Có lẽ vì ký ức đầy hoảng sợ và thổn thức ấy mà sau này trong nhiều tác phẩm của tôi hay hiện lên những chiều sương như thế.
Chiều ấy, sương dày đặc như xóa đi mọi con đường trên cánh đồng rộng lớn. Chỉ một thế giới mù trắng vây quanh tôi. Tôi khóc gọi mẹ. Trước mắt tôi chỉ lờ mờ bóng người đi làm đồng như đang trôi trong khoảng không mờ đục. Tất cả trở nên xa lạ và hoang vu. Tôi cứ chạy đi chạy lại trên con đường nhỏ trên cánh đồng mà không biết chạy về hướng nào. Cuối cùng vì sợ quá, tôi không chạy nữa. Tôi đứng trên con đường và bị sương chiều mỗi lúc một bọc kín. Khi nỗi sợ hãi của tôi lên đến đỉnh điểm thì trong sương mẹ tôi hiện ra cùng tiếng gọi da diết của mẹ. Tôi chạy về phía mẹ và ôm chặt mẹ khóc nức nở. Tôi tưởng mẹ tôi đã biến mất vào thế giới mù trắng kia.
Hồi nhỏ, anh em chúng tôi thường đứng chờ mẹ đi làm về vào những buổi chiều. Có những buổi chiều sương mù bao bọc cả ngôi làng. Chúng tôi đứng đợi mẹ như một lũ gà con cuối chiều đợi mẹ dẫn về chuồng. Chúng tôi mở căng mắt nhìn về phía đường làng đã chìm khuất trong sương mù và bóng hoàng hôn. Và những chiều như thế từ sương mù như một thế giới vô tận, mẹ lại từ từ hiện ra. Chúng tôi cùng nhau hét lên “mẹ về kìa”. Hồi đó là nhớ mẹ. Sau này lớn lên nhớ về những chiều sương mù như thế đợi mẹ, tôi thấy như một phép màu kỳ vĩ. Sương khói vẫn chỉ là sương khói. Nhưng trong sương khói ấy mẹ hiện ra.
Trong những năm tháng ấu thơ của tôi cũng là những năm tháng cuộc sống nhiều đói rét. Và mỗi buổi chiều khi mẹ đi làm về, vào bếp nhóm lửa nấu bữa tối. Khi ánh lửa hắt ấm căn bếp và khói bay qua những ô cửa bếp và dưới mái hiên thì mọi đói rét trong tôi tan biến. Sau này, có lúc tôi rùng mình nghĩ nếu vào những buổi chiều ấu thơ ấy, ngọn lửa bếp không được nhóm lên, khói bếp lam chiều không lan tỏa thì cuộc sống chúng tôi sẽ khủng khiếp như thế nào.
Bây giờ tôi vẫn thi thoảng về làng. Nhưng hình như sương mù không còn như xưa và khói bếp cũng vơi đi quá nhiều. Những buổi chiều làng quê nhất là những chiều mùa đông, nếu về làng không còn thấy khói lam chiều từ những căn bếp bay ra thì lòng ta như trống vắng, lạnh lẽo và như mất đi một điều gì đó da diết và thương nhớ khôn cùng. Bởi trong ký ức của hầu hết người Việt Nam, trong làn khói kia là bà, là mẹ, là ngôi nhà thân thương. Chỉ cần đợi một chút thôi là từ khói bếp bà ta, mẹ ta hiện ra như một vẻ đẹp và sự ấm áp không gì sánh được. Có những ngày đi công tác ở miền núi, vào buổi chiều tôi thường thấy khói lan tỏa từ những ngôi nhà sàn dưới chân núi. Những lúc như thế, tôi không muốn rời đi, tôi muốn đứng nhìn những ngọn khói kia cho tới lúc những làn khói chìm vào bóng tối. Những lúc như thế, tôi thấy một niềm thiêng liêng dâng lên trong lòng mình và làm cho mình muốn sống mãi trên thế gian này chỉ để không phải rời xa những ngọn khói mong manh và mơ hồ như thế. Hạnh phúc thật đơn sơ mà lộng lẫy khôn cùng.
Hồi nhỏ, có những mùa đông rét vô cùng mà lũ trẻ thôn quê nhiều lắm chỉ có hai manh áo mỏng khoác lên người. Vì thế, có lần đi qua một đám khói, lũ trẻ chúng tôi đứng lại để khói quấn quanh người. Không hiểu vì sao, trong khói chúng tôi thấy ấm lạ lùng. Có lẽ vì do cảm giác, vì ký ức về những ngọn khói. Cảm giác như mình đang đứng tựa vào lòng bà, lòng mẹ. Tôi nhớ mãi câu thơ của nhà thơ Hoàng Hữu khi ông viết về những người lính hành quân qua một xóm đồi trung du. Họ nhìn thấy những ngọn khói từ những ngôi nhà ven chân đồi bay lên và họ thấy mẹ: “Khói lên kìa, mẹ tôi’’.
Bây giờ tôi đã là một ông già, mẹ tôi đã vắng bóng trên thế gian này. Thi thoảng về quê, thấy từ một ngôi nhà bay ra làn khói bếp, lòng tôi như muốn khóc bởi những ký ức xa xưa trong khói hiện ra. Và trong những hoàng hôn thành phố, thi thoảng tôi đi ra ngoại ô để nhìn cánh đồng đang chìm vào bóng tối và xa xa là một ngôi làng với một mong muốn từ đâu đó mẹ tôi hiện ra từ những ngọn khói làm chiều, từ cánh đồng mù sương như hơn nửa thế kỷ trước. Và hình ảnh mẹ bước ra từ một thế giới mù sương mãi mãi là hình ảnh kỳ vĩ nhất cuộc đời tôi.