Hãng tin Kyodo cho biết, khung nội dung của Sách Trắng sẽ nhấn mạnh Tokyo coi những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là ngạo mạn, không cân nhắc đến lợi ích hay quyền của các bên, và hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng.
Sách Trắng cũng khẳng định Trung Quốc đang gia tăng hoạt động ở vùng gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản đang quản lý.
Tài liệu nhắc lại việc một tàu hải quân Trung Quốc vào tháng trước đã đi vào vùng tiếp giáp bên ngoài vùng nước mà Tokyo tuyên bố chủ quyền xung quanh quần đảo.
Một tàu Trung Quốc thâm nhập vào vùng biển tranh chấp với Nhật Bản. Ảnh: IBT |
Nhật Bản cũng nhiều lần phải triển khai chiến đấu cơ của Lực lượng phòng vệ trên không (ASDF) để ngăn chặn các máy bay Trung Quốc đến gần không phận Nhật, với tần suất tăng đáng kể.
Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản dự định công bố vào đầu tháng 8, hơn 2 tuần sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông. Một trong những nội dung phán quyết là tuyên bố yêu sách chủ quyền đường lưỡi bò mà Trung Quốc tuyên bố là vô giá trị và không có cơ sở pháp lý.
Bắc Kinh ngay lập tức bác bỏ và khẳng định "không chấp nhận và không công nhận" quyết định này.
Sách Trắng của Nhật Bản cũng chỉ ra mối đe dọa nghiêm trọng khác với nước này chính là những hành động khiêu khích của Triều Tiên, bao gồm vụ thử nghiệm hạt nhân hồi tháng 1.
Đến nay, Bình Nhưỡng đã 4 lần thử hạt nhân bất chấp các cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Tàu cảnh sát biển Nhật Bản ngăn cản tàu Trung Quốc đến gần vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: IBT |
Nhắc đến việc Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa hồi tháng 2, Tokyo cho rằng Bình Nhưỡng đã đạt được công nghệ đưa tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa đến tầng cao hữu dụng, và nước này kiên quyết theo đuổi phát triển tên lửa hiện đại.
Sách Trắng tiếp tục lặp lại nhận định của tài liệu năm ngoái, rằng Bình Nhưỡng có thể đã thành công trong việc thu nhỏ vũ khí hạt nhân để đưa vào đầu đạn.
Tài liệu cũng dành 1 chương mới để nói về việc sửa đổi hiến pháp của Nhật Bản đã có hiệu lực từ tháng 3. Theo đó, kể từ nay, Nhật Bản được quyền thực hiện phòng vệ tập thể, hoặc được hỗ trợ các đồng minh đang bị tấn công.