Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhảy đầm từng bị cho là xấu

Những năm 1930, hàng trăm số báo tranh cãi về đạo đức của người nhảy đầm. Có những người quả quyết lối chơi ấy sẽ sớm bị tiêu diệt.

Đàn ông Việt Nam mang tiếng là không “lịch sự như Tây”, ông nào chiều chuộng phụ nữ chút là lập tức bị nghi ngờ có động cơ không trong sáng hoặc bị gọi là “nịnh đầm” - một cụm từ cũng lại mang dấu ấn Tây.

Thời cổ xưa, quan niệm lịch sự không rõ ràng lắm, người ta hay nói đến những cấm đoán dưới nhãn chữ “Lễ”, chẳng hạn “Nam nữ thụ thụ bất thân”. Hai người nam - nữ đứng gần nhau mà nói chuyện, ấy đã là việc tày trời, sau đó chỉ có thể thẳng tiến hôn nhân.

Đến một ngày, làn sóng Âu hóa ào đến, phép lịch sự kiểu Tây là phải biết nhảy đầm. Cuộc đổi thay giao tế đến ngỡ ngàng: Nam nữ dìu nhau đi mà không nhất thiết đến mục đích nào ngoài thể hiện phép lịch sự.

Nhay dam anh 1

Tranh Đông Hồ miêu tả cảnh nhảy đầm đầu thế kỷ XX. Ảnh: Nguoidothi.

Đến cuối thế kỷ XIX, tiêu chí đạo vợ chồng vẫn “tương kính như tân”, giao tế là phải nâng khăn ngang mày, tóm lại là ở trong nhà còn giữ kẽ thế thì ra nơi công cộng chớ có ôm ấp nhau.

Tất nhiên có những hành vi vượt ra khỏi khuôn khổ Nho giáo. Văn chương thì ai cũng thuộc Truyện Kiều “Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang” cùng “Ra tuồng trên bộc trong dâu”. Ca dao tục ngữ thì “Yêu nhau cởi áo cho nhau”, nhưng về nhà vẫn phải nói dối cha mẹ rằng “qua cầu gió bay”.

Trai gái đứng gần nhau, thậm chí đụng chạm mà không đi tới hôn nhân dễ xảy ra chuyện bê bối làng xã. Việc nhảy đầm xảy ra giữa hai người nam - nữ có khi không quen biết đã trở thành cú sốc cho xã hội khi được những thanh niên Tây học khởi xướng vào đầu thập niên 1930.

Dễ đến hàng trăm số báo những năm này đã tranh cãi về đạo đức của việc nhảy đầm và có người “dám cam đoan quả quyết cho lối chơi ấy, với ta tuy nay có bồng bột thật, song rồi chẳng bao lâu - trong một thời gian rất ngắn - nó sẽ (bị) tiêu diệt đi hết mà thôi… Nhảy đầm rồi sẽ chết! Chết một cách ngấm ngầm không ai còn muốn nhắc ra nữa làm gì".

Sở dĩ vậy vì theo họ, cảnh “một cặp trai gái ôm nhau mà nhảy là một sự rất chướng, một lối chơi dâm ô: Phải đả đảo cho tiêu diệt!” (Phụ nữ tân văn, 31/8/1933).

Tuy vậy, lo ngại của các nhà đạo đức trong xã hội khi ấy chủ yếu nhắm vào việc đàn ông đem tiền đi cho vũ nữ hoặc các bà vợ bỏ bê thiên chức tề gia nội trợ, và nhất là lo lắng các cô tân thời mê nhảy sa ngã. Thậm chí, Vũ Trọng Phụng còn liệt “Gái nhẩy ở các tiệm khiêu vũ” là “một trong năm loại đĩ” ở Hà Nội.

Nhiều người Việt có đầu óc nhanh nhạy đã nhận ra nhảy đầm là một tấm giấy thông hành dự phần vào thế giới văn minh của giới cai trị.

Một sinh viên Việt Nam du học ở Pháp đã nói với Phạm Quỳnh rằng học nhảy đầm “để khi về nước, mình là người có chức phận, gặp khi quan trên mời dự tiệc ở Phó soái hay Chánh soái, mình biết ‘nhảy’ cho đúng cách, cho Tây bên ấy họ biết rằng mình đã thạo những cách lịch sự ở Paris” (Pháp du hành trình nhật ký - Phạm Quỳnh, 1922).

Nhay dam anh 2

Lệnh cấm người Việt Nam khiêu vũ trên báo Tia sáng năm 1949. Ảnh: Nguoidothi.

Nhưng lịch sự với ai thì các vị này không nói! Chẳng lẽ chỉ lịch sự làm hàng với các quan Tây? Tất nhiên, lý thuyết là lịch sự với phái nữ nhưng thực tế lại để ghi điểm trong mắt giới đàn ông, như thể biết dìu bạn nhảy trong điệu valse cũng có giá trị ngang với biết hút xì gà hay cầm gậy chơi gôn, hoặc để bước chân vào quan trường.

Chỉ hai chục năm, từ chỗ bị coi là trò dâm ô, khiêu vũ đã được khoác lên cái áo văn minh mà mỗi người đàn ông thành thị nên biết. Kèm theo sự biến đổi ấy là cách đàn ông bày tỏ tình cảm với phái nữ.

So sánh không hề khập khiễng thì khiêu vũ cũng như màn hát giao duyên cổ truyền, chỉ khác ở điệu bộ hay quy cách do âm nhạc dẫn lối. Cái nắm tay hay ôm eo của người đàn ông với bạn nhảy nữ vốn dĩ là cách phân biệt nam nữ, khi vào đời sống xã hội Việt Nam lại đem đến một cảm giác khuyến khích người nữ bộc lộ bản ngã nhiều hơn.

Đã có những chị em tân thời cổ vũ việc nhảy đầm bằng cách coi đó là một loại “thể dục” có tính thẩm mỹ. Đương nhiên “phi phụ nữ khiêu vũ bất thành”. Ngoại trừ số vũ nữ ít ỏi ở các tiệm nhảy, sự hưởng ứng của phụ nữ tân học quyết định phần còn lại của câu chuyện khiêu vũ.

Nhưng về phía đàn ông, liệu biết khiêu vũ đã khiến họ biết ứng xử với phụ nữ theo ý nghĩa nghiêm túc của môn giao tế có tính chất phổ quát - mà thực ra là theo chuẩn Tây phương - chưa?

Hay là chẳng cần đợi khiêu vũ, thị dân ở những nơi như Hà thành đã có sẵn khung cảnh thuận lợi để giao lưu nam nữ, việc nhảy đầm có lẽ chỉ như quả cherry trên đỉnh cái bánh ga tô cho đẹp?

Nguyễn Trương Quý / Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn

SÁCH HAY