Một nhóm nhân viên văn phòng ở Trung Quốc bắt đầu thu thập số giờ làm việc tại các công ty tư nhân, kêu gọi chiến dịch "Worker Lives Matter" để phản đối văn hóa 996 ở nước này.
Theo Bloomberg, không chỉ yêu cầu chia sẻ thời gian bắt đầu và kết thúc ngày làm việc, chiến dịch Worker Lives Matter còn thu thập số ngày làm việc mỗi tuần với nhân công trong các ngành khác nhau như công nghệ và tài chính.
Nhiều nhân công tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường làm việc quá sức. Ảnh: The Week UK. |
Tính đến 14/10, bảng dữ liệu đã có hơn 4.000 mục được nhập. Trong số các trường thông tin, chiến dịch ghi nhận cả đóng góp từ nhân viên của những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Tencent, Alibaba và ByteDance.
Theo chiến dịch, mục đích của hành động này là để phản đối văn hóa làm việc quá mức.
Các công ty công nghệ Trung Quốc nổi tiếng là có thời gian làm việc dài và mệt mỏi, được gọi tắt là văn hóa “996”. Khái niệm này xuất phát từ thực tế người lao động phải làm từ 9h-21h, 6 ngày một tuần.
Phương pháp làm việc này từ lâu được các tỷ phú công nghệ như Jack Ma (nhà sáng lập Alibaba) hay Richard Liu (JD.com) tôn vinh. Tuy nhiên, văn hóa 996 vấp phải hàng loạt chỉ trích trên mạng xã hội sau những trường hợp qua đời vì làm việc quá sức.
"Nhân viên chúng tôi cũng cần phải sống", Bloomberg trích lời tuyên bố của chiến dịch Worker Lives Matter trên GitHub.
Làn sóng phản đối văn hóa làm việc 996 khiến nhiều công ty phải thay đổi cách vận hành. Ảnh: Bloomberg. |
Để đối phó với áp lực ngày càng tăng của dư luận, các công ty Internet như ByteDance và Kuaishou Technology đã thực hiện các biện pháp đầu tiên để giảm giờ làm. Đầu năm nay, hai gã khổng lồ đã từ bỏ hệ thống luân phiên, vốn yêu cầu nhân viên cứ nửa tháng mới có một ngày nghỉ.
Worker Lives Matter là chiến dịch lặp lại nỗ lực trước đó nhằm phản đối thời gian làm việc kéo dài. Vào năm 2019, một nhóm lập trình viên Trung Quốc đã lên GitHub, dùng mã nguồn để cáo buộc các công ty tận dụng văn hóa 996 để bóc lột sức lao động.
Bình luận