Ngày 8/4, trên báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), doanh nhân Hồ Đức Hoa tuyên bố ông "không có gì để giấu”. "Khi truyền thông hỏi, tất nhiên, tôi sẽ trả lời. Tôi nghĩ điều này rất đơn giản và chẳng có điều gì phải che giấu", ông Hoa nói.
Hồ Đức Hoa, con trai cố lãnh đạo Trung Quốc Hồ Diệu Bang, lên tiếng về vụ rò rỉ Tài liệu Panama. Ảnh: SCMP |
Ông Hoa khẳng định rằng ông mở công ty Fortalent International Holdings ở quần đảo Virgin thuộc Anh vào năm 2003 nhằm giúp công ty Phát triển Công nghệ Tài năng có trụ sở ở Trung Quốc hoạt động tại Hong Kong.
"Tôi đã dùng hộ chiếu dưới tên thật của mình để đứng tên cho công ty ở hải ngoại", ông Hoa nói và nhấn mạnh ông không hiểu tại sao những người khác lại chọn cách im lặng.
Con trai cố lãnh đạo Hồ Diệu Bang giải thích: "Lập các công ty nước ngoài là quyền của công dân Trung Quốc. Chúng ta không cần giữ bí mật về điều đó".
Cho tới nay, doanh nhân Hồ Đức Hoa là người Trung Quốc đầu tiên liên tiếng phản ứng về việc có tên trong Tài liệu Panama.
Trung Quốc không cấm công dân thành lập các công ty ở hải ngoại. Các tài liệu bị rò rỉ cũng chưa thể chứng minh rằng những người có tên trong danh sách vi phạm pháp luật.
Trong một diễn biến khác liên quan tới vụ rò rỉ Tài liệu Panama, Văn phòng chống rửa tiền Thái Lan (AMLO) cho biết đang điều tra 16 cá nhân gồm các chính trị gia đương nhiệm hoặc đã về hưu và doanh nhân nước này vì có dính líu tới hãng luật Mossack Fonseca.
Mossack Fonseca là tâm điểm của vụ rò rỉ dữ liệu khổng lồ chấn động dư luận những ngày qua. Ảnh: Reuters |
Tổng thư ký AMLO Seehanat Prayoonrat cho biết cuộc điều tra tập trung vào khả năng các nhân vật có tên trong Tài liệu Panama dính líu tới hoạt động rửa tiền. “Cho tới nay, chúng tôi Thái Lan chưa tìm thấy bằng chứng về các hành vi sai trái”, ông Prayoonrat thông báo.
Tổng thư ký AMLO cũng cho biết chưa thể công bố danh tính của 16 cá nhân trong danh sách cho tới khi nhà chức trách điều tra rõ ràng.
Ông này từ chối cho biết liệu có thành viên trong chính phủ quân sự Thái Lan có nằm trong danh sách này hay không. Theo ông Prayoonrat, Thái Lan đã yêu cầu Cơ quan chống rửa tiền Panama hợp tác nhằm làm sáng tỏ vụ việc.
“Tài liệu Panama” là khối dữ liệu 11,5 triệu trang của công ty luật Mossack Fonseca. Hồ sơ bị rò rỉ cho thấy hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài của các cá nhân, tổ chức nhiều quốc gia từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12/2015.
Tài liệu chỉ ra, công ty Mossack Fonseca đã lập mạng lưới khổng lồ để hỗ trợ hàng loạt chính trị gia và doanh nhân các nước che giấu tài sản và có thể đã rửa hàng tỷ USD tiền mặt.
Những cái tên nổi bật trong danh sách bị cáo buộc có liên quan đến gia đình và cộng sự của cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, Tổng thống Syria Bashar al-Assad...
Công ty luật Mossack Fonseca đặt trụ sở ở Panama nhưng hoạt động trên toàn thế giới. Website của Mossack Fonseca cho biết công ty có hệ thống 600 nhân viên làm việc tại 42 quốc gia, bao gồm nhiều "thiên đường trốn thuế" như Thụy Sĩ, Cyprus, quần đảo British Virgin…