhằm khai thác tối đa quỹ đất phục vụ quá trình đô thị hóa. Khi đó, ý tưởng này là hợp lý bởi Hà Nội chưa mở rộng và có diện tích rất khiêm tốn.

Nhưng sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, ý tưởng quy hoạch theo tầm nhìn như vậy đã không còn phù hợp vì quỹ đất phục vụ phát triển thủ đô cho giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050 đã tương đối đảm bảo.

Vì vậy, việc giới hạn quy hoạch gói gọn trong 40 km chiều dài sông là phù hợp trong giai đoạn phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của thủ đô. Ông Chính cũng tâm đắc với việc Hà Nội thay đổi cách tiếp cận theo hướng đô thị xanh, trục cảnh quan văn hóa, lịch sử thay vì đô thị cao tầng.

quy hoach song Hong cua Han Quoc anh 2

Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính. Ảnh: Sơn Hà.

Bên cạnh đó, sông Hồng là trục cảnh quan có tính chất đặc biệt của Hà Nội, vừa mang tính biểu tượng, vừa là văn hóa, lịch sử thủ đô. Vì vậy, việc phân bố nhà cao tầng, tối đa hóa diện tích sử dụng là sự lãng phí không gian, nguồn lực du lịch, dịch vụ...

Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Nguyễn Quốc Thông, Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc (Hội KTS Việt Nam), cho rằng không gian và cảnh quan của trục sông Hồng cần đặc biệt chú trọng khi xây dựng đồ án.

Trong đó, ông nhấn mạnh khu vực ngã ba sông (sông Hồng, sông Đuống), bãi giữa và 2 bờ Tứ Liên, Bắc Cầu là khu vực hội đủ yếu tố cảnh quan, văn hóa, lịch sử để trở thành không gian đặc trưng của Hà Nội mới. Đây sẽ là nơi mặt nước, cây xanh của 2 dòng sông liên kết với Cổ Loa lịch sử và hồ Tây hiện đại.

"Yếu tố cảnh quan cần được nhấn mạnh để tìm ra điểm đặc trưng phù hợp văn hóa Việt, nhất định không phải nơi cho các công trình cao tầng, như phương án của Hàn Quốc", ông Thông nhìn nhận.

Cần đánh giá cụ thể tác động môi trường và kinh tế

Gửi kiến nghị đến Thành ủy Hà Nội, các chuyên gia đều có chung nhận định quy hoạch sông Hồng có tính chất phức tạp, liên quan đa ngành, cần tích hợp nhiều quy hoạch cấp cao. Vì vậy, đồ án không chỉ đảm bảo đầy đủ, vững chắc cơ sở pháp lý, khoa học mà còn phải đảm bảo tính khả thi và đánh giá kỹ lưỡng các tác động trong quá trình thực hiện.

KTS Trần Ngọc Chính đề xuất các cơ quan của thành phố tính toán chi tiết đến việc di dời, tái định cư khu vực dân cư nằm trong khu vực vi phạm hành lang bảo vệ đê điều và thoát lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở và từng bước di dời các hộ dân không nằm trong khu dân cư tập trung.

quy hoach song Hong cua Han Quoc anh 3

Chuyên gia đề nghị Hà Nội cần có giải pháp phù hợp cho người dân 2 bên bờ sông. Ảnh: T.Đ.

Đối với các hộ dân nằm trong vùng không phải di dời, thành phố cần có chính sách bảo vệ, cải tạo, chỉnh trang đô thị cho khu vực. Cùng với đó là tìm kiếm các mặt bằng mới để bố trí cho người dân tái định cư tại chỗ, ổn định đời sống dân cư khu vực này.

Ông cũng nêu quan điểm thành phố cần chú trọng đến xây dựng 2 tuyến đường cấp đô thị chạy dọc sông đoạn qua phân khu được quy hoạch. Đây sẽ là tuyến giao thông chính, liên kết giao thông phân khu đô thị với giao thông trên toàn thành phố. Tuyến đường này sẽ quyết định đến trục cảnh quan, kiến trúc đô thị, là điểm nhấn cho toàn bộ quy hoạch sông Hồng.

Trong phần kiến nghị của mình, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, lại muốn các đơn vị chức năng của thành phố có đánh giá sâu sắc, kỹ lưỡng hơn ở một số khía cạnh.

Về kinh tế, ông Nghiêm cho rằng các sở, ngành của thành phố cần phân tích, khái toán chi phí, tính toán lợi ích, phương án khả thi về tài chính, phương hướng huy động vốn, thực hiện quy hoạch. Bởi theo ông, đồ án có phân tích về tính khả thi, nhưng chưa đề cập chi tiết đến khía cạnh kinh tế.

Về hành lang thoát lũ, đồ án nên có tổng hợp các bài học kinh nghiệm từ các dự án, nghiên cứu, quy hoạch đã có, liên quan đến khu vực này. Trong đó, ông đề cập đến những nghiên cứu của Hội Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi...

Ông Nghiêm cũng nêu kiến nghị thành phố nên có đánh giá tổng thể về tác động môi trường bởi nó là yêu cầu bắt buộc, phù hợp với Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng, nhưng chưa được đề cập trong báo cáo.

Theo dự thảo đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng vừa được UBND TP trình lên Thường trực Thành ủy, quy hoạch được lập ra thành 5 phân khu R1, R2, R3, R4, R5, trên đoạn sông dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Diện tích bao phủ khoảng 11.000 ha, thuộc địa bàn 13 quận, huyện. Dân số ước tính theo quy hoạch là 280.000 đến 320.000 người.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã giao UBND TP khẩn trương làm việc, xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng để hoàn thiện đồ án, sớm trình lên Ban Thường vụ Thành ủy để phê duyệt trong tháng 6.

Bí thư Hà Nội: Quy hoạch sông Hồng của Hàn Quốc không còn phù hợp

Chia sẻ về ý tưởng quy hoạch phân khu sông Hồng, Bí thư Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây sẽ là trục không gian, cảnh quan, không xây dựng ồ ạt các công trình tại khu vực này.

'Hiện thực hóa quy hoạch 2 bờ sông Hồng là nhiệm vụ lịch sử'

Theo Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ, quy hoạch 2 bờ sông Hồng nếu được duyệt vào tháng 6 sẽ là thành công lớn, niềm phấn khởi cho người dân tại đây.

Sơn Hà

Bình luận

Bạn có thể quan tâm