Một cuộc biểu tình của phong trào Me Too tại London (Anh), tháng 4/2021. Ảnh: Anadolu Agency. |
Trước đó, người này cáo buộc mình bị một nam quản lý yêu cầu đứng lên, quay người lại để đối phương thực hiện hành vi trên.
“Tôi xin lỗi, tôi phải làm như vậy”, đối phương nói rồi cười. Khi đó, một nam quản lý khác cũng có mặt. Cả hai đều coi đây là trò đùa. Họ thậm chí còn kể với các đồng nghiệp khác.
Người phụ nữ cho biết cô ban đầu cảm thấy “quá nhục nhã và xấu hổ” đến mức không dám kể cho bạn trai hay mẹ mình. Tuy nhiên, khi đã có đủ dũng khí kể lại sự việc, cô được khuyên nên phản ánh tới phòng nhân sự và quản lý cấp cao.
Công ty của nhân viên này đề nghị cô tới quán cà phê để giải quyết vụ việc với thủ phạm và quản lý cấp cao, nhưng cô từ chối vì nghĩ rằng đề nghị này “không phù hợp”.
Sau đó, cô chính thức nộp đơn khiếu nại lên công ty. Cuộc điều tra kéo dài 5 tuần với kết quả nhìn chung ủng hộ cô, nhưng vẫn có “những bình luận không chính xác và gièm pha”.
Sau đó, nữ nhân viên tiếp tục khiếu nại và quyết định nghỉ việc.
Trả lời đơn khiếu nại, chủ sử dụng lao động của nhân viên này nói rằng cô đã ăn mặc và hành xử “khiêu gợi”, trong khi người phụ nữ “kịch liệt bác bỏ”.
“Người phụ nữ trẻ cảm thấy rằng cô không còn lựa chọn nào khác ngoài nghỉ việc”, bà Geraldine McGahey, người đứng đầu Ủy ban Bình đẳng Bắc Ireland, nói về vụ việc. “Cô ấy thấy mình không được chủ sử dụng lao động coi như nạn nhân quấy rối tình dục. Thay vào đó, họ coi cô ấy như người gây rắc rối”.
Ngoài trả tiền bồi thường, đơn vị sử dụng lao động cũng phải cam kết làm việc với Ủy ban Bình đẳng Bắc Ireland để phổ biến chính sách chống quấy rối tình dục cho các nhân viên, Guardian cho biết.