Trong đại dịch Covid-19, những người bình thường sẽ đeo khẩu trang, thậm chí găng tay và đến siêu thị mua thực phẩm. Họ sẽ được đo nhiệt độ cơ thể, duy trì khoảng cách tối thiểu với những người khác để tránh nguy cơ lây nhiễm virus corona chủng mới.
Tuy nhiên, với giới nhà giàu Mỹ, trải nghiệm ăn uống thời dịch bệnh lại hoàn toàn khác. Theo Business Insider, việc các gia đình giàu có thuê riêng nhân viên mua sắm và nấu nướng không phải điều gì mới mẻ. Khi dịch bệnh lây lan, buộc chính quyền các bang ban hành lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội, nhu cầu này tăng vọt.
Công ty đầu bếp The Culinistas cho biết đa phần các gia đình giàu có thuê thêm nhiều nhân viên giúp việc hơn. Một số gia đình thượng lưu thậm chí thuê đầu bếp riêng và đội ngũ quản gia chuyên mua sắm và khử trùng thực phẩm.
Nhu cầu thuê đầu bếp, quản gia của các gia đình thượng lưu Mỹ tăng đáng kể giữa đại dịch Covid-19. Ảnh: Getty Images. |
Sẵn sàng chi đậm
Ông David Youdovin - CEO của Hire Society, công ty chuyên tuyển dụng đầu bếp, quản gia và giúp việc - cho biết các gia đình nhà giàu có tại Mỹ luôn thực hiện nghiêm ngặt mọi biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt khi liên quan tới thực phẩm.
"Hầu hết quản gia mà chúng tôi tuyển cho các gia đình giàu đều được yêu cầu đeo khẩu trang và găng tay khi làm việc. Họ có một khu vực riêng để nhận các đơn hàng giao được tận nơi”, ông Youdovin nói.
“Các gói thực phẩm giao đến nơi được xịt khử trùng, một số loại được để bên ngoài 3 ngày trước khi được đưa vào nhà”, ông cho biết. Đa phần khách hàng của Hire Society sở hữu nhiều dinh thự, có máy bay riêng, và thuê ít nhất 15-20 người giúp việc.
Theo Hire Society, ngân sách dành cho ăn uống của các gia đình thượng lưu Mỹ dao động khá lớn. Nhưng các đầu bếp riêng thường có thu nhập 120.000-400.000 USD/năm. Ông Forrest Barnett thuộc Hire Society tiết lộ một số gia đình chi tới 1 triệu USD/năm cho thực phẩm.
Cư dân tại cộng đồng giàu có Kohanaiki ở Hawaii có trang trại nông sản hữu cơ riêng. Ảnh: Kohanaiki. |
Chia sẻ trong chương trình Saturday Night Live qua video mới đây, bà Martha Stewart, một người giàu có ở New York, cho biết lái xe, người giúp việc và người làm vườn đang cùng cách ly tại biệt thự của bà ở Bedford, New York.
Bà gọi họ khi cần. “Mỗi ngày, chúng tôi có những bữa tối tuyệt vời, uống cocktail và chơi bài sau khi ăn”, bà Stewart chia sẻ. Theo Wall Street Journal, các gia đình giàu có cũng sẵn sàng tăng lương cho đầu bếp và người giúp việc để họ tiếp tục công việc trong dịch Covid-19.
Tại những cộng đồng biệt lập, các gia đình thượng lưu mua sắm ở chợ và trang trại hữu cơ dành riêng cho họ. Khu dân cư Kohanaiki tại Hawaii có giá nhà dao động trong khoảng 3-20 triệu USD. Cư dân nơi đây được sử dụng rau quả hữu cơ miễn phí tại các trang trại trong vùng.
Trứng cá caviar, cua hoàng đế tươi sống giao tận nơi
Người phát ngôn của khu Kohanaiki cho biết trong thời gian dịch bệnh bùng phát, số lượng thành viên của cộng đồng tới trang trại hữu cơ để thu hoạch nông sản tăng đáng kể. Ở đây, một nông dân luôn có mặt để tư vấn cho họ khi hái rau quả.
Tại Talisker Club, một cộng đồng thuộc thị trấn trượt tuyết Park City, bang Utah, nơi giá nhà dao động trong khoảng 1,5-9 triệu USD, cư dân cũng không cần phải tới cửa hàng hay siêu thị, mà có thể đặt giao thực phẩm, đồ ăn chế biến sẵn từ nhà cộng đồng.
Trong khi người tiêu dùng phổ thông phải chờ vài ngày tới cả tuần để nhận thực phẩm đặt mua trên các trang thương mại điện tử, giới giàu có dịch vụ giao hàng riêng. Trước khi dịch bùng lên tại Mỹ, Công ty Regalis Foods đã có dịch vụ giao trứng cá caviar, nấm truffle, cua hoàng đế tươi sống và thịt bò Wagyu cho các nhà hàng sao Michelin hàng đầu tại Mỹ.
Giờ đây, công ty này chuyển sang giao hàng trực tiếp cho các gia đình giàu có. Khách hàng có thể mua một con cua hoàng đế tươi sống với giá 395 USD, hay 100 gram nấm truffle đen với giá khoảng 130 USD. Với các đơn hàng trên 275 USD, họ được tặng một phần trứng cá muối caviar.
Cua hoàng đế tươi sống đặt mua qua Regalis Foods có giá khoảng 395 USD/con. Ảnh: Eater NY. |
Doanh nhân Ian Purkayastha, người sáng lập của Regalis, thừa nhận rằng công ty của ông đang "phục vụ đối tượng khách hàng rất riêng biệt”. Tuy nhiên, ông quan ngại về việc liệu đối tượng khách hàng này sẽ tiếp tục sử dụng các sản phẩm đắt tiền này nữa hay không khi dịch bệnh có thể tiếp tục kéo dài.
"Tôi không chắc họ có chuyển sang mua các loại thực phẩm thiết yếu thuần túy hay sẽ tiếp tục mua các mặt hàng cao cấp mà chúng tôi bán”, ông Purkayastha chia sẻ.
Tuy vậy, theo Business Insider, khi giới giàu có những cách tránh dịch bệnh khác với đại đa số người thường, từ trú ẩn tại nhà nghỉ dưỡng cho đến xét nghiệm virus độc quyền, có vẻ họ sẽ không thay đổi thói quen ăn uống đắt đỏ của mình.