Theo New York Times, cô Samantha Stephens đã thực hiện ước mơ của mình từ 8 năm trước. Đó là mở một nhà hàng bột yến mạch ở Greenwich Village (New York, Mỹ). Tại đây, khách hàng có thể tự làm bát yến mạch của mình với hạt chia, quả, thịt xông khói và trứng luộc. Giờ, cửa hàng nhỏ của cô điêu đứng vì dịch Covid-19.
Trước khi mở cửa hàng, cô Stephens vừa tham gia lớp học ẩm thực vào ban đêm, vừa làm trợ lý giám đốc tại một ngân hàng đầu tư. Từ khoản vay ban đầu, cô xây dựng một cửa hàng nhỏ nhưng có doanh thu ổn định 45.000 USD/tháng.
Nhưng giờ nhà hàng bị giáng đòn mạnh, buộc cô Stephens phải đưa ra các quyết định khó khăn. Tình cảnh của cô là một trong số những câu chuyện cho thấy cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 có thể tạo nên bóng đen bao trùm tương lai của nền kinh tế Mỹ.
Nhà hàng OatMeals của cô Stephens ở New York. Ảnh: New York Times. |
Mất thu nhập
“Nhà hàng mở cửa từ 7h sáng đến 5h chiều các ngày trong tuần. Vì vậy tôi và đội ngũ nhân viên ở đó trước 6h15. Chúng tôi bắt đầu nấu bột yến mạch nóng và nướng bánh ngọt bột yến mạch tươi. Giờ cao điểm là 8h15, 8h30 đến 10h30, chúng tôi rất bận rộn. Những người giao hàng cũng đến và tất bật với chúng tôi”, cô Stephens kể.
“Ngày 11/3, mọi thứ trở nên nghiêm trọng chỉ sau một đêm, tôi nghe khách hàng nói về dịch virus đang bắt đầu lây lan ở New York. Doanh thu ngày hôm đó sụt giảm 22% so với tuần trước. Hai ngày tiếp theo, số đơn đặt hàng giảm lần lượt 24% và 65%. Thứ sáu 13/3, chúng tôi giảm nhân sự xuống còn 2 người trong ca sáng. Tôi cũng đóng cửa sớm hơn thường lệ, từ 5h chiều lên 1h chiều”.
Ngày 17/3, thành phố thông báo các nhà hàng chỉ được phép phục vụ mang đi và giao hàng. “Tôi đã thử nghiệm nhưng doanh thu vẫn giảm 86%. Doanh thu không thể bù đắp chi phí mở cửa hàng. Tôi thực sự muốn mở cửa để phục vụ khách hàng, tôi yêu những khách quen và họ phụ thuộc vào bột yến mạch buổi sáng”, chủ cửa hàng OatMeals than thở.
“Tôi và một nhân viên khách làm việc đến 1h chiều, rồi tôi nói với cô ấy: ‘Hãy để tôi suy nghĩ và sẽ liên lạc với bạn sau’. Đáng ra tôi không nên mua sữa và trái cây tươi, nhưng ai biết chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi đề nghị các nhân viên nghỉ việc tạm thời nhưng vẫn hy vọng tình trạng này chỉ diễn ra trong 1-2 tuần”.
Hôm 18/3 là ngày đầu tiên OatMeals đóng cửa, cô Stephens ở nhà, sợ hãi và không biết phải làm gì tiếp theo. Cô đọc báo, bản tin và thư từ để tìm thông tin về những gì có thể xảy ra. “Tuy nhiên có rất nhiều thông tin sai lệch và khó hiểu”, chủ OatMeals hoang mang.
Các cửa hàng không thiết yếu ở New York bị đóng cửa. Ảnh: New York Times. |
Hôm 27/3, sau nhiều tuần tranh luận, Tống thống Mỹ Donald Trump ký thành luật gói cứu trợ virus corona, bao gồm các khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ để duy trì hoạt động và giữ chân nhân viên. “Ngay khi tôi nghe nói rằng chính phủ sẽ giúp đỡ, tôi nghĩ đó là điều tốt. Các khoản hỗ trợ có vẻ hữu ích”, cô Stephens hy vọng.
“Ngày 31/3, tôi nhanh chóng nhận ra rằng mình không thể trả tiền thuê cho căn hộ và cửa hàng. Tôi gửi email cho chủ nhà và viết: ‘Tôi đã đóng cửa từ ngày 18 và tôi không thể trả tiền nhà tháng 4’. Tôi hy vọng nhận được thông cảm nhưng những gì tôi nhận lại là một email mẫu nhắc trả 6.300 USD tiền thuê nhà từ người chủ”.
“Ngày 4/4, tôi biết có thể đăng ký Khoản vay Thảm họa Kinh tế. Lý do mà tôi không thể nộp đơn ngay lập tức là trang web liên tục thay đổi và đòi hỏi nhiều thông tin”, cô Stephens đề cập đến chương trình cho vay lãi suất thấp mới được mở rộng.
Bật khóc vì thất vọng
“Cuối cùng tôi cũng hoàn thành trong ngày, gửi đi nhưng chưa nhận được email xác nhận. Tuy nhiên, tôi đã kịp chụp ảnh màn hình”, Stephens kể.
“Ngày 7/4, tôi sợ rằng sẽ không được vay và mở trang GoFundMe để kêu gọi quyên góp. Tôi cố gắng thành thật rằng tiền được dùng để trả tiền nhà, các tiện ích và trả lương nhân viên. Nhưng tôi nhận được một số phản ứng dữ dội, bởi những nhà hàng địa phương khác nói rằng mục đích duy nhất của họ là trả lương nhân viên”.
“Tôi nghĩ rằng mình nên thẳng thắn nhất có thể. Chúng tôi vẫn muốn duy trì cửa hàng và phải trả tiền thuê nhà. Tôi huy động được 6.000 USD, dù mục tiêu là 25.000 USD. Phần lớn mọi người quyên góp 25 USD hoặc 50 USD. Ngày 8/4, tôi đọc được Chương trình Bảo vệ Tiền lương và nghĩ rằng mình nên thử".
"Tôi tưởng nó thông qua chính phủ. Sau đó, tôi mới biết rằng nó thông qua ngân hàng và ngân hàng chỉ cho phép khách hàng của họ vay. Tôi giao dịch với Ngân hàng Chase, nhưng phải mất rất nhiều ngày để hoàn thành đăng ký trên trang web”.
Cô Stephens, chủ của cửa hàng OatMeals. Ảnh: New York Times. |
Ngày 12/4, cô Stephens nhận được email xác nhận đăng ký từ chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, cô vẫn cảm thấy hoang mang vì email không cung cấp thông tin hay chi tiết bổ sung nào.
Hôm 16/4, quỹ dành cho các doanh nghiệp nhỏ trị giá 349 tỷ USD cạn tiền. Cô Stephens vẫn chưa nhận được hồi âm. Mặc dù biết rằng quỹ đã cạn kiệt, cô giữ hy vọng có thể "vượt qua ranh giới" trước khi điều đó xảy ra.
Email của Ngân hàng Chase đến vào ngày 17/4 và thông báo rằng quỹ đã cạn tiền trước khi cô hoàn thành đăng ký. “Chúng tôi hiểu rằng nhiều người trong số các bạn rất thất vọng”, email viết. Cô Stephens bật khóc vì thất vọng, hoảng hốt và căng thẳng.
Ngày 21/4, chủ cửa hàng bột yến mạch chuyển đến Florida ở cùng bạn trai. Giờ, cô chỉ biết trông đợi. Cô vẫn không nhận được hồi âm của đơn đăng ký đầu tiên.
Nếu được cho vay sau khi Quốc hội bổ sung tiền vào chương trình, cô Stephens sẽ thanh toán các khoản nợ và trả lương nhân viên. Nếu không, cô không biết xoay sở ra sao.
“Thật khó để tưởng tượng, tôi thậm chí không muốn nghĩ về điều đó”, cô than thở. Cô Stephens vẫn giữ liên lạc với 11 nhân viên, họ đều mong muốn quay trở lại OatMeals làm việc. “Tuy nhiên, ai cũng hoảng loạn. Họ đều có hóa đơn phải trả”, cô kể.