Dấu hỏi được đặt ra vì Comey là thành viên của phe Cộng hoà và từng là thứ trưởng Bộ Tư pháp dưới thời George W. Bush. Và trong cuộc đua vào Nhà Trắng, các đòn “hắc ám” là chiêu quen thuộc của nhiều ứng viên.
Săn thông tin từ Hà Nội
Đầu năm 2008, Thomas Bass cây viết của tờ New Yorker – tạp chí nổi tiếng với những bài điều tra dài hơi và lối viết hoa mỹ – tới Hà Nội. Bass khi đó đang hoàn tất cuốn sách “The Spy Who Loved Us” về huyền thoại tình báo Phạm Xuân Ẩn.
Nhưng Bass đến Hà Nội không chỉ vì nhân vật “điệp viên hoàn hảo”. Trong thời gian ở Hà Nội, Bass còn tìm mọi cách để tiếp cận thông tin về các cuộc khảo cung của John McCain thời McCain còn trong tù ở Hỏa Lò.
Tay viết này muốn tìm xem thượng nghị sĩ McCain, người luôn được ca tụng là người hùng nước Mỹ, đã khai những gì khi còn ở trong tù. Và 2008 là năm của bầu cử tổng thống.
Tác giả Thomas Bass. Ảnh: albany.
|
Như nhiều cuộc chạy đua khác ở chính trường Mỹ, nghệ thuật hắc ám để moi móc về đời tư, quá khứ của các đối thủ luôn là một phần tất yếu để thắng cử.
Cuộc chạy đua tổng thống Mỹ năm nay cũng đi theo con đường tương tự. Ngay từ khi bắt đầu, các ứng viên và bộ máy vận động của mình đều tìm hiểu rất kỹ về đối thủ và quá khứ của họ.
Họ từng làm việc ở đâu, tôn giáo gì, có mắc sai lầm gì trong quá khứ, từng hẹn hò những ai, có quá khứ lăng nhăng gì không… thậm chí là cả gia đình đó từng thuê ai để cắt cỏ.
Với Donald Trump, đó là quá khứ gọi “hoa hậu lợn”, gọi các cô gái, những người nhập cư bằng những từ sỉ nhục. Với Hillary Clinton là những bài phát biểu được trả hàng trăm ngàn đô của bà, những cuộc nói chuyện kín mà cho thấy bà có quan hệ mật thiết với giới tài phiệt Wall Street.
Cuộc chạy đua 2012, một trong những đối thủ bị loại rất nhanh bởi nghệ thuật hắc ám có Hermain Cain, cựu chủ tịch của Godfather’s Pizza. Cuối tháng 10/2011, khi Hermain Cain bắt đầu vươn lên dẫn đầu trong các cuộc thăm dò thì các đòn tấn công vào Cain cũng bắt đầu dồn dập.
Một nguồn nào đó đã lộ thông tin cho phóng viên của trang Politico tố cáo ông Hermain Cain từng quấy rối hai nhân viên nữ ở Hiệp đoàn Nhà hàng Mỹ, nơi ông từng là chủ tịch từ 1996-1999. Thực tế thì các cáo buộc chưa bao giờ được chứng minh và vụ việc chưa bao giờ được đưa ra toà nhưng Hiệp đoàn Nhà hàng Mỹ đã đồng ý trả tiền để hai phụ nữ này nghỉ việc.
Cả hai đều ký thoả thuận im lặng khi nhận tiền bồi thường. Tuy nhiên mọi thứ im lặng đều lên tiếng trước sự sục sạo kinh hoàng của giới truyền thông và các bộ máy tranh cử. Hai người phụ nữ rồi lần lượt đến người thứ ba, thứ tư và thứ năm liên tiếp xuất hiện với những cáo buộc quấy rối và ngoại tình với Cain.
Ít nhất hai trong số phụ nữ này hoặc đang thất nghiệp hoặc đang có vấn đề cá nhân và không có cáo buộc nào được chứng minh cụ thể. Nhưng đến lúc này thì cú đánh đã tung ra và tổn hại đã được thực hiện. Chỉ số ủng hộ của Cain sụt giảm không phanh và tới ngày 3/12, Hermain Cain chính thức rút lui.
Đòn độc South Carolina
Trong khi đấu đá chính trị diễn ra hầu như ở khắp các bang, danh tiếng của South Carolina, trội hơn hết. Trong suốt 32 năm qua, ứng viên nào thắng tại South Carolina sẽ là ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa. Dù chính trị vốn đầy rẫy mưu mô, tính toán nhưng đấu đá ở South Carolina đã ở một đỉnh cao khác. Tiểu bang miền Nam này nổi tiếng với những chiêu hắc ám kinh hoàng nhất và những phi vụ bôi nhọ mà sau đó không ai có thể tìm được tung tích.
“Đây không phải chính trị nữa, đây là rác rưởi”, ứng viên của đảng Cộng hòa Bob Dole đã phải thốt lên vậy ở Thượng viện Mỹ năm 1988 sau khi có một giác thư ám chỉ tân chủ tịch Hạ viện lúc đó Tom Foley là người đồng tính – khi đó vấn đề vẫn còn rất nhạy cảm ở Mỹ - không trung thực cả về giới tính và các vấn đề chính trị.
Giác thư đó được chắp bút bởi một nhân vật từ South Carolina, Lee Atwater, một ông trùm về các nghệ thuật hắc ám và là giám đốc tranh cử cho Bush cha vào năm 1988. Atwater sau đó qua đời năm 1991 ở tuổi 40 vì ung thư nhưng danh tiếng của ông thì vẫn bao trùm trong giới chính trị hắc ám.
Nhưng chiến dịch bôi nhọ với Foley chẳng thấm vào đâu so với lịch sử của vô số những phi vụ hắc ám khác vẫn thường diễn ra ở South Carolina.
Năm 1990, để giúp cho chị mình thắng trong cuộc đua làm phó thống đốc bang, một thành viên của Đảng Cộng hoà có tên Rod Shealy đã thuê một người da đen thất nghiệp, có lý lịch phạm tội ra tranh cử, trả cho ông ta 900 USD và nộp 2.400 USD tiền phí đăng ký để ra tranh cử hòng thu hút sự chú ý của cử tri da trắng đi bỏ phiếu cho chị mình – South Carolina là nơi nổi tiếng phân biệt chủng tộc.
“Chúng tôi có lịch sử nổi tiếng với những trò chính trị bẩn,” David Woodard giáo sư chính trị ở trường Đại học Clemson nói với NPR. “Từ năm 2000 tới giờ, hầu như cuộc bầu cử nào bạn cũng thấy một trò bẩn thỉu nào đó”.
Bush "con" hạ John McCain
Sau Bush cha hơn 10 năm, chiến dịch tranh cử của George W. Bush con vào năm 2000 cũng có cú đòn chí mạng vào John McCain – đối thủ ở đảng Cộng hòa khi đó. Đó là thời điểm mà phe George W. Bush đang cần điểm hơn bao giờ hết khi John McCain vừa mới giành chiến thắng ngoạn mục ở New Hampshire và Bush chỉ có 18 ngày để giành lại lợi thế ở South Carolina – trong suốt hơn 30 năm nay ứng viên nào thắng ở bang này cũng sẽ trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa.
Khi đó họ tung cáo buộc đứa con gái nuôi người Bangladesh của John McCain thực tế là đứa con ngoài giá thú của ông với cô gái làng chơi da đen và ông bị tẩy não thời còn là tù nhân chiến tranh.
Vợ ông thì bị cáo buộc là nghiện thuốc giảm đau. Với bang miền Nam thuần theo đạo Tin lành như South Carolina, ngoại tình và da màu đều khiến mất điểm nặng với cử tri.
Công khai, Bush con khi đó không chỉ trích trực tiếp McCain mà chỉ nhấn mạnh mình là người bảo thủ thật sự - đặc trưng của phe Cộng hòa.
Nhưng đằng sau lưng thì vô số những cú đánh lén được tiến hành. Những người tới dự các buổi mít tinh hay tranh luận thường thấy tờ rơi trên gạt kính xe các cáo buộc về McCain và cô con gái nuôi, cũng như là những chỉ trích về thần kinh của ông McCain.
Người dân thường nhận được điện thoại của những người tự xưng thăm dò dư luận với các câu hỏi kiểu như liệu họ có chấp nhận một người đồng tính hay họ có bỏ phiếu cho một người hùng chiến tranh nhưng thực tế chỉ là kẻ phản bội. Tất cả những vụ tấn công này, mọi người đều không tìm được nhân vật đứng đằng sau.
Tổng hợp các đòn tấn công này thực tế đã hạ gục McCain. McCain thua đậm ở South Carolina và thất bại trong chiến dịch trở thành ứng viên của đảng Cộng Hoà. Bush giành chiến thắng trước Al Gore với lá phiếu đầy tranh cãi ở Florida.
Tổng thống Bush sau này phủ nhận những tin này là do phe của ông tin ra nhưng McCain thì không hoàn toàn tin tuyên bố đó. Trở lại Thượng viện, McCain trở thành nhân vật Cộng hoà chỉ trích tổng thống dữ dội nhất trong suốt 8 năm còn lại.