Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu cả nước 8 tháng đầu năm đạt 97 tỷ đôla. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 9,8 tỷ đôla, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, trong tổng số 93,3 tỷ đôla kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, có đến 27,6 tỷ đôla các doanh nghiệp (DN) phải nhập từ thị trường Trung Quốc. Kết quả, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và con số nhập siêu tiếp tục lên tới 17,8 tỷ đôla, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.
Thượng vàng hạ cám
Bộ Công Thương cho rằng với đà tăng trưởng ổn định như những tháng qua cùng với nhu cầu tiêu dùng thường tăng trong những tháng cuối năm sẽ đẩy con số nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam có thể chạm mốc 40 tỷ đôla trong năm nay. Số liệu chi tiết về các mặt hàng xuất nhập khẩu từ Trung Quốc do Tổng cục Hải quan thống kê cho thấy Việt Nam đã bỏ ra hơn 27,6 tỷ đôla để nhập khẩu hàng hóa, nguyên phụ liệu từ thị trường này trong 8 tháng đầu năm. Đơn cử như nhập vải các loại: 2,65 tỷ đôla, xơ sợi dệt các loại: 320 triệu đôla, nguyên phụ liệu dệt may da giày: 895 triệu đôla, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng: 4,3 tỷ đôla, chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo: hơn 748 triệu đôla, thức ăn gia súc và nguyên liệu: 205 triệu đôla…
Ngay những mặt hàng trong nước sản xuất được như cây tăm, sợi chỉ, cục xí muội… bao nhiêu năm vẫn phải nhập khẩu thì nay nhập ngày càng nhiều hơn.
Tám tháng đầu năm, Việt Nam phải bỏ ra 2,3 tỷ đôla để nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc, trong khi hàng sản xuất trong nước tồn kho không bán được Ảnh: Tấn Thạnh |
Một lượng lớn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày bởi phần lớn DN trong ngành làm gia công, được đối tác chỉ định nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. “Với đơn giá xuất khẩu một chiếc áo sơ mi như hiện nay, DN phải nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, còn nhập từ Hàn Quốc với vải sang hơn sẽ không có lãi nên việc thay thế là rất khó, trừ khi DN chủ động từ khâu sản xuất đến thiết kế hoặc sản xuất những mặt hàng cao cấp hơn” - TS Lê Đăng Doanh dẫn chứng.
Bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty Giày Liên Phát, thừa nhận nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị của Trung Quốc có giá rẻ, phù hợp với đơn giá xuất khẩu của DN trong nước. Nếu nhập từ châu Âu hoặc các thị trường khác, giá xuất khẩu như hiện tại thì DN không thể làm nổi. Với ngành da giày, dệt may, khách hàng nhập khẩu mang tính chất toàn cầu theo chu kỳ khép kín và đa số các ông chủ lớn trong ngành đến từ Trung Quốc nên họ chỉ định phải nhập khẩu đầu vào ở thị trường này. DN làm gia công không có sự lựa chọn để tính toán, cân nhắc việc… thoát lệ thuộc vào Trung Quốc!
Hàng trong nước dư thừa cũng... nhập
Đáng nói, trong chuyện xuất nhập khẩu với Trung Quốc, DN Việt không chỉ nhập nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất mà còn tốn hàng trăm triệu đôla để nhập những mặt hàng trong nước sản xuất được như rau củ quả, thủy hải sản, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc... Ngay một số mặt hàng trong nước dư thừa, tồn kho không bán được cũng tràn về như phân bón, nông sản, trái cây và tiêu biểu là mặt hàng sắt thép.
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm từ sắt thép trong 8 tháng đầu năm lên tới 2,3 tỷ đôla (hơn 2,84 triệu tấn). Trong khi đó, Bộ Công Thương cho biết do tình hình tiêu thụ sắt thép khó khăn, tồn kho tăng cao buộc một số nhà máy sản xuất sắt thép khu vực phía Bắc phải dừng hoạt động.
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt, nhận xét việc đóng cửa các nhà máy trong bối cảnh hiện nay là khó tránh. Đóng cửa để giảm lỗ, cắt lỗ hơn là duy trì trong khó khăn. Ngành thép trong nước điêu đứng không chỉ vì sức mua kém, tiêu thụ khó mà còn bởi thép nhập khẩu Trung Quốc. “Từ nhiều năm nay, thép cuộn xây dựng của Trung Quốc núp bóng thép hợp kim chứa boron để được hưởng thuế suất 0% khi nhập vào Việt Nam gây điêu đứng cho DN trong nước. Giá thép Trung Quốc rẻ hơn thép nội khoảng 2 triệu đồng/tấn nhưng rất kém chất lượng, chỉ các công trình xây dựng dân dụng mới sử dụng và người tiêu dùng chịu thiệt” - ông Thái nói.
Không nhập không được!
“Tại hội chợ quốc tế mới đây, DN tôi có nhu cầu nhập khẩu máy cắt da nên hỏi mua loại máy do Ý sản xuất năm 2013 nhưng giá quá đắt. Không lâu sau, Trung Quốc cũng giới thiệu mẫu máy tương tự với giá bán chỉ bằng 1/2 nhưng tính năng lại nhiều hơn nên DN chọn hàng Trung Quốc” - bà Trương Thúy Liên giãi bày.