Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhật nâng chi phí quân sự cao hơn mức kỷ lục 2014

Bộ Quốc phòng Nhật Bản vừa đưa ra dự thảo ngân sách quốc phòng ở mức 5.000 tỷ yen (40,3 tỷ USD), cao hơn mức kỷ lục năm ngoái 4.981 tỷ yen.

Hàng chục ngàn người dân Okinawa xuống đường phản đối quyết định trên của Chính phủ Nhật Bản - Ảnh: Reuters.

Hàng chục ngàn người dân Okinawa xuống đường phản đối quyết định trên của chính phủ Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Theo tính toán của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, lực lượng vũ trang nước này cần thêm nhiều kinh phí mua sắm khí tài để có thể đáp ứng những nhiệm vụ mới nếu các luật liên quan đến an ninh quốc gia được thông qua và có hiệu lực. 

Dự kiến ngân sách quốc phòng tài khóa 2016 sẽ bao gồm kinh phí mua mới ba máy bay tiếp nhiên liệu trên không, đóng tàu khu trục và mua thêm các thiết bị cảnh báo.

Dù bị cho là quá phụ thuộc vào các trang thiết bị quân sự Mỹ thay vì phát triển ngành công nghiệp quân sự trong nước, các quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết họ phải nhanh chóng đối phó với môi trường an ninh đang thay đổi xung quanh Nhật Bản.

Ngoài ra, tình hình căng thẳng gia tăng cũng đòi hỏi sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng vũ trang Nhật Bản và Mỹ nên nước này phải ưu tiên mua sắm trang thiết bị quân sự của Mỹ, trước khi ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản phát triển và đáp ứng được yêu cầu.

Cựu thủ tướng Nhật chỉ trích

Dù nhận được sự chấp thuận của Hạ viện, quyết định sửa đổi luật an ninh của Thủ tướng Shinzo Abe vẫn kéo mức ủng hộ của dân chúng Nhật Bản dành cho ông xuống dưới mức 40%.

Ngoài ra, mới đây nhất cựu thủ tướng Nhật Bản Tomiichi Murayama đã chỉ trích mạnh mẽ hành động của Chính phủ Shinzo Abe. Ông cho biết việc thúc đẩy sửa đổi Luật an ninh là hành động mang tính "chính trị độc đoán", và "kéo người dân vào cuộc chiến tranh với niềm tin của bản thân".

Ông Murayama kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Abe xem xét lòng tin của quần chúng nhân dân trong các cuộc biểu tình phản đối gần đây. Ông cũng khẳng định sẽ không ủng hộ nội các của Thủ tướng Abe.

Ngoài ra ngày 3/8, chính quyền ông Abe đã phải ra quyết định tạm ngưng tái thiết căn cứ quân sự Mỹ từ thời Chiến tranh thế giới thứ 2 tại lãnh thổ nước này, khi có tới 35.000 người dân tại đảo Okinawa đã xuống đường biểu tình, kêu gọi đóng cửa căn cứ quân sự Futenma vào ngày 17/5 vừa qua.

Tỉnh trưởng Okinawa, ông Takeshi Onaga, đã buộc tội Thủ tướng Shinzo Abe xem thường hòn đảo và cư dân trên đảo khi đưa ra quyết định này. Ông cam kết sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn cản việc xúc tiến kế hoạch tái bố trí căn cứ Futenma tại đây.

Trả lời họp báo, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, trong thời gian từ nay cho đến ngày 9/9, chính quyền trung ương sẽ tổ chức "các cuộc tham vấn chuyên sâu" với nhà chức trách tỉnh Okinawa để giải quyết những bất đồng về kế hoạch tái bố trí căn cứ Futenma của thủy quân lục chiến Mỹ.

Thông báo trên được đưa ra trước cuộc gặp giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tỉnh trưởng Okinawa Takeshi Onaga tại thủ đô Tokyo vào ngày 7/8. 

Ông Yoshihide Suga cho biết, việc ngừng xây dựng sẽ tạo cơ hội cho hai bên thảo luận vấn đề một cách triệt để hơn. Tuy nhiên, ông Suga khẳng định chính phủ sẽ không thay đổi lập trường của mình.

http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20150804/nhat-nang-chi-phi-quan-su-cao-hon-muc-ky-luc-2014/788496.html

Theo Hải Yến/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm