Chia sẻ với PV Vietnamnet, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho biết như vậy. Theo ông Hoài, chủ trương về chính sách thuế, phí, tín dụng ưu đãi cho ngành công nghiệp ô tô đã được hai bộ Tài chính - Công Thương thống nhất tại cuộc họp giữa tuần trước, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Tại cuộc họp này, cả hai bộ đã báo cáo về các giải pháp đồng bộ để thực hiện Quy hoạch và chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô giai đoạn 2015-2020. Ngoài các vấn đề về thuế nhập khẩu, phí trước bạ, tín dụng cho từng dự án, Bộ Công Thương đã đưa ra đề xuất mới, cho rằng cần điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô con dưới 9 chỗ ngồi.
Cụ thể, với các dòng xe dưới có dung tích xi-lanh dưới 2.0 lít, Bộ Công Thương đề nghị cần giảm mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt xuống 10-15% và thậm chí là mức 30% cho xe dưới 1,5 lít. Đây là dòng xe ưu tiên trong Quy hoạch và Chiến lược ngành ô tô Việt Nam, cũng là chủng loại thế mạnh của các doanh nghiệp ô tô trong nước. Việc giảm thuế sẽ giúp tăng được dung lượng thị trường xe ưu tiên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia tăng hàm lượng nội địa hoá. Ngược lại, với những dòng xe có dung tích xi-lanh trên 3.0 lít, Bộ Công Thương đề nghị cần tăng mạnh, thậm chí là tăng đột biến để hạn chế nhập siêu, tăng thu ngân sách.
Giữ nguyên mức thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô trong vòng 3 năm tới. |
Trong đó, ở phân khúc cấp cao, biểu thuế tiêu thụ đặc biệt theo đề nghị của Bộ này cần chia làm 4 nấc, tương ứng với từng loại dung tích xi lanh, như xe 3.0-4.0 lít, mức thuế đề nghị là 120%, xe 4.0-5.0 lít, thuế là 145%, xe 5.0-6 lít, thuế áp 170% và xe trên 6.0 lít, thuế phải tăng tới 195%.
Tuy nhiên, ông Hoài chia sẻ, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, các bộ đã thống nhất, tạm thời, không sửa thêm chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho ô tô, vì Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vừa mới được Quốc hội thông qua, hiệu lực từ 1/1/2016. Sau mỗi 3 năm, Chính phủ sẽ xem xét ban hành lộ trình giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này.
Ông Trương Thanh Hoài lưu ý, sau cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 2/2, có thông tin cho rằng, Bộ chỉ đề nghị mức thuế tiêu thụ đặc biệt với xe có dung tích từ 3.0 lít trở lên là 70%, không phải là gần 200%. Thông tin này là không chính xác.
Cũng tại cuộc họp của Chính phủ trước đó, các Bộ đã thống nhất sẽ giữ nguyên lộ trình thuế nhập khẩu ô tô như đã ban hành. Riêng chính sách về phí trước bạ, phí bảo vệ môi trường đối với ô tô sẽ được nghiên cứu điều chỉnh theo hướng ưu đãi hơn cho người tiêu dùng.
Dự kiến, Chính phủ sẽ có quyết định về chính sách phát triển ngành ô tô, đưa ra các tín hiệu rõ ràng, ổn định, mang tính dự báo dài hạn để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp yên tâm triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Hiện nay, tổng năng lực lắp ráp, sản xuất ô tô của Việt Nam là 460.000 xe, trong đó, chiếm 50% là xe con.
Lộ trình giảm thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô
Từ năm 1998 đến nay, thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho ô tô đã có 4 lần sửa đổi theo hướng giảm dần. Trong đó, trước năm 2009, chính sách thuế được chia trên cơ sở số ghế ngồi, từ năm 2009 đến nay, thuế chia theo dung tích xi-lanh.
Từ năm 1999-2003: xe con dưới 5 chỗ ngồi chịu thuế tới 100%, xe 6-15 chỗ ngồi có thuế 60%.
Từ năm 2004-2005: xe con dưới 5 chỗ ngồi giảm thuế còn 80%, xe 6-15 chỗ ngồi giảm còn 50%.
Từ năm 2006- 31/3/2009: xe con dưới 5 chỗ ngồi giảm tiếp còn 50%, xe 6-15 chỗ ngồi giảm còn 30%.
Từ 1/4/2009 đến nay: xe dưới 9 chỗ ngồi có dung tích dưới 2.0 lít, thuế còn 45%, xe có dung tích từ 2.0-3.0 lít, thuế 50% và xe trên 3.0 lít có thuế tiêu thụ đặc biệt là 60%.
(Nguồn: Bộ Công Thương)