Theo tờ Asahi Shimbun, cuộc tấn công mạng quy mô lớn đã nhắm vào hệ thống máy tính của tập đoàn Mitsubishi Electric, một trong những nhà thầu cho chương trình tên lửa thế hệ 5 của Nhật Bản.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản nghi ngờ tin tặc đã đánh cắp các yêu cầu về hiệu suất của tên lửa được gửi đến các nhà thầu tham gia chương trình đấu thầu của cơ quan này, Asahi trích dẫn nguồn tin chính phủ giấu tên.
Mitsubishi Electric được cho là đã thất bại trong chương trình đấu thầu phát triển tên lửa thế hệ 5 của Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Đại diện Mitsubishi Electric cho biết đang điều tra vụ tấn công mạng, nhưng không đưa ra bất kỳ bình luận nào đối với câu hỏi của phóng viên Reuters. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng từ chối bình luận.
Chương trình tên lửa siêu vượt thanh của Nhật trở thành mục tiêu của tin tặc. Ảnh minh họa: Atla. |
Theo Asahi, các chi tiết bị tin tặc đánh cắp có thể là tầm bắn, lực đẩy và khả năng chịu nhiệt của tên lửa.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã tiết lộ về kế hoạch phát triển tên lửa siêu vượt thanh có thể tấn công mục tiêu trên biển và trên đất liền. Vũ khí mới được gọi là “thiết bị phóng lượn siêu tốc” (HVGP). Phiên bản đầu tiên có thể đưa vào hoạt động trong năm 2026.
Theo kế hoạch tên lửa mới có thể bay với tốc độ gấp 5 lần vận tốc âm thanh (khoảng 6.174 km/h). Phiên bản đầu tiên của tên lửa siêu vượt thanh của Nhật Bản sẽ tập trung vào các mục tiêu trên đất liền. Phiên bản nâng cấp sẽ cải thiện tầm bắn và cảm biến để tấn công các mục tiêu tàu mặt nước.
Với chương trình phát triển tên lửa siêu vượt thanh, Nhật Bản sẽ gia nhập câu lạc bộ các quốc gia đang phát triển loại vũ khí siêu việt này cùng với Nga, Mỹ và Trung Quốc. Các tên lửa siêu vượt thanh ngoài tốc độ chóng mặt, chúng còn bay với quỹ đạo không xác định nên việc đánh chặn gần như là nhiệm vụ bất khả thi.
Nhật Bản đã chi 18,5 tỷ yên (khoảng 172 triệu USD) cho chương trình nghiên cứu tên lửa siêu vượt thanh trong ngân sách quốc phòng năm 2018-2019. Tokyo có kế hoạch chi thêm 25 tỷ yên (233 triệu USD) cho chương trình trong năm nay.