Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhật ký từ Mỹ 3/11: Tôi đã 'unfriend' nhiều bạn bè vì Trump

Những câu chuyện hậu trường tác nghiệp của hai cây bút nhiều kinh nghiệm mảng quốc tế Thanh Tuấn và Hiếu Trung trong mùa bầu cử Mỹ 2016.

Nhật ký Bầu cử Mỹ

Những câu chuyện hậu trường tác nghiệp của hai cây bút nhiều kinh nghiệm mảng quốc tế Thanh Tuấn và Hiếu Trung trong mùa bầu cử Mỹ 2016.

Zing.vn cử hai cây viết nhiều kinh nghiệm mảng quốc tế là Hiếu Trung và Thanh Tuấn sang Mỹ tác nghiệp trong mùa bầu cử Mỹ 2016. Hai phóng viên sẽ đến những bang tranh chấp nóng bỏng nhất của cuộc đua, những nơi có cộng đồng người Việt đông đảo... Chúng tôi sẽ tường thuật diễn biến, đưa ra những góc nhìn khác nhau để thể hiện chân thực, sinh động nhất cuộc đối đầu gay gắt này. Zing.vn cũng áp dụng đa dạng cách thể hiện để giúp bạn đọc dễ dàng nắm bắt hệ thống bầu cử phức tạp ở Mỹ. 

  • Bau cu Tong thong My 2016 anh 1

    Nguyễn Thanh Tuấn

    Thạc sĩ báo chí tại City University of New York, 10 năm làm phóng viên quốc tế ở các tờ báo lớn của Việt Nam, thực tập tại New York Times. Thanh Tuấn từng đưa tin về cuộc bầu cử 2012 từ nước Mỹ.

  • Bau cu Tong thong My 2016 anh 2

    Đỗ Hiếu Trung

    10 năm làm phóng viên, biên tập viên quốc tế các báo hàng đầu Việt Nam, từng tác nghiệp ở các điểm nóng quốc tế như động đất Indonesia, xung đột Lebanon… Hiếu Trung đã tường thuật cuộc so kè Obama - Romney năm 2012.

  • Tôi đã 'unfriend' bao nhiêu bạn Facebook mùa bầu cử này?

    Là người theo dõi bầu cử Mỹ khá sát, tôi không chịu được những thuyết âm mưu, những thông tin mà một loạt trang web thân phe Cộng hoà chia sẻ. Anh bạn thân Carlton Walker, người từng cùng tôi đi từ bờ Đông sang bờ Tây nước Mỹ, là một trong những người đầu tiên tôi xoá tên.

    Anh chàng sở hữu công ty bất động sản ở Charleston, South Carolina, là người thường xuyên đăng những thông tin kiểu như Obama sẽ bán nước Mỹ như thế nào, Obama thực ra không phải sinh ở Mỹ ra sao (theo hiến pháp thì người trở thành Tổng thống buộc phải sinh ra trên đất Mỹ), Obama bí mật theo đạo Hồi,...

    Bau cu Tong thong My 2016 anh 3
    “Tôi có thể chấp nhận quan điểm trái ngược nhưng tôi không chấp nhận khi người ta ủng hộ việc thù ghét phụ nữ và phân biệt chủng tộc”. Đồ họa: Trí Mai.

    Tôi thừa nhận mình không vô tội gì. Trong cuộc bầu cử 2012, tôi ủng hộ Barack Obama và thường chia sẻ thông tin từ một số trang web thân phe Dân chủ, đặc biệt là những bài chỉ trích phe Cộng hoà là phân biệt chủng tộc, cuồng tín.

    Tôi và Walker nhiều lần cãi nhau công khai trên mạng về quan điểm của mình, rất nhiều lần căng thẳng và không còn không khí “lịch sự” nữa. Đặc biệt khi các tranh luận liên quan nhiều tới vấn đề sắc tộc.

    Ông thầy ở New York Times của tôi ngày đó nhiều lần nhắn tin, “Làm nhà báo thì không thể thiên kiến như vậy”. Với các nhà báo Mỹ, họ không được thể hiện quan điểm là ủng hộ ai trong các bài viết của mình (trừ các bài quan điểm hoặc xã luận).

    Nhưng cuối cùng sau nhiều lần tranh cãi thì tôi vẫn xoá khá nhiều bạn bè của mình trong mùa bầu cử đó. Con số xoá và không theo dõi tiếp của tôi có lẽ cũng phải đến hơn 20 người.

    Bù lại, tôi cũng làm bạn thêm với vài người bạn mà tôi chẳng biết thông tin gì về họ - đơn giản kết bạn vì họ đã ủng hộ tôi trong vấn đề Obama hoặc vì họ vừa chia sẻ một bài hay ho nào đó về phe Dân chủ.

    Tình huống như tôi không phải là hiếm và khá nhiều bạn bè tôi “mất bạn” sau mỗi kỳ bầu cử. Chị bạn Thi-Bay Miradoli của tôi ở New Jersey nói đã hủy kết bạn một số và chặn một người thân trong nhà trong mùa bầu cử này.

    Tôi có thể chấp nhận quan điểm trái ngược nhưng tôi không chấp nhận khi người ta ủng hộ việc thù ghét phụ nữ và phân biệt chủng tộc

    Chị Thi-Bay Miradoli ở New Jersey

    Trong mùa bầu cử năm nay, cuộc chỉ trích giữa những bạn bè tôi cũng khốc liệt hơn rất nhiều – sự khác biệt giữa Trump và Hillary là quá lớn, rất nhiều khác biệt đó gần với phân biệt sắc tộc nhiều hơn.

    Bù lại, tôi cũng có kinh nghiệm đối phó hơn với những khiêu khích kiểu này. Tôi thường không theo dõi (unfollow) một số người bạn hơn là xóa hoặc chặn (unfriend/ block) bạn bè như cách đây 4 năm.

    Bau cu Tong thong My 2016 anh 4
    Cuộc bầu cử năm nay còn khoảng một tuần nữa để những hàn gắn có thể bắt đầu. Ảnh minh họa: Trí Mai.

     

    Duy Linh Tu, anh bạn tôi đang dạy tại Đại học Columbia ở New York, cách đây vài ngày viết, “Tôi có người thân và bạn bè bỏ phiếu cho Trump. Dù tôi ủng hộ Hillary, tôi vui vì biết nhiều người ở phía bên kia.”

    Một cuộc điều tra của ĐH Monmouth ở New Jersey nói 2/3 người được hỏi nói bầu cử 2016 cho thấy những tính xấu và mặt trái nhất của con người. Nhưng số người phải “mất bạn hay chấm dứt mối quan hệ” vì bất đồng theo cuộc điều tra này chỉ là khoảng 7%.

    Mùa bầu cử đi qua, tôi “kết bạn” lại với một số người bạn cũ – trong đó có Carlton Walker. Mọi người lại nói chuyện vui vẻ lại – tôi vẫn lẳng lặng không dõi theo những dòng tin của Walker vì trên đó vẫn quá nhiều những thông tin thuyết âm mưu về Obama và phe Dân chủ.

    Đã có những bài viết về chuyện gia đình và các mối quan hệ bạn bè bị tan vỡ vì cuộc bầu cử này. Và đó là điều vớ vẩn.

    Duy Linh Tu, Đại học Columbia ở New York

    Mấy ngày hôm nay thì anh bạn Walker chia sẻ hình ảnh Clinton sẽ lừa dối thế nào trong mùa bầu cử này rồi Clinton khóc ra sao khi FBI mở lại cuộc điều tra vào vụ bê bối email – tất cả là ảnh chế.

    Trước mùa bầu cử năm nay, USA Today đã có bài chỉ dẫn về cách “đối phó với bạn bè” trong mùa bầu cử.

    Lời khuyên lớn nhất của họ là dựa vào những thông tin, số liệu thật, không rơi vào chửi bới, cãi cọ. Trong trường hợp có người bạn “căng thẳng” quá thì hãy tạm thời “không theo dõi” (unfollow) những người đó cho đến khi bầu cử kết thúc.

    Ngày 7/12 năm 2012, một ngày sau khi Obama chiến thắng trong bầu cử. Mashable có bài viết “Đã đến lúc hàn gắn những chia rẽ trên Facebook”.

    Cuộc bầu cử năm nay còn khoảng một tuần nữa để những hàn gắn có thể bắt đầu.

  • Người Việt ở Mỹ với Trump và Clinton

    Tôi đến San Jose, bang California, vào thời điểm mùa bầu cử đang sôi động, nhưng không khí nơi đây vẫn trầm lắng và hiền hòa như thường ngày. Cũng dễ hiểu, California là bang “xanh” (nơi đa số người dân ủng hộ đảng Dân chủ) nên bà Hillary Clinton và ông Donald Trump chẳng tốn thời gian tới đây vận động tranh cử.

    Bau cu Tong thong My 2016 anh 5
    Tác giả Hiếu Trung chụp ở tòa thị chính thành phố San Jose

     

    Bất chấp điều đó, Donald Trump vẫn là cái tên rất “hot” trong những ngày này. Ngày đầu tiên có mặt ở San Jose, tôi có dịp trò chuyện với vài cử tri của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa. Tại khu Santa Clara, tôi gặp Andrew, một cư dân địa phương. Còn trẻ, Andrew trò chuyện khá cởi mở. “Tôi sẽ bầu cho Trump dù ông ta hoàn toàn điên rồ”, Andrew nói.

    Tôi ngạc nhiên bật cười: “Tại sao vậy? Sao anh có thể chọn lựa như thế chứ?”. Cậu trai trẻ giải thích: “Không thể chấp nhận được Hillary Clinton vì bà ta đã tạo ra bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS)!”. Tôi tranh luận: “Tôi nghĩ anh bị Trump đánh lạc hướng rồi, bà Clinton đâu có thể tạo ra IS”. Andrew khăng khăng: “Đúng vậy mà. Tôi không sai đâu. Chỉ thế thôi là đủ để tôi chống Clinton”.

    Nhưng đối với nhiều người khác, Trump là một thứ “quái thai” thực sự.

    Bà Maria, chủ khách sạn trên đường Fontaine - nơi tôi ở trọ, khi cầm hộ chiếu của tôi, liền thốt lên: “Việt Nam à, ở đây có nhiều người gốc Việt lắm”. Khi nghe tôi kể mình đến Mỹ để đưa tin về bầu cử tổng thống Mỹ, bà Maria bị “chọc” đúng mạch.

    Tôi cũng chẳng theo dõi tình hình nhiều đâu, nhưng tôi nghĩ Trump không xứng đáng

    Bà Maria, chủ khách sạn Fontaine, thành phố San Jose, bang California

    “Ai có thể ủng hộ lão Trump tệ hại đó chứ? Lão ta sẽ bị hủy diệt trong ngày bầu cử”, bà lắc đầu ngán ngẩm. “Ai chấp nhận nổi cái tên nhà giàu hống hách, quấy rối phụ nữ đó chứ?” Tôi hỏi: “Vậy bà tin tưởng hoàn toàn vào bà Clinton ư?”. Bà Maria trả lời: “Tôi cũng chẳng theo dõi tình hình nhiều đâu, nhưng tôi nghĩ Trump không xứng đáng”.

    Ở San Jose có khoảng 120.000 người gốc Việt sinh sống (chiếm hơn 10% dân số). Do đó, có thể coi nơi đây là “thủ phủ” của người Việt phía bắc bang California. Tìm hiểu cái nhìn và sự lựa chọn của người Việt tại Mỹ về cuộc bầu cử là mục tiêu chuyến đi của tôi. Và tôi may mắn được gặp luật sư N.T, một người sống lâu năm ở San Jose và hiểu biết rất rõ về cộng đồng người Việt tại đây.

    “Người Việt mình tại Mỹ khá ít ỏi, do đó chỉ có ảnh hưởng đáng kể ở các cuộc bầu cử địa phương, chứ vai trò trong bầu cử tổng thống hạn chế lắm”, luật sư N.T giải thích với tôi. “Trong cộng đồng người Việt, phái già bảo thủ vẫn ủng hộ đảng Cộng hòa, nhưng giới thanh niên có tư tưởng cấp tiến hơn đều ngả về đảng Dân chủ rồi”, anh N.T. nói.

    Bau cu Tong thong My 2016 anh 6
    Lá phiếu bầu chính thức có nội dung dịch tiếng Việt dành cho cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ.

    Gần 2 tuần nữa cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mới diễn ra nhưng không ít người Việt tại San Jose đã đi bỏ phiếu sớm để tiện thời gian. “Nước Mỹ là vậy, chính quyền phải đáp ứng nguyện vọng của người dân”, luật sư N.T khẳng định.

    Tại San Jose, nơi cộng đồng người nhập cư rất đông đảo, chính quyền in phiếu bầu song ngữ, bao gồm tiếng Anh và ngôn ngữ của từng cộng đồng, bao gồm tiếng Việt, tiếng Arabic, tiếng Trung... để giúp cử tri đi bầu dễ dàng và tiện lợi hơn. Lá phiếu in rất rõ hướng dẫn dành cho cử tri và các chức vụ được đảng đề cử để lựa chọn. Tôi cảm nhận rõ được sự chăm chút, quan tâm của chính quyền đối với người dân khi nhìn lá phiếu đó.

    California có thể không phải là nơi các ứng cử viên lao tới vận động quyết liệt, nhưng tôi hiểu rằng không vì thế mà người dân nơi đây coi nhẹ sức nặng của lá phiếu, sức mạnh của quyền công dân mà họ hưởng thụ.


Bạn có thể quan tâm