Cây táo nở hoa có câu chuyện, kịch bản lê thê nhưng lại ghi điểm về diễn xuất và tạo hình nhân vật. Trên màn ảnh, NSND Lan Hương hay Thái Hòa, Hồng Ánh đều có màn hóa thân thấm đẫm hình ảnh của những người lao động bình dân, vất vả với gương mặt đen sạm, chân tay dính đầy dầu nhớt, phục trang giản dị.
Việc Hồng Ánh diễn xuất với gương mặt nhợt nhạt, tiều tụy từng gây ấn tượng mạnh với khán giả màn ảnh nhỏ. Khi xem nhân vật Hạnh, có thể thấy được sự lăn xả của Hồng Ánh, và khả năng cống hiến hết sức lực của chị cho nhân vật này. Hồng Ánh đã "lo lắng" cho Hạnh từng bộ trang phục cũ nát, ngả màu vàng ố, cho đến gương mặt gần như mộc.
Rõ ràng việc chuẩn bị, đầu tư chi tiết, kỹ lưỡng cho tạo hình nhân vật đã mang đến cảm xúc chân thực, ấn tượng và thành công cho những vai diễn do Hồng Ánh, Thái Hòa và NSND Lan Hương thể hiện.
Chuyện diễn viên Việt mắc lỗi hóa trang, phục trang
Có thể nói Cây táo nở hoa là phim truyền hình hiếm hoi có sự chăm chút ở khâu tạo hình nhân vật. Trong khi đó, đa số phim Việt hiện nay yếu tố này chưa thật sự được quan tâm hoặc được thực hiện khá nghiệp dư. Đây cũng không phải là câu chuyện mới, mà là vấn đề cũ đã được mang ra bàn đi bàn lại nhiều lần ở phim Việt, trong hàng chục năm nay.
Quỳnh Lam đóng vai cô gái nhà nghèo nhưng quần áo luôn mới. |
Xem phim Nghiệp sinh tử, nhiều khán giả cảm thấy ngán ngẩm với cách tạo hình của dàn diễn viên. Nhân vật Hương Thị (Quỳnh Lam) sống trong căn nhà lá rách nát, làm lụng vất vả nhưng luôn xuất hiện với trang phục mới, thẳng thớm. Dù cô lên rừng kiếm củi với chồng, đi ngủ hay đến cửa quan thưa kiện mái tóc luôn suôn thẳng, mượt mà.
Chưa kể, trong lúc vượt cạn, Hương Thị vẫn không quên làm đẹp với son hồng nhạt. Vào vai người lao động nghèo dưới chế độ cũ, sinh con trong hoàn cảnh ngặt nghèo mà thoa son môi hồng là sự vô lý. Chi tiết nhỏ này khó mang lại cảm xúc cho khán giả khi xem một cảnh phim mà lẽ ra sẽ phải mang đến rất nhiều xúc động. Cảnh phim miêu tả một phụ nữ nghèo, phải vượt cạn đầy đau đớn, vất vả.
Tương tự Quỳnh Lam, Phương Dung cũng mắc lỗi trong tạo hình nhân vật. Nữ diễn viên đóng vai người lao động vất vả làm nghề hốt phân nhưng gương mặt dày phấn và thoa son lì. Điều này cho thấy sự thiếu chỉn chu, thiếu đầu tư của diễn viên, ê-kíp trong hóa trang nhân vật.
Nhưng cũng có thể lý do còn nằm ở việc nhiều nữ diễn viên giữ tâm lý sợ xấu, từ chối để mặt mộc khi lên hình. Chính tâm lý "sợ xấu" này, nên dù đóng vai nghèo khổ, vất vả, lao động cực nhọc đến mấy, nhiều nữ diễn viên vẫn phải trang điểm kỹ lưỡng, quần áo đẹp. Dù xuất hiện ở phân cảnh phải thể hiện sự vất vả, đau khổ đến mức nào cũng không được ảnh hưởng đến dung nhan.
Đã có nhiều câu chuyện bi hài về việc nhiều nữ diễn viên dù đóng cảnh ngủ, nhập viện, bị bạo hành đánh đập, lớp trang điểm vẫn luôn phải "xịn" nhất. Son luôn đỏ mọng, lông mày kẻ đậm, lớp phấn dày dù nhà nghèo không có gì để ăn.
Những câu chuyện về lỗi trang điểm, lỗi phục trang đã được bàn từ nhiều năm về trước, nhưng đến hiện tại, lỗi này vẫn tràn lan. Mở phim truyền hình Việt đang phát sóng trên khắp các kênh, khán giả không khó để nhận ra những lỗi này, dù phim lấy bối cảnh nông thôn hay thành thị, các vai nữ vất vả, nghèo khó hay có số phận khổ đau, vẫn luôn trang điểm kỹ lưỡng không thiếu phân cảnh nào.
Sự lăn xả
Một đạo diễn nói với Zing hóa trang thiếu chân thực thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, chỉn chu, kỹ lưỡng của ê-kíp và đôi khi là sự thiếu lăn xả của diễn viên.
"Đạo diễn và ê-kíp đoàn phim vẫn phải chịu trách nhiệm đến cùng. Nếu họ không dễ dãi bỏ qua, diễn viên không thể làm như vậy", người này nhận định.
Trong khi đó, đạo diễn Đỗ Phú Hải cho rằng tạo hình nhân vật không chỉn chu một phần do thời gian quay gấp rút, chạy nhanh theo tiến độ. Mặt khác, quá trình tiền kỳ, chuẩn bị cho nhân vật chưa chu đáo.
"Phim truyền hình không có thời gian cho diễn viên chuẩn bị như phim điện ảnh. Nếu phim điện ảnh, diễn viên có 2-3 tháng chuẩn bị, để diễn viên thấm nhân vật từ từ, nghiên cứu kỹ lưỡng cho nhân vật. Đến khi bắt đầu quay, họ đã trở thành nhân vật. Phim truyền hình không có bước quan trọng này", nam đạo diễn cho hay.
Đạo diễn Thạch Thảo nhận định việc hóa trang hạn chế của phim Việt do khó khăn về vật liệu.
Vai diễn người nông dân nghèo khổ nhưng Phương Dung vẫn dùng son lì. |
"Có một thực tế là vật liệu hóa trang cho phim ở Việt Nam chưa tự sản xuất được, hầu hết phải nhập khẩu, chi phí rất đắt. Có hai hạng hóa trang trong phim, một là hiệu quả đặc biệt như sẹo, máu, vết thương… hoặc hóa trang thông thường.
Cả hai dạng hóa trang này ở nước ngoài họ đều sử dụng vật liệu dành cho phim riêng, ngay cả phấn nền vì họ tính toán được độ bắt sáng khi dùng đèn. Nhưng ở Việt Nam, dạng hóa trang thông thường cũng chỉ dùng mỹ phẩm. Dù mỹ phẩm đắt tiền cũng không hiệu quả như dùng vật liệu chuyên ngành", nữ đạo diễn nhấn mạnh.
Theo đạo diễn Cây táo nở hoa diễn viên nên ý thức cao hơn về tạo hình nhân vật. Chị chia sẻ: "Sợ xấu khi lên màn ảnh là điều không nên. Tôi nghĩ cái đẹp nằm ở nhân vật. Và điều tuyệt vời nhất của nghề diễn viên là được hóa thân thành một cuộc đời khác".
Vì vậy, Thạch Thảo giữ quan điểm hóa trang phải phù hợp với nhân vật. Theo nữ đạo diễn, hóa trang giúp làm nổi bật tính cách, đặc điểm của nhân vật. Và chính nội tâm, đời sống, sự chân thực, sinh động của nhân vật trên màn ảnh sẽ khiến diễn viên tỏa sáng.