Ông Sundar Pichai ủng hộ chính sách chia sẻ bàn làm việc tại công ty. Ảnh: Bloomberg. |
CNBC cho biết trong cuộc họp nội bộ tuần qua, ông Sundar Pichai đã mô tả một số văn phòng của Google gần như trống rỗng.
“Nhiều người thường xuyên phàn nàn rằng họ đến công ty và thấy rất nhiều bàn trống. Điều này khiến nhân viên cảm giác văn phòng như một ‘thị trấn ma’. Đó thực sự không phải là một trải nghiệm tốt”, ông Pichai nói.
Thực tế, trong tháng trước, Google đã yêu cầu nhân viên và đối tác phụ trách nền tảng đám mây chia sẻ bàn làm việc tại 5 văn phòng lớn nhất của công ty tại Mỹ, bao gồm New York và San Francisco.
Trong báo cáo tài chính quý IV/2022 của Alphabet được công bố hồi đầu tháng 2 vừa qua, ban lãnh đạo dự kiến Google sẽ phải chịu mức chi phí khoảng 500 triệu USD để thu hẹp diện tích văn phòng trên toàn cầu. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh công ty lo ngại về mức tăng trưởng doanh thu chậm lại và suy thoái kinh tế đang diễn ra.
Ông Pichai khẳng định rất nhiều người đến văn phòng “chỉ hai ngày trong một tuần”. Qua đó, CEO Google cho rằng nhân viên đang sử dụng không gian chưa hiệu quả.
“Chúng ta nên quản lý tốt các nguồn tài chính. Công ty có những bất động sản đắt đỏ. Nếu nhân viên chỉ dành 30% thời gian làm việc tại công ty, chúng ta sẽ phải cẩn thận suy xét lại vấn đề”, ông Pichai nêu quan điểm.
Theo ông Anas Osman, Phó chủ tịch chiến lược của Google Cloud, khoảng 1/3 số nhân viên đến văn phòng ít nhất bốn ngày trong một tuần.
“Dữ liệu từ những cuộc thử nghiệm cho thấy các nhân viên của Google có khả năng cộng tác tốt hơn khi họ được ấn định ngày làm việc tại văn phòng, kể cả khi áp dụng chính sách bàn làm việc chung”, ông Osman chia sẻ.
Ông Pichai cho biết chính sách chia sẻ bàn làm việc mới chỉ được áp dụng đối với các nhân viên trong bộ phận đám mây của Google. Hiện công ty “cho phép các nhóm tự do thử nghiệm”. Bộ phận đám mây đang chiếm khoảng 1/4 số nhân viên của công ty công nghệ này.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.