Tối 16/3, Thủ tướng Fumio Kishida đã tổ chức tận 2 bữa tối tại Tokyo, nhằm thể hiện bầu không khí hân hoan chào đón chuyến thăm Nhật Bản vốn được chờ đợi từ lâu của tổng thống Hàn Quốc.
Ông Yoon Suk Yeol nhấn mạnh với các phóng viên rằng “nên rã băng mối quan hệ băng giá”, trong khi ông Kishida ca ngợi “một chương mới” trong mối quan hệ lâu dài của cả 2 nước.
Ngay sau đó, 2 vị chính trị gia cùng phu nhân đã ghé một nhà hàng truyền thống sang trọng ở quận Ginza, Tokyo. Chưa dừng lại, họ tiếp tục thưởng thức thêm một bữa ăn bình dân khác với món omurice - trứng tráng phủ trên cơm.
Yomiuri Shimbun tiết lộ ông Kishida và ông Yoon thoải mái đến mức họ “được cho là đã cởi áo khoác và cà vạt” khi ăn uống.
Gần đây, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có những cử chỉ thể hiện thiện chí. Hàn Quốc đồng ý bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động qua một quỹ được chính phủ hỗ trợ. Đáp lại, Nhật Bản loại bỏ các quy định hạn chế xuất khẩu hydro florua, polyimide flo hóa và chất cản quang với Hàn Quốc.
Tuy nhiên, mối quan hệ này sẽ đối mặt với những trở ngại chính trị trong nước, cũng như cần hành động cân bằng và tinh tế tại khu vực mà hai siêu cường Mỹ - Trung đang cạnh tranh ảnh hưởng, New York Times nhận định.
Vấn đề thực sự là mối quan hệ đang nồng ấm dần lên này có mức độ vững chắc ra sao, theo Shihoko Goto - Phó giám đốc Chương trình châu Á tại Wilson Center ở Washington.
Người dân phản đối
Hôm 6/3, chính phủ Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố nước này sẽ không còn yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong Thế chiến II. Thay vào đó, Seoul sẽ thành lập một quỹ do chính phủ điều hành để hỗ trợ trực tiếp.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ca ngợi đây là “chương mới đột phá về hợp tác và đối tác giữa hai đồng minh thân cận nhất”, theo Kyodo. New York Times gọi động thái này của ông Yoon là “bước đi táo bạo”.
Khi thỏa thuận công bố vào đầu tháng này, Nhật Bản không làm gì ngoài viện dẫn lời xin lỗi trước đó về “những thiệt hại và đau khổ to lớn với người dân Hàn Quốc” trong thời kỳ Nhật chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên (1910-1945).
Ông Yoon bày tỏ hy vọng các công ty Nhật Bản sẽ tự nguyện đóng góp cho quỹ của Hàn Quốc. Cho đến nay, liên đoàn doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản chỉ cho biết họ sẽ thành lập một quỹ học bổng trao đổi sinh viên.
Các nhà phân tích nói chính phủ Nhật Bản thận trọng vì lo ngại mọi thỏa thuận mới có thể bị phá vỡ, giống như năm 2015. Theo đó, Nhật Bản đưa ra lời xin lỗi và cam kết trả 8,3 triệu USD chăm sóc những phụ nữ Hàn Quốc bị bắt làm nô lệ tình dục cho quân đội nước này vào Thế chiến II.
Thỏa thuận này được coi là “lần chót và không thể hủy bỏ”. Tuy nhiên, 3 năm sau, chính quyền Tổng thống Moon Jae In đã hủy bỏ thỏa thuận sau khi một hội đồng do chính phủ chỉ định khẳng định thỏa thuận không đại diện cho nhu cầu của các nạn nhân một cách chính đáng.
Ở Hàn Quốc, giải pháp cưỡng bức lao động của ông Yoon có thể kéo dài lâu hơn, vì nó không gây hiệu ứng “bùng nổ” như vấn đề phụ nữ bị ép làm nô lệ tình dục, Lee Won Deok - chuyên gia về quan hệ Hàn - Nhật tại Đại học Kookmin - nhận định.
Tổng thống Hàn Quốc nâng ly với thủ tướng Nhật Bản tại nhà hàng Rengatei ở quận Ginza, Tokyo hôm 16/3. Ảnh: Kyodo. |
Dẫu vậy, dư luận Hàn Quốc không mấy thiện cảm với các đề xuất của ông Yoon, với gần 56% người được hỏi mô tả giải pháp này là “ngoại giao đáng xấu hổ”.
Hơn nữa, tranh chấp pháp lý ở Hàn Quốc vẫn còn tồn tại. Một số nạn nhân đang cố gắng thuyết phục tòa án địa phương cho phép tịch thu tài sản do các công ty Nhật Bản nắm giữ tại Hàn Quốc.
Theo Choi Eunmi - chuyên gia về quan hệ Hàn - Nhật tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, điều quan trọng là “các doanh nghiệp Nhật phải có hành động tích cực, cung cấp cho các nạn nhân lý do chính đáng” để chấp nhận phương án của Tổng thống Yoon.
Jiun Bang - Phó giáo sư khoa học chính trị và nghiên cứu châu Á tại Đại học Colorado - cho biết nếu các công ty Nhật Bản tự nguyện quyên góp cho quỹ của Hàn Quốc, thì “chắc chắn điều này sẽ thay đổi câu chuyện hiện tại”, khi các ý kiến cho rằng Hàn Quốc đang gánh hết trách nhiệm.
Tuy nhiên, việc tòa án Hàn Quốc quyết định tịch thu tài sản của công ty Nhật Bản có thể làm suy yếu mọi thứ mà ông Yoon nỗ lực thực hiện.
Mắc kẹt ở giữa
Hiện tại, Hàn Quốc và Nhật Bản chọn gác lại lịch sử và tập trung vào nhu cầu hợp tác chiến lược. Hai bên cam kết chia sẻ thông tin tình báo quân sự và ông Kishida cho biết muốn nối lại “ngoại giao con thoi” giữa hai nước.
Cả hai nhà lãnh đạo cam kết làm việc cùng nhau để thảo luận về hợp tác an ninh kinh tế chặt chẽ hơn nữa. Ông Kishida gợi ý họ sẽ nỗ lực nối lại đối thoại 3 bên với Trung Quốc, vào thời điểm cả Nhật Bản và Hàn Quốc đang xích gần Mỹ.
Trong khi Mỹ coi việc cải thiện quan hệ giữa hai đồng minh châu Á là bước đi quan trọng chống lại các tham vọng kinh tế và quân sự của Trung Quốc, thì Nhật Bản và Hàn Quốc lại phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế - văn hóa.
Cuộc biểu tình ở Seoul phản đối kế hoạch chính phủ Hàn Quốc bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong Thế chiến II vào tuần trước. Ảnh: AP. |
Daniel Sneider - giảng viên chính sách quốc tế tại Đại học Stanford - cho biết việc liên quan tới cuộc “chiến tranh lạnh” mới giữa Mỹ - Trung không phải lựa chọn đem lại lợi ích tốt nhất cho cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản.
“Lần hòa giải nhanh chóng này có thể dẫn đến kết quả thú vị, có thể như Tokyo và Seoul sẽ cùng nhau đẩy Mỹ vào lập trường khoan dung hơn và tìm ra cách hợp lý đối phó Trung Quốc”, ông nói.
Lần cuối cùng các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc gặp nhau là vào năm 2019 tại Tokyo. Mireya Solis - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á tại Viện Brookings - nói nên hồi sinh đề xuất những cuộc họp tương tự để chứng minh đây không phải là “động thái mới chống Trung Quốc”.
Trong một tuyên bố, Uông Văn Bân - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - nói việc giữ “các chuỗi cung ứng và công nghiệp ổn định, không bị ràng buộc là lợi ích của cả ba nước và toàn bộ khu vực. Trung Quốc phản đối nỗ lực của một số quốc gia nhằm hình thành các bè phái loại trừ”.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng chính thái độ đối phó Trung có thể là yếu tố ràng buộc trong việc nối lại quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khảo sát gần đây, 81% người Hàn Quốc được hỏi có thái độ tiêu cực hoặc rất tiêu cực với Trung Quốc, theo Sinophone Borderlands.
“Tôi cho rằng tâm lý đối phó Trung Quốc có thể đã làm nguội bớt phản ứng dữ dội tiềm ẩn với thỏa thuận Nhật Bản - Hàn Quốc”, bà Bang nói. “Phản ứng này phần nào dịu hơn một chút, bởi xét cho cùng Nhật Bản thực sự là một quốc gia mạnh để hợp tác”.
Những cuốn sách để hiểu về Hàn Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Hàn Quốc - một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.