Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

'Nhiệm vụ bất khả thi' của bà Liz Truss

Bà Liz Truss đã được xướng tên sau cuộc bầu cử chóng vánh, song chuyên gia nhận định tân thủ tướng Anh sẽ phải đối mặt nhiều thách thức, trong đó có nhiệm vụ “gần như bất khả thi”.

Chia sẻ với Zing, tiến sĩ Russell Foster, giảng viên Giáo dục Chính trị Anh và châu Âu thuộc Khoa Nghiên cứu châu Âu và Quốc tế, Đại học King’s College London - một trong những đại học lâu đời và danh giá ở Anh, cho biết tân thủ tướng Anh sẽ phải đối mặt với 4 thách thức lớn.

thu tuong Anh anh 1

Tiến sĩ Russell Foster, thuộc Đại học King’s College London. Ảnh: Twitter.

“Thứ nhất, vòng xoáy lạm phát ngày càng tồi tệ hơn, khiến giá nhiên liệu, năng lượng và thực phẩm thêm đắt đỏ. Thứ hai, người dân Anh sẽ phải chật vật để sưởi ấm ngôi nhà của họ do chi phí năng lượng quá lớn khi mùa đông ngày càng cận kề”, ông nói.

“Thứ ba, việc duy trì liên minh phương Tây (sẽ gặp trở ngại) vào thời điểm nhiều chính trị gia đang cân nhắc từ bỏ Ukraine để Nga tiếp tục cung cấp nhiên liệu giá rẻ. Thứ tư, tân thủ tướng sẽ không được lòng nhiều đảng viên Bảo thủ - những người sẽ yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm - và người dân Anh - những người đã yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử”, vị tiến sĩ nói thêm.

Theo kết quả kiểm phiếu hôm 5/9, bà Liz Truss đã đánh bại ông Rishi Sunak và trở thành người kế nhiệm cựu Thủ tướng Boris Johnson. Bà Truss nhận được sự ủng hộ của 81.326 thành viên đảng, so với con số 60.399 của ông Sunak.

Sự thay đổi thủ tướng này bắt nguồn từ sự sa sút của cựu Thủ tướng Boris Johnson vào đầu hè, với một loạt bê bối khiến các nhân vật cấp cao trong chính phủ từ chức. Sau hai tháng cạnh tranh trong đảng Bảo thủ, bà Truss đã trở thành nữ thủ tướng thứ ba của nước Anh.

Hàng loạt thách thức trước mắt

Tính đến nay, vấn đề lớn nhất trước mắt của tân thủ tướng là giảm bớt sức ép lạm phát đang đè lên các hộ gia đình và điều chỉnh hóa đơn năng lượng đã lên đến hơn 4.600 USD/năm.

“Khi đã nắm quyền, bà Liz Truss có thể sẽ buộc phải hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng vào mùa đông”, 2 chuyên gia Mujtaba Rahman và Henning Gloystein, từ Eurasia Group, cho biết vào tuần trước, CNBC đưa tin.

Bà Truss cam kết có ngân sách khẩn cấp vào tháng 9 và cắt giảm thuế. Trong tuần này, bà cũng nhấn mạnh sẽ làm “mọi điều có thể” để giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất.

thu tuong Anh anh 2

Bà Liz Truss đã trở thành tân thủ tướng Anh vào ngày 5/9. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, lòng tin của người dân Anh đang lung lay. Tiến sĩ Foster cho rằng cựu Thủ tướng Boris Johnson “đã càng làm giảm lòng tin của người Anh đối với chính phủ và đảng Bảo thủ”.

“Niềm tin của công chúng vốn đã giảm sút sau nhiều năm bê bối, nhưng những năm tháng của ông Boris đặc biệt còn tồi tệ hơn: Thói lạm quyền, không thành thật trước Nghị viện và công chúng, vi phạm quy định chống dịch...”, ông nhận định.

Bên cạnh đó, vấn đề nhân sự cũng là một khó khăn lớn với tân thủ tướng. “Thủ tướng mới đang phải đối mặt với một nhiệm vụ gần như bất khả thi khi các bộ trưởng và quan chức giỏi nhất đã ra đi", ông nói.

Về vấn đề đối ngoại, trong suốt quá trình vận động bầu cử, tân Thủ tướng Anh Liz Truss đã thể hiện thái độ cứng rắn với Trung Quốc. Bà cam kết kìm hãm các công ty do Trung Quốc sở hữu như TikTok - ứng dụng chia sẻ video phổ biến do công ty công nghệ ByteDance Ltd, có trụ sở tại Bắc Kinh - đứng đầu.

Nhà lãnh đạo 47 tuổi cũng cảnh báo việc Anh trở nên "phụ thuộc chiến lược" vào Bắc Kinh, nói rằng cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu lúc này đã cho thấy nguy cơ của việc phụ thuộc quá mức.

Nhận định về quan điểm này, tiến sĩ Foster cho biết: “Cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc sẽ cần được cân bằng với chính sách ngoại giao chiến lược”.

“Rõ ràng liên minh phương Tây có lợi ích chiến lược nếu tách Bắc Kinh khỏi Moscow, nhằm khuyến khích Trung Quốc kêu gọi Nga chấm dứt chiến sự. Trung Quốc cũng nhận thức được rằng phương Tây cần giao thương với Trung Quốc và ngược lại”, ông cho hay.

Bên cạnh đó, ông cho biết Anh và đồng minh cũng cần thuyết phục Trung Quốc không nên có bất kỳ hành động quân sự nào với đảo Đài Loan.

"Bằng cách kết hợp giữa viện trợ quân sự cho Đài Loan và chiến sự ở Ukraine, Anh và các đồng minh có thể cân bằng chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, trong khi vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp”, ông nói.

Làn gió mới cho nước Anh

Ngoài những thách thức từ chính trường trong nước và quốc tế, ông Foster nhận định các tân thủ tướng Anh luôn nhận được sự ủng hộ từ đồng minh.

Mối quan hệ giữa Anh và Pháp gần đây đã bị ảnh hưởng do thỏa thuận AUKUS và những bình luận không kiêng dè của bà Liz Truss về Tổng thống Emmanuel Macron. Tuy nhiên, kể từ khi xung đột tại Ukraine bắt đầu, các quốc gia phương Tây đã (và vẫn) đoàn kết hơn.

“Một tân thủ tướng với chính sách đối ngoại cứng rắn sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở châu Âu, Mỹ và Australia”, vị tiến sĩ cho hay.

thu tuong Anh anh 3

Bà Truss đã giành chiến thắng trước ông Sunak trong cuộc đua cho vị trí thủ tướng Anh. Ảnh: BBC.

Sau khi ông Boris Johnson rời nhiệm sở, ông Foster tin rằng mối quan hệ của Anh với EU cũng sẽ được cải thiện. Theo vị chuyên gia, trong khi Brexit đã diễn ra từ lâu, ông Boris Johnson vẫn nỗ lực thúc đẩy chủ nghĩa dân túy, và điều này khiến người dân Anh “mệt mỏi”.

“Công chúng Anh cảm thấy mệt mỏi với điều này. Họ mong muốn có mối quan hệ tốt đẹp với EU trong thời điểm khủng hoảng”, ông nhận định.

Liên quan đến vấn đề Ukraine, ông Foster nhận định Anh vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ nước này. “Cuộc xung đột đó đã thống nhất chính phủ và người dân các nước phương Tây. Đông đảo người Anh cũng tán thành việc tiếp tục viện trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo cho Ukraine”, ông nói.

Theo ông, tất cả chính trị gia Anh đều nhất trí rằng dù ai là thủ tướng, viện trợ quân sự dành cho Ukraine vẫn sẽ tiếp tục cho đến khi “chiến dịch quân sự” này kết thúc.

Song tiến sĩ Foster cũng nhận định thời gian nắm quyền của tân thủ tướng Anh có thể sẽ không kéo dài lâu.

“Đảng Bảo thủ đã nắm quyền 12 năm, công chúng đã quá mệt mỏi với họ (đặc biệt sau tất cả vụ bê bối với ông Boris Johnson). Bà Liz Truss không được lòng những người coi bà là người kém cỏi và thiếu lý tưởng. Trong khi đó, ông Rishi Sunak có tiếng xấu là một tỷ phú công khai coi thường những người lao động”, ông giải thích.

Theo ông, đảng Bảo thủ có thành tích đáng ghi nhận trong việc loại bỏ các nhà lãnh đạo không được lòng dân.

“Công chúng muốn tổ chức tổng tuyển cử, và có những dấu hiệu cho thấy nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ muốn đảng Lao động giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo, để họ có thể thu dọn mớ hỗn độn”, ông nhấn mạnh.

“Một thủ tướng mới đã được xướng tên vào ngày 5/9. Nhưng đến đầu năm 2023, một thủ tướng khác có thể sẽ xuất hiện” nếu khi ấy Anh tổ chức tổng tuyển cử sớm, vị tiến sĩ dự đoán.

Kế hoạch táo bạo của bà Liz Truss

Thủ tướng tiếp theo của Anh - bà Liz Truss - sẽ đối mặt với những thách thức và khủng hoảng về kinh tế - chính trị chưa từng thấy kể từ năm 1979 khi bà Margaret Thatcher nhậm chức.

Bà Liz Truss là tân thủ tướng Anh

Ngoại trưởng Liz Truss đã giành chiến thắng trước ông Rishi Sunak trong cuộc đua giành phiếu của đảng cầm quyền để trở thành thủ tướng mới của nước Anh.

Hải Linh - Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm