Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhật dùng ODA thúc đẩy 'Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở'

Một phần số tiền viện trợ ODA của Nhật Bản cho các nước đang phát triển sẽ được dùng để thúc đẩy duy trì trật tự dựa trên luật pháp ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Theo Nikkei Asian Review, báo cáo thường niên của chính phủ Nhật Bản về chương trình viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho biết nước này sẽ sử dụng nguồn ngân sách này để thúc đẩy một "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở".

"Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở" là chiến lược nhằm tạo dựng và gìn giữ một trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực trải dài từ Đông Á đến châu Phi. Chiến lược này được chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe xúc tiến trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường hiện diện trong khu vực, từ biển Hoa Đông, Biển Đông đến Ấn Độ Dương.

von ODA Nhat Ban anh 1
Thủ tướng Abe tại Hội nghị Nhật Bản - ASEAN bên lề Hội nghị Đông Á ở Philippines vào tháng 11/2017. Ảnh: AFP.

Căn cứ vào Sách trắng ODA vừa công bố hôm 23/2, Nhật Bản sẽ cung cấp viện trợ cho các nước đang phát triển để đảm bảo an toàn giao thông hàng hải, duy trì luật pháp trên biển, tiến đến củng cố pháp quyền trong khu vực.

Cũng với mục đích trên, Nhật Bản sẽ cung cấp cho các nước Đông Nam Á tàu tuần tra cùng thiết bị liên quan để tăng cường năng lực thực thi luật lệ trên biển. Nguồn vốn ODA của nước này còn được dùng cho các mục đích nhân đạo và ngăn ngừa xung đột.

Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở thể hiện tầm nhìn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về chiến lược chính sách đối ngoại mới, lần đầu được công bố vào năm 2016. Khái niệm này được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập lại trong bài phát biểu ở Việt Nam cuối năm 2017.

von ODA Nhat Ban anh 2
Chiến lược nhằm làm tăng tính kết nối giữa châu Á và châu Phi thông qua khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở. Ảnh: emb-japan.go.jp.

Sách trắng ODA vừa công bố của Nhật cũng đề cao tầm quan trọng của việc Nhật Bản phải tham gia vào các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, hướng đến xóa bỏ đói nghèo và bất bình đẳng, cung cấp sự chăm sóc sức khỏe cho mọi người.

Năm 2016, Nhật Bản xếp thứ 4 trong số các nước cung cấp ODA nhiều nhất thế giới với 16,8 tỷ USD, sau Mỹ, Đức và Anh.

Tứ giác Kim cương: 'NATO của châu Á' và sự trỗi dậy của Trung Quốc

Các chuyên gia trao đổi với Zing.vn bác bỏ khả năng "Tứ giác Kim cương" sẽ là NATO của châu Á nhưng cho rằng nó sẽ đóng góp vào "trật tự dựa trên luật pháp" tại khu vực.

Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở: Định hình chiến lược Trump ở châu Á

Cuối cùng thì chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump với châu Á đã bắt đầu lộ diện – ít nhất từ cái tên và một số chi tiết ban đầu về chính sách.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm