Theo Nikkei Asian Review, chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt dự án sòng bạc đầu tiên và cố gắng tiếp cận nguồn thu mới từ du lịch. Sòng bạc này dự kiến tập trung phục vụ và thu hút khách du lịch trong nước giữa bối cảnh hệ thống sòng bạc trên khắp châu Á đang phải vật lộn để phục hồi khi lượng khách Trung Quốc giảm đáng kể sau đại dịch.
Sòng bạc sẽ nằm trong một khu nghỉ dưỡng tích hợp, ngoài ra còn có trung tâm hội nghị, phòng triển lãm, khách sạn và nhà hát. Dự án có thể đi vào hoạt động sớm nhất vào cuối năm 2029.
Có thể mang về 3,9 tỷ USD/năm
Theo đề xuất từ chính quyền Osaka vào tháng 4/2020, dự án khu nghỉ dưỡng kết hợp sòng bạc sẽ nằm trên khu đất có diện tích 492.000 m2. Tổ hợp dự kiến thu hút 20 triệu lượt khách và tạo ra doanh thu 520 tỷ yen/năm, tương đương 3,9 tỷ USD/năm.
Khu nghỉ dưỡng có kế hoạch triển khai một chương trình khách hàng thân thiết để thu hút khách hàng từ khắp Osaka. Theo một báo cáo từ thành phố này, ý tưởng của chương trình hướng đến mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng ở các khu vực nội địa của khu nghỉ dưỡng.
Đảo nhân tạo Yumeshima ở Vịnh Osaka. Ảnh: Kento Awashima. |
Trong một cuộc họp, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho rằng tổ hợp khu nghỉ dưỡng có vai trò quan trọng trong việc thu hút khách du lịch, cả trong nước lẫn quốc tế. Nhật Bản cũng theo đuổi mục tiêu trở thành một quốc gia định hướng du lịch.
Động thái cởi mở từ chính phủ Nhật Bản diễn ra khi các trung tâm casino lớn ở châu Á như Singapore hay Macao lao đao vì chính sách zero-Covid từ Trung Quốc. Ngay cả khi chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ chính sách này vào cuối năm ngoái, số lượng doanh nhân Trung Quốc giàu có đến casino vẫn chưa trở về mức trước đại dịch.
Năm ngoái, Genting Singapore, nhà điều hành Resorts World Sentosa, ghi nhận lợi nhuận ròng đạt 257 triệu USD, tăng 86% so với cùng kỳ. Dù điều tồi tệ nhất dường như đã qua, lợi nhuận của công ty mới chỉ phục hồi được một nửa so với mức trước đại dịch.
Nhiều người dân vẫn phản đối
Shota Otani - Phó giáo sư tại Đại học Phụ nữ Yasuda - cho biết châu Á và các sòng bạc trong khu vực phụ thuộc nhiều vào khách du lịch Trung Quốc. Nhóm này cũng đang cho thấy sự phục hồi tương đối chậm so với các thành phố như Las Vegas.
Osaka có thể xem đây là lợi thế khi khoảng 70% du khách đến khu nghỉ dưỡng trong 3 năm đầu tiên được dự báo là khách nội địa. “Osaka có nguồn tài nguyên du lịch phong phú nằm gần nhau, điều mà nhiều khu nghỉ dưỡng sòng bạc châu Á khác không có được”, Otani nhận định.
Hiện tỉnh này sở hữu các điểm tham quan nổi tiếng như Universal Studios Japan và chỉ cách Kyoto - một địa điểm nổi tiếng đối với khách du lịch - chưa đến một giờ di chuyển.
Thị trường sòng bạc khó mở rộng trong tương lai. Nếu mỗi sòng bạc không thể tăng sức hấp dẫn độc đáo của mình thì sòng bạc đó sẽ mất thị phần
Shota Otani, Phó giáo sư tại Đại học Phụ nữ Yasuda
Tuy nhiên, sòng bạc đầu tiên của Nhật Bản có thể phải đối mặt với những thách thức lớn hơn về lâu dài. Phó giáo sư Otani cho biết tình trạng dân số già của đất nước có thể khiến lượng du khách giảm dần. Trong khi đó, các thành phố như Las Vegas đã cố gắng đa dạng hóa doanh thu từ cờ bạc để thu hút nhiều khách hàng hơn.
Kế hoạch mở sòng bạc đầu tiên của Nhật Bản bắt đầu vào năm 2013, khi Thủ tướng Shinzo Abe và giới chức đảng đối lập quyết định sử dụng Yumeshima - một hòn đảo nhân tạo. Kế hoạch ban đầu của hòn đảo là trở thành nơi tổ chức làng vận động viên cho Thế vận hội 2008, nhưng Osaka đã thất bại trong việc đăng cai sự kiện đó.
Do sự phản đối của đa số người dân với quan điểm cờ bạc hợp pháp sẽ mở đường cho tham nhũng và tạo ra rủi ro thảm họa tài chính cho các gia đình, Nhật Bản chưa từng có sòng bạc. Mặt khác, các chính trị gia ủng hộ sòng bạc tin rằng nếu hoạt động này được quản lý hợp lý có thể mang lại sức sống kinh tế dưới hình thức du lịch.
Hiện các hình thức cá độ hợp pháp ở Nhật Bản, như đua ngựa hoặc đua thuyền, được điều hành bởi cơ quan nhà nước và quản lý chặt chẽ.
Một cuộc thăm dò của Nikkei vào tháng 4 cho thấy 45% cư dân Osaka ủng hộ xây dựng khu nghỉ dưỡng tích hợp trong khi vẫn còn 38% người phản đối.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...