Hàng trăm hành khách đã rời khỏi du thuyền cách ly sau khi nhận được đảm bảo từ chính quyền Nhật Bản nhưng việc đặt chân lên đất liền sau nhiều tuần không an toàn như họ nghĩ.
Các tài xế taxi, những người thường sẽ đổ xô đến để chở khách từ các du thuyền cập bến, lại vắng bóng. Những chiếc xe buýt màu vàng của thành phố được huy động để chở hành khách đến sân bay và nhà ga nhưng tài xế đã bị chặn bởi những tấm nhựa và băng cuốn.
Điều đó có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên: Ngay trong ngày 443 hành khách được đặt chân xuống thành phố cảng và đất liền, số ca nhiễm bệnh được xác nhận trên Diamond Princess đã tăng trở lại, lên tới 621, khi 79 trường hợp mới được công bố.
Một công nhân mặc đồ bảo hộ đi bộ trên tàu du lịch Diamond Princess tại thành phố Yokohama, Nhật Bản, ngày 20/2. Ảnh: AFP/Getty. |
Theo New York Times, chỉ một ngày trước khi cho hàng loạt hành khách lên bờ, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Nhật Bản đã ghé thăm du thuyền và đưa ra đánh giá tồi tệ về những gì ông đã thấy: "Hoàn toàn hỗn loạn".
"Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu họ lây nhiễm bệnh", bác sĩ Kentaro Iwata của Bệnh viện Đại học Kobe nói về những hành khách rời khỏi tàu.
Chán nản vì liên tiếp bị cách ly
Khi thông báo cho hành khách rằng họ được tự do trở về với gia đình, chính phủ Nhật Bản tuyên bố họ đã đáp ứng các điều khoản cách ly hai tuần khi Diamond Princess cập cảng hồi đầu tháng này.
Nhưng các chuyên gia y tế bên ngoài bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Nhật Bản xử lý ổ dịch. Hôm 18/2, Mỹ đã ra lệnh cho các công dân ở trên tàu của nước này không được trở về nhà trong ít nhất hai tuần, "để bảo vệ sức khỏe của công chúng Mỹ".
Trong những ngày gần đây, một số hành khách của Diamond Princess đã được hồi hương và đưa vào cách ly đã cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus này.
Nhưng hôm 19/2, con tàu vẫn thả hàng loạt hành khách xuống đất liền.
Xe buýt đến cảng Yokohama, gần Tokyo, khi Lực lượng phòng vệ Nhật Bản chuẩn bị di chuyển hành khách Mỹ khỏi tàu du lịch Diamond Princess bị cách ly hôm 16/2. Ảnh: AP. |
Không lâu trước 11h sáng, họ bắt đầu rời khỏi con tàu qua đường hầm được dựng tạm bợ với những tấm bạt màu xanh tới bãi đậu xe dưới bầu trời quang đãng.
Những chiếc taxi có thể vắng bóng nhưng truyền thông thì không.
Một trong những người đến sớm nhất, một phụ nữ đội nón và đeo mặt nạ bảo vệ với dây đeo lỏng lẻo, đã bị các nhà báo vây quanh khi cô bước ra khỏi cổng bảo vệ, tay kéo chiếc vali màu đỏ.
Hành khách Masako Ishida, 61 tuổi, vẫn ở trên tàu hôm 19/2 khi chờ nhận kết quả xét nghiệm. Bà cảm thấy chán nản với đề xuất tiếp tục cách ly những người có kết quả xét nghiệm âm tính.
"Tôi nghe nói có người nghĩ rằng các hành khách chúng tôi nên được cách ly thêm hai tuần nữa. Chúng tôi đã được cách ly và nếu chúng tôi có kết quả kiểm tra âm tính, chúng tôi sẽ được cấp chứng nhận chứng minh chúng tôi âm tính. Chúng tôi nằm trong số những người an toàn nhất hiện nay", bà nói.
Một hành khách khác dường như ít quả quyết hơn.
"Tôi hơi lo lắng liệu tôi có thực sự ổn để rời tàu không vì việc xác định chắc chắn rất khó khăn. Nhưng giờ tôi chỉ muốn ăn mừng", một người đàn ông 77 tuổi xuống tàu cùng vợ nói với hãng tin Kyodo.
"Một nửa các biện pháp"
Bác sĩ Iwata, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, thậm chí còn lo lắng hơn.
Ông nói rằng ông đã đến thăm con tàu hôm 17/2 với mục tiêu tư vấn cho các quan chức y tế công cộng về cách ngăn chặn sự lây bệnh. Ông bày tỏ sự ngạc nhiên về những gì ông đã thấy và đã lên YouTube để chia sẻ những phát hiện của mình.
Bác sĩ Iwata nói rằng các quan chức của bộ y tế, các thành viên thủy thủ đoàn và bác sĩ tâm lý ở cùng và ăn cùng nhau, một số mặc đồ bảo hộ đầy đủ, số khác thì không - vi phạm các quy trình thông thường.
Ông nói trong một cuộc phỏng vấn rằng chính quyền Nhật Bản chỉ thực hiện "một nửa các biện pháp" và "không bảo vệ" 3.700 hành khách và thành viên thủy thủ đoàn trên tàu.
Một phần của vấn đề là các công chức không nhất thiết phải có chuyên môn về bệnh truyền nhiễm đã tham gia ứng phó. Nước này không có cơ quan chính phủ chuyên kiểm soát dịch bệnh.
Du khách đi bộ qua tàu du lịch Diamond Princess bị cách ly hôm 16/2 tại Yokohama. Ảnh: AP. |
"Họ muốn xử lý vụ việc dựa trên kế hoạch thành công mà các quan chức đã tạo ra và họ chỉ muốn tuân theo nó. Không có mục tiêu hay tiêu chí, họ chỉ muốn cho thấy họ đang cố gắng hết sức, ngay cả khi họ nhận được nhiều ca nhiễm trùng", Bác sĩ Iwata nói.
Bác sĩ Iwata, người nói rằng ông sợ mình có thể đã nhiễm virus trên tàu, đang tự cách ly khỏi gia đình.
Các quan chức Nhật Bản bảo vệ quyết định của họ.
Trong bài phát biểu trước các phóng viên hôm 19/2, Yoshihide Suga, bộ trưởng nội các của Thủ tướng Shinzo Abe, cho biết chính quyền
"đã hết sức cân nhắc để đảm bảo an toàn cho hành khách và thủy thủ đoàn".
Gaku Hashimoto, thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết trên Twitter rằng khi phát hiện Bác sĩ Iwata trên tàu hôm 18/2, ông đã yêu cầu bác sĩ rời đi.
Ông Hashimoto cho biết Bộ Y tế "đang nhận được sự giúp đỡ từ nhiều chuyên gia cả trong và ngoài tàu và đang tiến hành kiểm dịch đặc biệt".
Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng sau khi ba quan chức của Bộ Y tế chăm sóc hành khách trên tàu thử nghiệm dương tính với virus, "Tôi không thể nói rằng mọi thứ đang được kiểm soát hoàn toàn".
Hoàn cảnh đặc biệt cần phản ứng đặc biệt
Sáng sớm 20/2, Bác sĩ Iwata đã gỡ bỏ video của mình mà không giải thích gì nhiều.
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm khác cho biết họ rất lo lắng vì mô tả của Bác sĩ Iwata về các điều kiện trên tàu.
Giữa các cuộc di tản trước đó và đợt đưa hành khách xuống tàu hôm 19/2, có vẻ hiện tại còn chưa đầy 1.100 hành khách trên tàu Diamond Princess và khoảng 1.000 thành viên thủy thủ đoàn.
Các hành khách tiếp theo sẽ được đưa xuống tàu theo kế hoạch trong hai ngày tới.
Hành khách rời tàu du lịch Diamond Princess tại cảng Yokohama, Nhật Bản, ngày 19/2. Ảnh: Kyodo/Reuters. |
Cơ quan y tế Nhật Bản cho biết bất kỳ hành khách hoặc thành viên thủy thủ đoàn nào có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ được đưa đến bệnh viện và bất kỳ ai có triệu chứng sẽ phải ở lại trên tàu cho đến khi được đảm bảo y tế.
Các quan chức cho biết 443 người rời tàu hôm 19/2 không có triệu chứng và đã thử nghiệm âm tính với virus này. Tuy nhiên, không rõ họ được xét nghiệm khi nào. Một số cho biết họ được thử nghiệm vào cuối tuần, điều đó có nghĩa là họ có thể đã bị phơi nhiễm trong vòng ba ngày.
Bác sĩ Cowie nói rằng những người mới bị nhiễm bệnh có thể kiểm tra âm tính với virus corona rồi vài ngày sau mới phát bệnh.
Kyle Cleveland, giáo sư xã hội học tại Đại học Temple của Tokyo, cho rằng phản ứng của Nhật Bản đối với cuộc khủng hoảng lần này thiếu sự phối hợp và chịu trách nhiệm đưa ra quyết định của các chuyên gia thực sự. "Thay vào đó, các chính trị gia được đặt vào những chức trách vượt quá khả năng của họ", ông nói.
Ông Cleveland nói rằng con tàu đã đưa Nhật Bản vào tình thế khó khăn và cần phản ứng nhanh.
"Nhật Bản đôi khi là nạn nhân của chính năng lực của mình. Tất cả mọi thứ đều hoạt động và nó là một xã hội có chức năng, cấu trúc cao ở mọi khía cạnh. Và sau đó khi mọi thứ trật khỏi đường ray, họ nghĩ rằng các quy trình hàng ngày bình thường sẽ là đủ", ông nói.
"Tuy nhiên, hoàn cảnh đặc biệt đòi hỏi phản ứng đặc biệt", ông nhận định.