"Mình định lập group của những người làm phim để anh em chia sẻ cho nhau khi cần thiết. 15 ngày không ra đường đối với những người kiếm tiền ăn từng bữa mình nghĩ thật sự quá khó khăn", đó là lời kêu gọi của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cùng chung tay hỗ trợ nhân viên đoàn phim trên trang cá nhân.
Sau một ngày đăng tải, đạo diễn Tiệc trăng máu cho hay anh đã nhận được rất nhiều đề nghị được giúp đỡ từ các nhân viên công tác trong đoàn phim như âm thanh, ánh sáng, hậu cần...
Chia sẻ với Zing, chuyên gia truyền thông mảng phim ảnh, anh Poly, cho hay: "Do ảnh hưởng của dịch, anh em đoàn phim bị thất nghiệp ít nhất hai tháng qua. Cuộc sống của họ vốn bấp bênh, bây giờ càng chông chênh hơn".
Bán đồ ăn, làm shipper khi thất nghiệp
Trò chuyện với Zing khi đang làm món phá lấu cho khách, Phương Anh, nhân viên y tế của đoàn phim Em là bà nội của anh, Lửa Phật, Trái tim quái vật, nói cô đối diện với cảnh thất nghiệp từ trước Tết 2021.
Vì vậy Phương Anh phải mở quán ăn để có thêm thu nhập. Vốn là người có khả năng nấu nướng, quán ăn của cô cũng đông khách ủng hộ. Cộng với thu nhập của ông xã chạy xe taxi công nghệ, cuộc sống của vợ chồng cùng hai con cũng tạm ổn.
Bi Đàm là nhân viên ánh sáng, từng tham gia phim Thiên mệnh anh hùng, Em là bà nội của anh. Ảnh: NVCC. |
Tuy nhiên, hai tháng qua, dịch bùng phát, công việc của vợ chồng cô ảnh hưởng nhiều. Thay vì mướn mặt bằng mở quán, Phương Anh bán đồ ăn online. Cô tự giao hàng cho khách.
"Từ khi thành phố có chỉ thị 16, phong tỏa toàn thành phố, chồng tôi không thể chạy taxi công nghệ. Việc bán hàng của tôi cũng chậm hơn do mua nguyên liệu khó hoặc nếu có, phải mua với giá cao", cô cho hay.
Tương tự, Phương Anh, Bi Đàm - nhân viên làm ánh sáng - cũng phải nuôi hai con nhỏ. Hai tháng qua, anh bị thất nghiệp và phải tìm đến công việc shipper. Mỗi ngày, anh chạy giao hàng 10 tiếng, từ 8h sáng đến 20h. Hiện tại, anh ở nhà hoàn toàn vì dịch bùng phát.
Anh cho biết cuộc sống của anh càng khó khăn hơn khi bà xã - nhân viên làm nail - cũng hầu như không có thu nhập suốt thời gian qua.
Trong khi đó anh Hồ Hữu Luân - trưởng bộ phận ánh sáng của nhiều bộ phim điện ảnh Việt - cho hay căn hộ nơi anh ở đã bị phong tỏa hơn một tháng qua.
Anh nói: "Khu chung cư bị phong tỏa, tôi không đi ra khỏi nhà, điều này đồng nghĩa với thu nhập hầu như không có. Chúng tôi phải dùng tiền tiết kiệm để sống qua ngày. Tiền trả góp nhà hàng tháng, nếu thiếu, tôi phải vay mượn bạn bè".
Mong hết dịch để trở lại với công việc
Mất việc, không có thu nhập, cuộc sống khó khăn là điều khó tránh khỏi. Tuy vậy, nhân viên của đoàn phim như Phương Anh, Bi Đàm hay Hữu Luân đều cho rằng đó là tình hình chung của cả nước, mọi người. Họ khẳng định vẫn đang cố gắng từng ngày để vượt qua dịch bệnh.
"Tôi vẫn đang thuê nhà, hàng tháng phải trả tiền nhà và tã sữa cho con. Nhưng thời gian này, chủ nhà đã thông cảm, cho tôi nợ lại. Do đó, cuộc sống bớt áp lực.
Hơn nữa, nhìn ra xung quanh xóm trọ, người không có ăn, người bị giang hồ đánh đập, uy hiếp vì thiếu tiền, tôi vẫn cảm thấy mình may mắn", Phương Anh chia sẻ.
Anh Hữu Luân, làm trưởng bộ phận ánh sáng phim Quyên... Ảnh: NVCC. |
Với anh Hữu Luân, anh tự nhủ bản thân vẫn còn đủ sức để vượt qua khó khăn khi có nhà ở, vợ còn công việc. Do đó, anh không phải lo bữa ăn mỗi ngày. Trưởng bộ phận ánh sáng phim Quyên cho hay vợ chồng anh cùng hai con nhỏ hiện phải sống nhờ số tiền tiết kiệm ít ỏi.
Bi Đàm kể trước đây anh là nhân viên ánh sáng tự do nên không có lương ổn định. Mỗi dự án phim, MV anh tham gia, Bi Đàm thường nhận lương theo số công đã làm.
Anh trải lòng: "Nếu cả tháng làm đủ 30 công, tôi mới có lương 12-15 triệu đồng. Nhưng thường, tôi chỉ làm được 20 công là nhiều. Bây giờ, thu nhập của tôi là số không. Tôi vẫn gắng gượng sống qua ngày".
Bi Đàm cho hay anh biết được chương trình hỗ trợ nhân viên đoàn phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khởi xướng. Tuy nhiên, anh từ chối đăng ký nhận sự giúp đỡ.
Anh nói: "Tôi muốn nhường cơ hội đó cho những đồng nghiệp khó khăn hơn. Tôi vẫn cầm cự được, chưa đến mức kiệt quệ".
Nói về giải pháp giúp nhân viên đoàn phim vượt qua khó khăn thời điểm này, theo Bi Đàm, Phương Anh rất nan giải. Đa số nhân viên đoàn phim đều làm việc theo dự án, hợp đồng lao động ngắn hạn, do đó không có lương cố định.
Theo họ, giải pháp tốt nhất chính là dịch bệnh bị đẩy lùi, cuộc sống trở về bình thường. "Khi dịch bệnh được kiểm soát, phim được sản xuất chúng tôi mới có công việc. Nếu không chúng tôi buộc phải tìm việc khác để kiếm thêm thu nhập", Phương Anh nói.