Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), trong quý I, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản khối lượng hàng hóa đạt 4,27 tỷ USD (giảm 1,6% so với cùng kỳ 2018), còn xuất khẩu đạt 4,62 tỷ USD (tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái).
Đối với hàng rau quả, số lượng xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật đạt 28,2 triệu USD (giảm 0,5% so với cùng kỳ). Nguyên nhân là do gần đây, số vụ vi phạm tiêu chuẩn chất lượng hàng nông sản được phát hiện tại Nhật Bản tăng nhiều hơn so với các năm trước.
Theo thông báo của Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản, tính trong 2 tháng đầu năm, số lô hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản vi phạm Luật vệ sinh an toàn thực phẩm của nước này là 8 vụ (tăng 5 vụ so với cùng kỳ năm ngoái).
Thanh long Việt Nam chiếm đến 70% thị trường thanh long Nhật Bản. Ảnh minh họa: Tiêu dùng 24h. |
Đặc biệt là vụ việc quả thanh long của Việt Nam bị phát hiện còn chứa dư lượng chất bảo vệ thực vật ở mức cao. Hiện tại, 70% thanh long được bán ở Nhật Bản có xuất xứ từ Việt Nam. Sự việc này đã dẫn đến quả thanh long tươi bị áp lệnh kiểm tra tăng cường 30% tổng số lô nhập vào Nhật Bản.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng tiến hành kiểm tra 100% các lô hàng rau ngò và tôm từ Việt Nam.
Số lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam vi phạm Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản trong tháng 2 và tháng 3 là 4 lô. Phía Nhật đã phát hiện lô rau ngò chứa đến 3 chất cấm. Từ đó dẫn đến việc áp lệnh kiểm tra 100% đối với 2 chất cypermethrin và clorpyrifos. Nhật cũng tăng cường kiểm tra 30% đối với chất profenofos trên sản phẩm rau ngò từ Việt Nam.
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đánh giá việc áp dụng cùng lúc mức kiểm tra 100% và 30% đối với 3 chất cấm trên sẽ làm ảnh hưởng hưởng về uy tín của rau tươi nói riêng và nông sản của Việt Nam nói chung.
Tháng 2 còn có một lô hàng tôm đã sơ chế vi phạm dư lượng chất enrofloxacin, một trong 3 chất đang bị phía Nhật áp lệnh kiểm tra 100% đối với tôm và sản phẩm chế biến từ tôm.
Báo cáo nhận định, tôm là mặt hàng chiếm thị phần lớn tại Nhật của Việt Nam. Việc kiểm tra an toàn thực phẩm của Nhật Bản sẽ làm gia tăng chi phí kiểm dịch.
Báo cáo của Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cũng đánh giá một nguyên nhân khác khiến sản lượng xuất khẩu giảm nhẹ là kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán kéo dài, dẫn đến số lượng giao dịch giảm.
Trong khi đó, thị trường Trung Quốc cũng đang ngày càng thực hiện nghiêm các quy định đã có về truy xuất nguồn gốc, yêu cầu đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói và các yêu cầu về bao bì tem nhãn... đối với hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam và một số quốc gia khác trên thế giới.