Ngày 16/4, Tổng cục Hải quan công bố, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 36,3 tỷ USD, còn tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 38,7 tỷ USD. Như vậy, cán cân thương mại đang âm, hay nói cách khác chúng ta nhập siêu trong quý I gần 2,4 tỷ USD.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý I đạt hơn 75 tỷ USD. So với quý 1 năm ngoái, tổng kim ngạch tăng 9,41 tỷ USD, tương ứng 14,3%.
Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 48 tỷ USD, tăng 22,6%, tương ứng 8,9 tỷ USD so với 3 tháng đầu năm 2014, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Về xuất khẩu:
Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 36,3 tỷ USD, tăng 2,93 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2014. Khối doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tỷ trọng lớn với 67,5% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.
Dầu thô và các nhóm mặt hàng nông sản gồm cà phê, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu giảm 10-15% so với quý I năm trước. Lý do giá trị xuất khẩu giảm mạnh là do giá bán và sản lượng xuất khẩu giảm.
Còn sáu nhóm mặt hàng trong nhóm xuất khẩu chủ lực thì tăng đáng kể. Xếp vị trí quán quân về giá trị xuất khẩu là điện thoại các loại và linh kiện với 6,7 tỷ USD. Tiếp đến là hàng dệt may và máy vi tính - linh kiện có giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt tương ứng là 4,9 và 3,6 tỷ USD.
Biểu đồ kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất quý I/2015 so với cùng kỳ năm 2014. |
Về nhập khẩu:
Tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 38,7 tỷ USD, tăng 20,1% (tương ứng tăng hơn 6,48 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2014.
Đứng đầu bảng nhóm sản phẩm nhập khẩu trong quý I là máy móc thiết bị với 7 tỷ USD, cao hơn cùng kỳ năm ngoái đến 2,2 tỷ USD. Máy vi tính và linh kiện cũng chi tới 5,6 tỷ USD để nhập khẩu.
Nhóm mặt hàng có giá trị nhập khẩu giảm mạnh nhất trong quý 1 năm nay là mặt hàng xăng dầu khi chỉ chi 1,4 tỷ USD, giảm 0,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhìn vào cơ cấu khu vực doanh nghiệp FDI nhập khẩu nhiều nhất với trị giá nhập khẩu hàng hóa trong quý I đạt 23,66 tỷ USD, tăng 5,04 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 61% tổng trị giá nhập khẩu của Việt Nam.
Biểu đồ kim ngạch nhập khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất quý I/2015 so với cùng kỳ năm 2014. |
Nhập siêu là vấn đề lo ngại được người đứng đầu các bộ Tài chính, Kế hoạch - đầu tư, Công thương và Ngân hàng Nhà nước bàn thảo tại cuộc họp tổ điều hành kinh tế vĩ mô vừa diễn ra.
Các ý kiến cho rằng mới hết quý I mà nhập siêu đã tăng 2,4 tỷ USD. Xuất khẩu gặp khó khăn khi giá cả các mặt hàng nông sản, thủy sản trên thế giới giảm mạnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng không quá đáng lo ngại. Vì nguyên nhân nhập siêu là do chúng ta nhập các thiết bị, máy móc phục vụ cho sản xuất. Đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế.