Bà Vũ Đặng Hải Yến là một trong hai ứng viên được đề xuất bầu bổ sung vào HĐQT FLC nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Đức Anh. |
Sáng 4/3, Công ty CP Tập đoàn FLC (FLC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 sau khi phiên họp bất thường lần 1 ngày 5/2 không thể diễn ra do không đủ số lượng cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.
Theo quy định, trong lần tổ chức họp cổ đông bất thường lần 2, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng điều kiện có trên 33% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự. Đến thời điểm tổ chức, FLC ghi nhận 279 cổ đông, đại diện cho trên 313,1 triệu cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, chiếm tỷ lệ 44% vốn điều lệ FLC.
Theo chương trình, nội dung chính của phiên họp bất thường lần này vẫn là để các cổ đông FLC thông qua việc miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT của ông Đặng Tất Thắng và bà Bùi Hải Huyền. Đồng thời, các cổ đông doanh nghiệp này sẽ bầu ra hai nhân sự mới cho HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026.
Danh sách ứng viên dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT FLC bao gồm bà Vũ Đặng Hải Yến và bà Trần Thị Hương.
Đáng chú ý, bà Hải Yến chính là nhân sự được cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết ủy quyền toàn bộ quyền cổ đông tại FLC, Bamboo Airways và quyền liên quan đến các tài sản thuộc sở hữu của ông từ tháng 3 năm ngoái. Tại thời điểm được ông Quyết ủy quyền, bà Yến là Phó tổng giám đốc FLC, nhưng sau đó đã xin thôi giữ chức vụ này từ tháng 7/2022.
Trong khi đó, bà Trần Thị Hương là người vừa được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc thường trực FLC đầu tuần này. Theo giới thiệu, bà Hương sinh năm 1983, có bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Northumbria (Anh). Bà là nhân sự có nhiều năm công tác trong hệ sinh thái các doanh nghiệp liên quan FLC và từng giữ vai trò Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Kinh doanh phát triển Bất động sản FLCHomes; Giám đốc nhân sự Công ty Phát triển và Đầu tư Đô thị Việt Hưng; Trưởng ban nhân sự Tập đoàn FLC…
Trước khi được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc thường trực FLC bà cũng là Phó tổng giám đốc tại tập đoàn này.
Bên cạnh nội dung về nhân sự, tại phiên họp bất thường sáng nay, HĐQT FLC cũng sẽ trình cổ đông thông qua việc ủy quyền cho tổng giám đốc ký bản kiến nghị cơ quan quản lý cho phép cổ phiếu FLC được đăng ký giao dịch trên UPCoM và thông qua chủ trương tái cơ cấu toàn diện, xử lý các vấn đề tài chính tồn đọng từ năm 2015 đến nay.
Ngoài ra, các cổ đông FLC cũng sẽ thống nhất thông qua việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ, Quy chế nội bộ về quản trị công ty, Quy chế hoạt động của HĐQT.
Liên quan tới cổ phiếu FLC, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có thông báo tiếp nhận đăng ký giao dịch cổ phiếu này từ ngày 24/2. Theo đó, HNX chấp thuận đăng ký giao dịch cho gần 710 triệu cổ phiếu của FLC trên UPCoM. Tuy nhiên, Sở cũng đồng thời ban hành quyết định đình chỉ giao dịch với mã chứng khoán này.
HNX cho biết sau khi bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) hủy niêm yết bắt buộc, FLC vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng nên cổ phiếu FLC đã được HNX chấp thuận đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Tuy nhiên, theo quy định, cổ phiếu đăng ký giao dịch ở UPCoM sẽ bị đình chỉ nếu tổ chức đăng ký giao dịch là công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, hoặc công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc do cơ quan quản lý xét thấy cần thiết phải hủy bỏ niêm yết nhằm đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư.
Trên cơ sở đó, HNX đã ban hành quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu của Tập đoàn FLC và quyết định đưa cổ phiếu này vào diện đình chỉ giao dịch.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.