Trong Nghị định mới của Chính phủ, từ 1/1/2017, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở các doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh tăng. Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng 1 là 3,75 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 3,32 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 2,9 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 2,58 triệu đồng/tháng.
Như vậy, so với mức lương tối thiểu vùng cũ, mức mới áp dụng trong năm 2017 cao hơn từ 180.000 đến 250.000 đồng/tháng, tương đương mức tăng khoảng 7,3% so với mức cũ.
Cũng về vấn đề tăng lương năm 2017, Nghị quyết số 27/2016/QH14 về dự toán ngân sách Nhà nước nhắc tới việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công nhân viên chức. Theo đó, từ ngày 1/7, các cán bộ, công nhân viên sẽ được tăng lương khoảng 7,4% từ mức 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng.
Trong ngành tài chính - ngân hàng, theo tính toán số liệu từ báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016 của các ngân hàng đã công bố, giai đoạn năm 2010-2016, thu nhập bình quân của các nhân viên ngành này đã tăng khoảng 34%, tương đương mức tăng khoảng gần 6% mỗi năm.
Các báo cáo về tỷ lệ tăng lương theo ngành trong vài năm trở lại đây ghi nhận tỷ lệ tăng lương trung bình quanh mức 10% mỗi năm. Năm 2016, ngành dược phẩm, y tế có mức tăng lương cao nhất đạt 18%; ngành tài chính, chứng khoán có tỷ lệ gần 13%...
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, năm 2017, tỷ lệ tăng lương sẽ có xu hướng tăng nhẹ. Điều này cho thấy việc điều chỉnh lương của các doanh nghiệp phù hợp với sự điều chỉnh của pháp luật lao động về mức lương tối thiểu vùng trong năm nay.
81% nhà tuyển dụng ngành CNTT tham gia khảo sát sẵn sàng tăng lương cho nhân viên của mình trong năm 2017. Nguồn: Báo cáo khảo sát VietnamWorks. |
Trong một báo cáo khảo sát mới đây của trang thông tin việc làm VietnamWorks, thuộc tập đoàn Navigos Group Việt Nam, có tới 81% nhà tuyển dụng ngành công nghệ thông tin (CNTT) tham gia khảo sát sẵn sàng tăng lương cho nhân viên của mình trung bình 6-20% trong năm 2017.
Báo cáo này cũng chỉ ra không chỉ sở hữu tỷ lệ tăng lương tối đa có thể lên tới 20% mà nhu cầu tuyển dụng ngành này trong năm 2017 cũng ở mức cao nhất trong lịch sử. Nếu như năm 2012 chỉ có khoảng 6.142 nhu cầu nhân sự trong ngành CNTT thì năm 2016 số lượng nhu cầu nhân sự đã lên tới 14.997, tăng gần 2,5 lần (chỉ tính số lượng công việc đăng trên trang VietnamWorks).
Mức tăng lương mà các doanh nghiệp, công ty ngành CNTT sẵn sàng đáp ứng trong năm 2017 có thể sẽ cao hơn nhiều mức tăng lương tối thiểu vùng trước đó, cao hơn các ngành nghề khác.
Trước đó, ngành CNTT cũng luôn được đánh giá và nằm trong danh sách những ngành có mức thu nhập tương đối cao. Từ cấp bậc nhân viên/kỹ thuật viên cho tới quản lý cấp cao, nhân sự trong ngành CNTT đều được chi trả mức lương dao động từ 6-30 triệu đồng.
Các chuyên gia trong lĩnh vực việc làm cho biết chỉ số tăng trưởng kinh tế và sự cạnh tranh trên thị trường lao động chính là động lực thúc đẩy mức lương người lao động cho phù hợp với năng lực của họ. Các nhân viên nếu có những kỹ năng mới, quan trọng, phù hợp với nhu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường, sẽ có cơ hội lớn tăng lương trong năm nay.
Từng trao đổi với Zing.vn về vấn đề thu nhập của nhân viên ngành ngân hàng, một lãnh đạo ngân hàng TMCP cho biết hầu hết ngành ngân hàng hiện nay đều giao việc cho nhân viên theo chỉ tiêu KPI.
Thu nhập của nhân viên sẽ được đánh giá trực tiếp vào hiệu quả công việc mà nhân viên đó mang lại. Những người có hiệu quả công việc tốt, hoàn thành việc được giao, vượt chỉ tiêu sẽ được nhận mức lương thưởng cao hơn những người không hoàn thành chỉ tiêu công việc.
Việt Nam được xem là một trong những miền đất hứa dành cho lĩnh vực CNTT. Cách đây 15 năm, thị trường CNTT bị chi phối bởi các công ty gia công phần mềm lớn. Tuy nhiên, hiện nay xu hướng này đang chuyển dần vào dịch vụ với sự phát triển mạnh của các công ty, tập đoàn công nghệ tại Việt Nam.
Hiện nay, TP.HCM chính là trung tâm công nghệ lớn nhất trong cả nước, tuy nhiên Hà Nội đang là thị trường phát triển đầy tiềm năng và có khả năng cạnh tranh cao.