Tôi đáp chuyến bay cuối cùng ra khỏi Sri Lanka trước khi nước này thực hiện ngưng chuyến bay đến các nước khác vào sáng sớm ngày 19/3 về Thái Lan. Tại đó, tôi cũng vừa kịp bắt chuyến bay cuối cùng của Nok Air về TP.HCM sáng ngày 20/3. So với rất nhiều người bị mắc kẹt lại nước bạn vì bị hủy chuyến, tôi tự thấy mình là kẻ may mắn. Vì vậy, khi nhập cảnh ở Tân Sơn Nhất và nhận được quyết định cách ly, tôi không hề cảm thấy có chút gì hụt hẫng.
Chuyện bi hài cực ngắn:
- Cách ly hả cán bộ?
- Ừ!
Cán bộ tại sân bay thông báo chúng tôi sẽ được chở đến Làng đại học. Thật vinh dự, chúng tôi là lượt khách đầu tiên “khai trương” khu vực cách ly này. Trên chuyến xe từ sân bay về, những người trên xe bắt đầu các cuộc gọi báo tin cho gia đình, người thân, công ty. Một số lo lắng, một số bình thản, một số niềm nở chào hỏi làm quen nhau. Còn cá nhân tôi, thú thật có chút thích thú vì được bù đắp trải nghiệm còn thiếu thời đại học là ở ký túc xá cùng bè bạn.
Biên kịch Trần Khánh Hoàng và căn phòng của anh tại khu cách ly ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM. |
Đường đi xa hơn tôi tưởng. Chúng tôi ngồi trên một chuyến xe buýt bình thường, bên ngoài cửa sổ, như thường nhật, là cuộc sống. Mọi người thản nhiên chạy ngược xuôi xung quanh, không hề biết rằng trong chiếc xe này đang có những thành phần có khả năng mang mầm bệnh, rất gần và lý do chúng tôi cần cách ly không thể nào trực quan hơn thế.
Xe dừng ở sảnh. Trong lúc các nhân viên y tế khử trùng toàn bộ hành lý, chúng tôi vào kê khai thông tin y tế và được các bạn dân quân dẫn lên nhận phòng.
Trước đó, tôi có đọc trên Facebook một số thông tin về việc có người than phiền ký túc xá bẩn. Đó cũng là một chuẩn bị tinh thần để đến khi nhận phòng, chúng tôi không hề bỡ ngỡ với lớp bụi dày mình đang đối mặt.
“Không quan trọng người trước để lại căn phòng thế nào, quan trọng là chúng ta để lại căn phòng này cho người đến sau thế nào”. Tôi và 3 người bạn cùng phòng nhắn nhủ nhau như vậy rồi bắt đầu đeo khẩu trang, găng tay, quét bụi và lau dọn. 15 phút sau không gian đã sạch như nhà mình ở. Xong đâu đấy, chúng tôi bắt đầu chọn giường, mở hành lý chuẩn bị cho hai tuần tạm trú. Đúng lúc này, đội khử trùng tiến vào.
Một mẹo nhỏ tôi chia sẻ ở đây là các bạn nên để yên thiết bị điện tử và quần áo trong vali khi khử trùng. Bởi lẽ thành phần nước javel sẽ để lại những hạt thâm li ti không thể tẩy sạch, nhất là với đồ sậm màu. Với tôi đó không phải là vấn đề lắm, tôi vẫn sẽ giữ những món đồ này, để mỗi khi mặc nhớ về một trải nghiệm hiếm có trong cuộc đời mình tại đây.
Chiếc mũ yêu thích của Trần Khánh Hoàng lấm tấm vết Javel sau khử trùng và bữa ăn được phục vụ chu đáo của anh cũng như mọi người tại khu cách ly. |
Tôi không rõ điều kiện sinh hoạt ở các khu cách ly khác ra sao, nhưng tại làng đại học chúng tôi được xếp 4 người một phòng với toilet riêng bên trong. Thiếu cái nệm nữa thôi là đủ tiêu chuẩn của một phòng du lịch xịn sò rồi. Hơn nữa, chúng tôi còn được cấp nhu yếu phẩm như khẩu trang, xà phòng, giấy vệ sinh, nước uống và 3 bữa cơm ngon lành mỗi ngày. Cũng là một người làm phim, tôi xác nhận câu nói của Châu Bùi rằng đúng là “cơm ở đây ngon như cơm đoàn phim”. Đối với tôi, với điều kiện như thế này, cơm ngày ba bữa tắm rửa hai lần, ai chê cách ly là khổ ''đập phát chết luôn''.
Sau ngày đầu còn bỡ ngỡ đối với cả người cách ly lẫn lực lượng chức năng, ngày thứ hai trở đi mọi thứ đã bắt đầu vào guồng máy.
7h: Kiểm tra thân nhiệt lần một, ăn sáng.
11h30: Tập kết rác, ăn trưa, nhận các nhu yếu phẩm còn thiếu.
17h: Kiểm tra thân nhiệt lần hai, ăn tối.
Chúng tôi có hai khung giờ sáng sớm và cuối giờ chiều để được ra ngoài tập thể dục. Còn lại phần lớn thời gian mọi người được khuyến cáo ở trong phòng.
“Đi lính để vào nề nếp là xưa rồi, bây giờ chỉ cần đi cách ly là vào kỷ luật ngay”.
Là những người trẻ với lối sinh hoạt khá tùy nghi, có thể nói thời khóa biểu này thật sự là thứ các bậc phụ huynh luôn mong muốn áp dụng cho chúng tôi bao nhiêu năm qua mà không được.
May mắn tôi có mang theo laptop để có thể làm việc. Với các bạn cùng phòng, sau khi sống ảo ''chán chê'' trên điện thoại ngày đầu tiên, mọi người sẽ dần dà quay sang chia sẻ về cuộc sống, công việc, tâm tư tình cảm với nhau cũng như ra lan can hóng hớt những diễn biến bên dưới: “Có một xe buýt nữa tới, có xe cứu thương, ôi có hai anh chị kia hôn nhau mà vẫn đeo khẩu trang kìa…”.
Tình yêu thời Covid-19. |
Tôi lấy ý của nhân vật Two Face trong phim Batman để ghẹo chị bạn cùng phòng rằng: “Hoặc là bạn trở nặng phải vào bệnh viện, hoặc là bạn cách ly đủ lâu để trở thành một bà hàng xóm nhiều chuyện”.
Việc nhận đồ đạc tiếp tế gửi từ bên ngoài vào cũng khá dễ dàng. Mọi thứ sẽ được tập kết ở cổng chính, sau đó các bạn dân phòng trực cổng sẽ thay phiên chuyển đồ vào từng tòa nhà, nhân viên ở đây sẽ gọi trên loa thông báo bạn xuống nhận đồ.
Tuy nhiên, tôi nghĩ mọi người chỉ nên nhờ gửi đồ trong những trường hợp bất khả kháng và thực sự cần thiết, vì nhìn các bạn dân phòng đẫm mồ hôi chuyển hàng trong trời nắng thật xót xa. Thiết nghĩ, đây là lúc chúng ta nên thực hành sống chậm, sống tối giản, và nhận ra mọi thứ vẫn ổn, vẫn tốt đẹp biết bao.
Sau 3 ngày, từ một phòng ban đầu của chúng tôi bây giờ hầu như các phòng xung quanh đã được lấp đầy. Lực lượng chức năng cũng bị chia mỏng hơn. Thấy thương vô cùng đội ngũ y tế khi ngoài việc thực hiện chuyên môn của mình, họ nhiều lúc cũng chia sẻ luôn nhiệm vụ đi phát cơm và nhu yếu phẩm.
Quả thực diễn biến tại đây là minh chứng rõ ràng nhất rằng công tác phòng dịch của Việt Nam đang được thực hiện rất tuyệt vời, bất chấp rất nhiều hạn chế về sức của, sức người.
Lực lượng dân phòng chuyển đồ y tế vào các toà nhà và nhân viên y tế khử trùng hành lý tại khu cách ly. |
Mọi thứ ở đây nghe an nhiên là thế, nhưng không có nghĩa là không có âu lo. Mỗi lần trên loa thông báo mời đích danh một người nào xuống, chúng tôi đều băn khoăn không biết có phải họ bắt đầu có những triệu chứng bệnh hay không. Thêm vào đó là thông tin về số ca nhiễm bên ngoài ngày một tăng lên. Ba tôi gọi điện thoại hỏi han, ông đùa rằng: "Hay là bố làm đơn cho mày ở thêm một tháng, chứ tính mày hay đi rông về đây lại nguy hiểm cho làng xóm hơn”.
Tôi mong bản thân và tất cả người đến đây đều được trở về bình an khỏe mạnh sau 14 ngày cách ly, và về đến nhà chúng tôi dặn mình sẽ vẫn duy trì việc hạn chế gặp mọi người, đồng thời thực hành vệ sinh theo khuyên cáo.
Từ ngày 22/3, tất cả hành khách từ nước ngoài đều được đưa vào cách ly. |
Đợt dịch bệnh này dạy cho chúng ta biết quý trọng bản thân, quý trọng cuộc sống, có ý thức cộng đồng và nhận thức rõ ràng điều gì thực sự cần thiết cho cuộc sống của mình. Và tôi tin, như mọi cấu trúc câu chuyện từng được kể, sau đêm đen chắc chắn sẽ là sự trỗi dậy huy hoàng.