Huấn luyện viên trưởng Iran, Carlos Queiroz thừa nhận sau chiến thắng trước tuyển Việt Nam rằng đội bóng của ông chỉ “chơi với 60% phong độ”. Tuyên bố ấy không phải nói cho sang miệng nếu nhìn vào thực tế những gì đã diễn ra trong ngày hôm đó.
Song trước Nhật Bản ở tứ kết, có thể tin sẽ chẳng có sự nhân nhượng nào cho thầy trò Park Hang-seo.
Đội tuyển Nhật Bản là ứng viên hàng đầu cho chức vô địch Asian Cup 2019. Ảnh: AFC |
Tuyển Nhật Bản có thực sự mạnh?
Đội tuyển Nhật Bản rơi vào bảng F tại Asian Cup 2019 với Oman, Turkmenistan và Uzbekistan. “Samurai xanh” giành 9 điểm trọn vẹn sau 3 lượt trận. Dẫu vậy, ĐT Nhật Bản chỉ giữ sạch lưới 1 trận trước Oman (thắng 1-0). Trong trận gặp Turkmenistan và Uzbekistan (thắng 3-2 và 2-1), Nhật Bản đều để đối thủ chọc thủng lưới, thậm chí bị dẫn trước.
Tuy nhiên, không phải vì vậy mà có thể đánh giá kém Nhật Bản. Chưa cần bàn tới việc Nhật Bản xếp thứ 50 trên bảng xếp hạng FIFA (hơn ĐT Việt Nam 50 bậc), chỉ riêng việc soi vào cụ thể từng màn trình diễn cùng lực lượng cũng là đủ để thấy được sức mạnh của “Samurai xanh”.
Ở vòng bảng, Nhật Bản đã cho thấy họ là đội bóng sở hữu khả năng đẩy nhanh tốc độ ở quãng ngắn vô cùng đáng sợ. Trước Turkmenistan, Nhật Bản ghi 3 bàn chỉ trong 15 phút để lật ngược thế trận từ việc thua 0-1 thành dẫn 3-1. Trước Uzbekistan, “Samurai xanh” cũng cần đúng 15 phút để đảo ngược thế trận từ bị dẫn 0-1 thành dẫn ngược 2-1.
ĐT Nhật Bản rất đáng sợ ở khả năng tăng tốc nhờ những cầu thủ tấn công chất lượng như Ritsu Doan. Ảnh: AFC. |
Màn trình diễn trong hiệp 1 trước Oman có thể coi là đỉnh cao của bóng đá tấn công ở ĐT Nhật Bản tại giải lần này. “Samurai xanh” cầm bóng tới 71%, không cho đối thủ tung ra bất kỳ cú sút trúng khung thành nào và tung ra 6 cú dứt điểm, 5 trong số đó đi trúng khung thành Oman.
Tuy chỉ có đúng 1 bàn do Takumi Minamino dứt điểm hỏng ăn trong mọi tình huống đối mặt với thủ môn Oman, song Nhật Bản đã chơi hoàn hảo trong những khâu khó nhất là dồn ép đối thủ, tạo khoảng trống, kiến tạo, xử lý tình huống và chỉ chưa thành công trong khâu dứt điểm.
Song song với màn trình diễn gần như hoàn hảo về khâu tấn công đó, Nhật Bản cũng không ngại việc chơi phòng ngự tại Asian Cup 2019. Trước Saudi Arabia, đối thủ từng đánh bại Ai Cập của Mohamed Salah tại World Cup 2018, ĐT Nhật Bản thể hiện một bộ mặt không ai dám tưởng tượng đến khi giải đấu bắt đầu.
“Samurai xanh” chỉ cầm bóng có 23% thời lượng, chuyền ít hơn đối thủ gần 3,5 lần (197 đường chuyền so với 697), phạm lỗi nhiều gấp đôi đối thủ (27 so với 13), nhưng vẫn giành chiến thắng sau bàn thắng duy nhất diễn ra từ chấm phạt góc.
Tính đến lúc này, ĐT Nhật Bản đã thể hiện những bộ mặt rất khác nhau tại Asian Cup 2019, và mẫu số chung cho tất cả điều đó là sự đáng sợ. “Samurai xanh” quá mạnh để chơi bóng theo mọi phương án mà họ muốn tại Asian Cup.
Trước Saudi Arabia, ĐT Nhật Bản không ngại chơi phòng ngự. Trong tình huống này có tới 11 cầu thủ Nhật Bản ở bên phần sân nhà, tất cả đều trong tư thế sẵn sàng phòng ngự. |
Cơ hội nào cho ĐT Việt Nam?
11 cầu thủ của Nhật Bản ra sân trước Saudi Arabia đều đang chơi bóng tại châu Âu, thậm chí là ở những giải đấu có chất lượng chuyên môn hàng đầu như Premier League, La Liga, Ligue 1 hay Eredivisie (Hà Lan).
Bất chấp việc trung phong đắt giá Yoshinori Muto sẽ bị treo giò và không thể đối đầu với ĐT Việt Nam, Nhật Bản vẫn còn Yuya Osako, người ghi 2 bàn trong trận ra quân với Turkmenistan để thay thế và đang chơi cho Werder Bremen tại Bundesliga.
Bên cạnh Osako, ĐT Nhật Bản còn Takumi Minamino, người từng ghi 2 bàn mở màn chiến thắng hủy diệt 7-0 của U19 Nhật Bản trước U19 Việt Nam có Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh cách đây 5 năm.
Takumi Minamino là ngòi nổ đáng sợ của ĐT Nhật Bản. Ảnh: AFC. |
Minamino sở hữu phong cách chơi bóng có ít nhiều tương đồng với Công Phượng, nhưng kỹ năng cùng tốc độ xử lý tình huống của cầu thủ từng lập hat-trick tại Europa League mùa này là cực kỳ đáng sợ.
Ritsu Doan cũng là một cái tên đáng chú ý khác. Tiền vệ tấn công sinh năm 1998 đang chơi tại CLB Groningen ở giải VĐQG Hà Lan và lọt vào đội hình tiêu biểu của tuần "như cơm bữa". Genku Shibasaki, Genki Haraguchi, Hiroki Sakai hay Yuto Nagatomo cũng là những mũi khoan đẳng cấp đáng gờm của “Samurai xanh”.
So sánh về thể hình, Nhật Bản lý tưởng hơn ĐT Việt Nam (1,79 m so với 1,75 m chiều cao trung bình). Ở khía cạnh kỹ chiến thuật, “Samurai xanh” cũng cho thấy sự đáng sợ, và sau cùng ở lực lượng. Nhật Bản cũng chứng minh rằng vì sao họ là đội bóng giàu thành tích nhất tại Asian Cup với 5 chức vô địch.
Vậy còn cơ hội nào cho thầy trò Park Hang-seo trước ĐT Nhật Bản, đối thủ mà nhìn theo mọi khía cạnh thì là một 9 một 10 với Iran, đội bóng từng quật ngã chúng ta 2-0 dễ dàng ở vòng bảng?
Turkmenistan đã chọc thủng lưới Nhật Bản 2 lần bằng một pha sút phạt đền cùng cú sút xa đầy bất ngờ ở khoảng cách 35 m. Uzbekistan giật sập hàng phòng ngự kinh nghiệm của “Samurai xanh” bằng một cú solo không tưởng của tiền đạo cao 1,90 m Eldor Shomurodov.
Quang Hải cùng đồng đội sẽ phải cố gắng hết mình nếu muốn làm nên chuyện trước ĐT Nhật Bản. Ảnh: Minh Chiến. |
Những pha bóng bất ngờ không tưởng ấy có thể là thứ vũ khí duy nhất ghi bàn vào lưới Nhật Bản (chứ không phải đánh bại họ). Nếu muốn thật sự tạo ra địa chấn, tuyển Việt Nam cần nhiều hơn những khoảnh khắc bùng nổ của Quang Hải trước Yemen hay Công Phượng trước Jordan.
Lợi thế ít ỏi mà thầy trò Park Hang-seo có được trước Nhật Bản có lẽ chỉ là việc chúng ta được nghỉ nhiều hơn đối thủ 1 ngày.
Vẫn biết bóng đá là môn thể thao của những khoảnh khắc và trong một ngày đẹp trời những học trò của ông Park có thể làm được mọi thứ, song Nhật Bản thực sự là ngọn núi lớn chắn trước mặt ĐT Việt Nam tại tứ kết Asian Cup 2019.
Đội hình của tuyển Nhật Bản trong chiến thắng với tỷ số 1-0 trước Saudi Arabia tại vòng 1/8 Asian Cup 2019 gồm toàn cầu thủ đang chơi bóng tại châu Âu. Đồ họa: Minh Phúc. |