Để có thể duy trì hoạt động, những năm gần đây, các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào lao động nước ngoài. Năm 2022, hơn 1,82 triệu lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản. Trong đó, con số thực tập sinh kỹ thuật là khoảng 343.000, nhiều hơn gấp đôi so với 10 năm trước, theo Nikkei Asia.
"Thực tập sinh là một bộ phận quan trọng trong lực lượng lao động của chúng tôi. Sẽ rất có ích nếu họ được phép ở lại lâu hơn”, Yasunobu Nozaki, chủ tịch công ty sản xuất kìm Fujiya, cho biết.
Trong bối cảnh dân số suy giảm, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang ngày càng coi trọng lao động nước ngoài, từ các lĩnh vực như sản xuất, dịch vụ cho tới các ngành tri thức công nghệ cao.
Nhật Bản đang thiếu hụt lao động trầm trọng. Ảnh: Reuters. |
Mở rộng cửa đón lao động nhập cư
Dân số Nhật Bản hiện khoảng 124 triệu người, tuy nhiên con số này sẽ giảm 30% vào năm 2070, theo ước tính của Viện Nghiên cứu dân số và an sinh xã hội quốc gia công bố hồi tháng 4.
Dữ liệu của chính phủ Nhật Bản công bố đầu tháng 6 cho thấy tỷ lệ sinh của Nhật Bản năm 2022 chỉ là 1,26, thấp kỷ lục. Con số này phản ánh số trẻ em trung bình mà một phụ nữ Nhật sẽ sinh ra trong suốt cuộc đời. Năm 2022 là lần đầu tiên số trẻ em ra đời ở Nhật Bản giảm xuống dưới 800.000.
“Chúng ta cần tạo ra một xã hội đa dạng và năng động, nơi người nước ngoài làm việc ở Nhật Bản có thể tối đa hóa năng lực và đóng góp của họ, giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng”, Ủy ban chuyên gia về lao động nước ngoài của chính phủ Nhật Bản cho biết hồi tháng 5.
Nhật Bản đã và đang ban hành nhiều biện pháp nhằm thu hút nhân tài từ khắp thế giới tới làm việc. Trong phát biểu đầu năm 2023, Thủ tướng Fumio Kishida cho hay Nhật Bản sẽ “tạo ra hệ thống đẳng cấp thế giới để tiếp nhận người lao động tay nghề cao”.
Lao động nước ngoài đóng vai trò quan trọng tại Nhật. Ảnh: Reuters. |
Hôm 9/6, chính phủ Nhật Bản thông qua cải cách lớn về chương trình lao động nước ngoài, bao gồm thay thế chương trình thực tập sinh bằng các khuôn khổ pháp lý mới nhằm giải quyết trực tiếp hơn vấn nạn thiếu hụt lao động.
Chương trình thực tập sinh được Tokyo khởi động năm 1993 nhằm thúc đẩy và chuyển giao tri thức cùng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản tới các quốc gia đang phát triển thông qua đào tạo nghề. Thực tập sinh có thể ở lại Nhật Bản tối đa 5 năm, làm việc trong các ngành nghề như sản xuất, nông nghiệp.
Tuy vậy, ngày càng có sự khác biệt giữa mục tiêu ban đầu của chương trình và kết quả thực tế.
“Chỉ khoảng 10% thực tập sinh tiếp tục công việc họ được đào tạo khi về nước. Mục đích chính của các thực tập sinh chỉ là kiếm tiền”, quản lý của một tổ chức hỗ trợ thực tập sinh cho hay.
Chương trình thực tập sinh cũng là chủ đề gây tranh cãi. Nhiều trường hợp thực tập sinh bị chủ doanh nghiệp lạm dụng và không trả lương.
Hàng nghìn thực tập sinh “biến mất” khỏi nơi làm việc mỗi năm. Năm 2021, khoảng 7.100 thực tập sinh rời công ty mà không thông báo. Dù quy định không cho phép thực tập sinh thay đổi công việc, nhiều người tìm kiếm việc làm chui được trả lương và có điều kiện lao động tốt hơn.
Chính phủ Nhật Bản cũng mở rộng phạm vi áp dụng visa lao động dành cho người có kỹ năng đặc biệt, bổ sung 9 ngành nghề được đăng ký xin visa. Người nước ngoài nhập cảnh bằng visa này có thể ở lại lâu hơn, thậm chí mang theo thành viên gia đình.
Đồng thời, Tokyo mở rộng chương trình dành cho lao động tay nghề cao, lực lượng quan trọng nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp mới nổi.
Theo chính sách mới ban hành hồi tháng 4, người lao động nước ngoài nếu được trả từ 144.000 USD trở lên và đáp ứng một số tiêu chí khác có thể nộp đơn xin thường trú.
Tokyo cũng cho phép sinh viên tốt nghiệp từ các trường top 100 thế giới cư trú trong vòng 2 năm. Việc cấp visa cho sinh viên chưa có việc làm cho thấy khát khao thu hút nhân tài của Nhật Bản.
“Những bộ óc thiên tài chưa quyết định về sự nghiệp của họ có thể biết tới chương trình này và cân nhắc thực tập ở một công ty Nhật”, một quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết.
Văn hóa lao động có vấn đề
Tuy vậy, trong bối cảnh mức thu nhập tại Nhật Bản không đi lên, cùng đồng yen suy yếu, Tokyo đang chật vật thu hút lao động tay nghề cao.
“Sinh viên tốt nghiệp đại học top càng cao, họ càng không sẵn sàng làm việc ở Nhật Bản”, Keisuke Yoshida, đại diện tổ chức Yoshida of Transcend-Learning chuyên hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm sinh viên tài năng quốc tế, nói.
Theo ông Yoshida, Nhật Bản từ lâu bị tai tiếng là có giờ làm việc kéo dài, trong khi các nhà quản lý không quan tâm tới đời sống của người lao động.
Các chuyên gia cho biết Nhật Bản đang tụt lại phía sau các nước phát triển trong cuộc đua thu hút nhân tài ngành IT. Theo OECD, lương trung bình ở Nhật Bản chỉ tăng 3% giai đoạn 2001-2021. Đây là con số rất kém hấp dẫn nếu so với 40% của Hàn Quốc, 29% của Mỹ cùng kỳ.
Văn hóa lao động là vấn đề của Nhật Bản. Ảnh: Reuters. |
Năm ngoái, lương trung bình của kỹ sư phần mềm ở Nhật thấp hơn 23% so với Singapore, 17% so với tại Seoul.
Tại châu Á, cuộc đua thu hút nhân tài đang ngày càng khốc liệt. Singapore đầu năm nay triển khai chương trình visa mới, cho phép những lao động lành nghề với thu nhập từ 22.000 USD/tháng cư trú trong 5 năm và có thể làm nhiều công việc.
Thái Lan, Malaysia nằm trong số các quốc gia cũng ban hành chính sách visa mới, cho phép chuyên gia trong một số lĩnh vực như xe điện, đầu tư cư trú lâu hơn.
Nghiên cứu về lao động nhập cư được OECD công bố hồi tháng 3 cho thấy New Zealand, Thụy Điển, Thụy Sĩ đang là các nước hấp dẫn nhất với lao động lành nghề.
Theo các chuyên gia, tại các quốc gia đang phát triển với thu nhập trung bình đang tăng lên, Nhật Bản có cũng thể trở thành điểm đến ít hấp dẫn hơn với lao động tay nghề thấp.
“Nếu mức lương vẫn giữ nguyên như 2-3 năm trước, sẽ rất khó thu hút lực lượng lao động chất lượng. Chúng tôi đã cảnh báo các công ty rằng nếu muốn lao động tốt, họ phải trả thêm tiền”, Kaori Akiyama, giám đốc điều hành Hiệp hội Giao lưu Thanh niên Nhật Bản - châu Á, cho hay.
Giới chuyên gia cho biết các công ty Nhật Bản không sẵn sàng thay đổi văn hóa làm việc, đặc biệt về rào cản ngôn ngữ. N1, chứng chỉ tiếng Nhật cao nhất, vẫn là yêu cầu bắt buộc tại nhiều doanh nghiệp. Tokyo đang tụt hậu so với nhiều thành phố lớn ở châu Á như Seoul, Singapore về số trường quốc tế, hay bác sĩ nói tiếng Anh.