Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nhật Bản dậy sóng vì vấn đề 'viên thuốc sáng hôm sau'

Khi Megumi Ota cần thuốc tránh thai, cô đã không thể mua được kịp thời do một quy định tại Nhật Bản vốn bị các nhà hoạt động gọi là nỗ lực kiểm soát quyền sinh sản của phụ nữ.

Tranh cai ve kiem soat thuoc tranh thai tai Nhat Ban anh 1

"Tôi cần thuốc tránh thai nhưng không thể mua được chúng vào cuối tuần, mọi phòng khám đều đóng cửa", Ota nói với AFP.

Không thể sử dụng thuốc tránh thai - hay còn gọi là viên thuốc "sáng hôm sau" - trong 72 giờ đầu sau khi quan hệ tình dục, thời điểm mà thuốc có hiệu quả nhất, Ota buộc phải phó mặc cho số phận và đã mang thai sau đó.

Quy định khắc nghiệt với phụ nữ

Tại Nhật Bản, thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ có thể được mua nếu có sự chỉ định của bác sĩ. Loại thuốc này không được chi trả bởi bảo hiểm y tế và có giá thành lên tới 150 USD.

Đây cũng là loại thuốc duy nhất mà người mua buộc phải sử dụng trước sự chứng kiến của dược sĩ bán thuốc để ngăn tình trạng buôn bán thuốc tránh thai trên chợ đen.

Quyền phá thai tại Nhật Bản cũng gặp phải những hạn chế tương tự. Người phụ nữ nếu muốn phá thai phải có sự cho phép của cha thai nhi. Bên cạnh đó, quá trình phá thai chỉ có thể được thực hiện thông qua phẫu thuật do việc sử dụng thuốc phá thai bị cấm ở nước này.

Vào tháng 10/2021, một ủy ban đã được chính phủ Nhật Bản thành lập nhằm nghiên cứu tính khả thi của việc bán thuốc tránh thai mà không cần kê đơn, giống như tại Mỹ, phần lớn các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia châu Á.

Quyết định này cho tới nay đã gặp phải sự phản đối của các bác sĩ phụ khoa tại Nhật Bản, những người cảnh báo rằng quyết định của chính phủ có thể khuyến khích người dân Nhật Bản quan hệ tình dục nhiều hơn và không sử dụng các biện pháp bảo vệ, từ đó tăng nguy cơ lan truyền các bệnh lây qua đường tình dục.

Đối với Ota, cô đã quyết định đi phá thai, sau khi người mà cô quan hệ tình dục cùng và từ chối sử dụng bao cao su, có phản ứng lạnh lùng khi biết tin cô mang thai.

"Tôi chỉ cảm thấy tuyệt vọng", cô Ota, 43 tuổi, kể về trải nghiệm hơn 7 năm trước của mình. Hiện tại, cô Ota đang quản lý một nhóm hỗ trợ những người bị sang chấn tâm lý do quan hệ tình dục.

Nhật Bản là một quốc gia có hệ thống y tế phát triển nhất thế giới. Tuy nhiên, dựa theo chỉ số khoảng cách giới tính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), nước này hiện chỉ xếp thứ 120 trên 156 quốc gia.

Tranh cai ve kiem soat thuoc tranh thai tai Nhat Ban anh 2

Tại Nhật Bản, thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ có thể được mua nếu có chỉ định của bác sĩ và có giá thành lên tới 150 USD. Ảnh: AFP.

"Ở Nhật Bản vẫn tồn tại những định kiến cho rằng phụ nữ sẽ lạm dụng quyền lợi có được và họ sẽ mắc sai lầm. Trong giới y khoa luôn tồn tại một bản năng cha mẹ mạnh mẽ. Họ muốn giữ phụ nữ trong tầm kiểm soát", nhà vận động quyền sinh sản của phụ nữ Asuka Someya cho biết.

Lựa chọn có hạn

Các tranh cãi về quyền phá thai và sinh sản của phụ nữ tại Nhật Bản nổ ra giữa làn sóng đấu tranh đòi quyền tự do sinh sản của phụ nữ tại nhiều quốc gia.

Tại Mỹ, Tòa án Tối cao nhiều khả năng sẽ đảo ngược một phán quyết quan trọng vào năm 1973 trong đó đảm bảo quyền tiếp cận của phụ nữ với các biện pháp phá thai trên toàn quốc. Trong khi đó, chính phủ Ba Lan vào 2 năm trước đã ra lệnh cấm gần như hoàn toàn các hình thức phá thai tại nước này.

Theo một nghiên cứu vào năm 2019 của công ty Bayer và Đại học Tokyo, có khoảng 610.000 trường hợp mang thai ngoài ý muốn tại Nhật Bản mỗi năm.

Việc phá thai ở Nhật Bản là hợp pháp kể từ năm 1948, và được thực hiện cho đến khi thai nhi đạt 22 tuần tuổi. Tuy nhiên, quyết định này phải có sự đồng ý của người chồng hoặc cha của thai nhi. Một số ngoại lệ sẽ được đưa ra trong trường hợp người phụ nữ là nạn nhân của tấn công tình dục hay bạo lực gia đình.

Một hãng dược phẩm Anh vào năm 2020 đã nộp đơn lên chính quyền Nhật Bản, xin cấp phép cho sản phẩm thuốc phá thai dùng trong giai đoạn đầu của thai kỳ do hãng phát triển.

Tuy nhiên, cho tới khi loại thuốc này được cấp phép, phụ nữ Nhật Bản muốn phá thai vẫn phải trải qua các cuộc phẫu thuật nạo phá thai có giá từ 800 USD đến 1.500 USD. Chi phí phẫu thuật có thể tăng lên nếu người phụ nữ đang trong giai đoạn sau của thai kỳ.

Someya, người từng phải phá thai khi còn là học sinh, cho biết cô đã rất sợ hãi và ước rằng mình có những lựa chọn phá thai khác thoải mái hơn.

"Tôi được khuyến cáo rằng cuộc phẫu thuật có thể khiến tôi vô sinh. Tôi nghĩ nếu điều đó xảy ra thì lỗi sẽ là ở mình", Someya, 36 tuổi, chia sẻ. Cô cho rằng quyền phá thai là sự chăm sóc y tế mà phụ nữ phải được hưởng.

Các biện pháp phòng chống mang thai cũng rất hạn chế ở Nhật Bản, với bao cao su là biện pháp phổ biến nhất.

Việc sử dụng thuốc tránh thai được hợp pháp hóa tại Nhật Bản vào năm 1999 sau hàng thập kỷ tranh biện. Trong khi đó, quá trình cấp phép sử dụng thuốc Viagra ở quốc gia này chỉ kéo dài trong 6 tháng.

Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc vào năm 2019, chỉ 2,9% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản ở Nhật Bản đang sử dụng thuốc tránh thai, so với gần 1/3 số phụ nữ ở Pháp và 20% ở Thái Lan.

Trong khi đó, vòng tránh thai, một thiết bị được đặt trong tử cung, hiện được khoảng 0,4% phụ nữ trong độ tuổi mang thai tại Nhật Bản sử dụng. Các biện pháp khác gần như mũi tiêm hay que tránh thai được cấy ghép không có người sử dụng.

Phụ nữ phải có quyền tự quyết định đối với cơ thể của mình

Bà Sakiko Enmi là một bác sĩ phụ khoa và lãnh đạo của chiến dịch vận động tăng quyền tiếp cận thuốc tránh thai của phụ nữ.

Tranh cai ve kiem soat thuoc tranh thai tai Nhat Ban anh 3

Bác sĩ Sakiko Enmi dẫn đầu chiến dịch vận động tăng quyền tiếp cận thuốc tránh thai của phụ nữ tại Nhật Bản. Ảnh: AFP.

Bà nói rằng Levonorgestrel, một loại thuốc tránh thai khẩn cấp bằng cách làm chậm và ngăn quá trình rụng trứng đã được cấp phép sử dụng tại Nhật Bản từ hơn một thập kỷ trước.

"Tuy nhiên, loại thuốc này do bị hạn chế và có giá thành cao đã không đến được tay của những người cần nó", bác sĩ Enmi chia sẻ.

Theo Hiệp hội Dược phẩm Tokyo, phụ nữ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ thông qua mạng Internet, nhưng vẫn phải sử dụng thuốc tránh thai trực tiếp trước mặt các dược sĩ. Đây là loại thuốc duy nhất có quy định như vậy tại Nhật Bản.

Một ủy ban của chính phủ vào năm 2017 đã từ chối việc bỏ yêu cầu về chỉ định của bác sĩ khi mua thuốc tránh thai, và nhiều người trong giới y khoa tại Nhật Bản vẫn tiếp tục ủng hộ quyết định này.

Tranh cai ve kiem soat thuoc tranh thai tai Nhat Ban anh 4

Theo khảo sát vào năm 2019 của công ty Bayer và Đại học Tokyo, có khoảng 610.000 trường hợp mang thai ngoài ý muốn tại Nhật Bản mỗi năm. Ảnh: AFP.

Một khảo sát vào tháng 10/2021 của Hiệp hội Sản Phụ khoa Nhật Bản đã chỉ ra rằng hơn 40% thành viên của tổ chức này phản đối đề xuất cho phép bán tự do thuốc tránh thai tại các hiệu thuốc.

Bên cạnh đó, 92% số bác sĩ được khảo sát tỏ ra lo ngại với đề xuất này. "Nhật Bản cần phải xem xét lại chương trình giáo dục giới tính của mình trước khi quyết định loại bỏ rào cản đối với việc mua thuốc tránh thai", báo cáo của cuộc khảo sát có viết.

Bác sĩ Enmi tuy vậy, vẫn cương quyết bảo vệ lập trường của mình.

"Chúng ta phải thay đổi. Phụ nữ phải có quyền tự quyết định đối với cơ thể của mình", bà khẳng định.

Ở London, chỉ cần 'đi ra đường và thở một cái rồi về cũng tốn tiền'

Mẹ tôi luôn nói “đừng có tiết kiệm quá, nhớ ăn uống đủ” nhưng tôi cũng không dám tin lời mẹ nữa vì nếu không chắt bóp, tôi sẽ chẳng thể sống sót ở London (Anh).

Có thai ngoài ý muốn, hơn 170 phụ nữ khởi kiện chính phủ Chile

Hơn 170 phụ nữ mang bầu ngoài ý muốn đã chỉ trích nhà chức trách Chile vì không phản ứng đúng cách khi phát hiện các lô thuốc tránh thai bị lỗi.

Thủ đoạn 'săn mồi' của ngành công nghiệp phim khiêu dâm tại Nhật Bản

Vì nhẹ dạ cả tin, một số phụ nữ đã trở thành nạn nhân và bị cuốn vào vòng xoáy của ngành công nghiệp "phim người lớn" tại Nhật Bản.

An Bình

Theo AFP

Bạn có thể quan tâm