Theo 10 báo cáo của hội đồng chuyên gia Liên Hợp Quốc (LHQ) viết từ năm 2010-2019, có nhiều trường hợp các mặt hàng bị hạn chế, bao gồm cả thiết bị nhạy cảm và hàng xa xỉ đã được chuyển đến Triều Tiên từ Nhật Bản bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Tiết lộ này được đưa ra vào thời điểm Nhật Bản cáo buộc Hàn Quốc "tuồn" các vật liệu công nghiệp nhạy cảm cho Triều Tiên, vi phạm các biện pháp trừng phạt. Đây cũng được coi là nỗ lực của Tokyo nhằm biện minh cho việc hạn chế xuất khẩu vật liệu công nghệ cao sang Seoul.
Hình ảnh được chụp từ một báo cáo của Hội đồng Bảo an LHQ cho thấy ăng-ten radar thương mại của Nhật Bản được Triều Tiên sử dụng cho tàu hải quân của mình. Ảnh: Yonhap. |
Cụ thể, theo một báo cáo năm 2016, ăng-ten radar thương mại do một công ty Nhật Bản chế tạo đã được Triều Tiên mua lại và sử dụng cho các tàu hải quân của họ. Trong đó, một số tàu được nhìn thấy trong quá trình Triều Tiên bắn thử tên lửa chống hạm. Vụ việc được công bố vào tháng 2/2015.
Báo cáo năm 2016 cũng cho biết hội đồng chuyên gia Liên Hợp Quốc đã xác định một số bộ phận bị cấm do Nhật Bản sản xuất đã được sử dụng trong một máy bay không người lái của Triều Tiên. Lần này, nó bị phát hiện trong đống đổ nát của xác chiếc máy bay trên đảo Baenyeong của Hàn Quốc ở biển Hoàng Hải.
Ngoài ra, Tokyo còn xuất khẩu xa xỉ phẩm sang Bình Nhưỡng chủ yếu trong các năm 2008-2009. Đó là 18 chiếc xe hạng sang như Mercedes-Benz và Lexus, 10.000 điếu xì gà, 12 chai rượu sake, 93 cây đàn piano và nhiều loại mỹ phẩm.
Sau khi trích dẫn các trường hợp trên, hội đồng chuyên gia Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia thành viên "cảnh giác" và "hợp tác chặt chẽ" với nhau.
Tuy nhiên, các báo cáo không chỉ ra bất kỳ trường hợp cụ thể nào về việc Seoul vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng.
Theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, việc cung cấp, bán hoặc chuyển nhượng tất cả các tài liệu liên quan đến vũ khí đều bị cấm. Tất cả các quốc gia thành viên cũng phải ngăn chặn việc cung cấp, bán hoặc chuyển giao hàng xa xỉ trực tiếp hoặc gián tiếp cho Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhiều lần được nhìn thấy bước ra từ những chiếc xe sang trọng bị cấm xuất khẩu sang nước này như Rolls-Royce, Mercedes-Benz và Lexus. Hội đồng chuyên gia cho biết họ đã yêu cầu thông tin từ các nhà sản xuất ôtô. Ảnh: Yonhap. |
Ngày 14/7, các nghị sĩ đối lập đã trình bày mối nghi ngờ mới rằng các mặt hàng của Nhật Bản liên quan đến vũ khí hạt nhân có thể đã được chuyển đến Triều Tiên thông qua các thị trường chợ đen hạt nhân quốc tế.
Tuần trước, nghị sĩ Hàn Quốc Ha Tae Keung của đảng Bareunmirae đối lập cũng tuyên bố rằng chính quyền Nhật Bản đã bị phát hiện nghi ngờ buôn lậu các mặt hàng chiến lược của họ cho Triều Tiên.
"Nhật Bản không thể thoát khỏi các trách nhiệm liên quan đến việc phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên", ông Ha nói. Đồng thời, ông kêu gọi ngay lập tức rút lại các lệnh hạn chế xuất khẩu với xứ kim chi.
Các báo cáo được đưa ra trong bối cảnh tranh chấp thương mại leo thang giữa Seoul và Tokyo.