Trong khuôn khổ tọa đàm “Logic kinh tế và chính trị trong trường văn học Việt Nam thời thuộc địa” diễn ra sáng 13/8 tại Viện Văn học (Hà Nội), TS Đoàn Ánh Dương trình bày tham luận “Logic kinh tế trong việc hình thành sự tự chủ của nhóm văn học qua trường hợp NXB Đời nay (1932-1939)".
Tham luận là một phần nghiên cứu của TS Đoàn Ánh Dương có trong sách Phong hóa thời hiện đại mới xuất bản. Cuốn sách nghiên cứu về nhóm Tự lực văn đoàn trong tình thế thuộc địa ở Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Tự lực văn đoàn là nhóm nhà văn tạo nên trường phái văn học, một phong trào cách tân văn học Việt Nam hiện đại. Khởi đầu của Tự lực văn đoàn là nhóm văn bút do Nguyễn Tường Tam khởi xướng năm 1932, đến năm 1934 chính thức trình diện. Nhóm gồm các nhà văn nổi tiếng như Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Thạch Lam, Tú Mỡ.
Tranh minh họa Hồn bướm mơ tiên trên bìa sách của Trí Việt Books và NXB Hội Nhà văn (2018). |
Tự lực văn đoàn thành lập nhà xuất bản riêng
Tháng 6/1934, nhóm Tự lực văn đoàn thành lập NXB Đời nay. Trong các bài xã thuyết của Nhị Linh như Viết sách, xuất bản sách (báo Phong hóa số 101 ra ngày 8/6/1934), Xuất bản sách (Phong hóa số 103 ra ngày 22/6/1934) đã nêu thực trạng xuất bản sách thời ấy.
“Khi ta nghĩ tới sự bán đắt, bán rẻ một tác phẩm văn chương cho một nhà in, một hiệu sách, ta không khỏi đau lòng”, trích bài trên Phong hóa số 103.
Bài viết công kích thực trạng xuất bản, quan hệ giữa nhà xuất bản với tác giả, vấn đề tác quyền, và kêu gọi những người có lòng với văn chương thành lập nhà xuất bản, thiết lập lề lối xuất bản khác, trọng thị và nhân văn hơn.
Nội dung các bài viết kết án: “Hạng buôn người cũng không ác bằng hạng buôn chữ”, “khắp trong nước không có lấy một nhà xuất bản, xuất bản sách theo như bên các nước văn minh, nghĩa là để tác giả hưởng chung lãi mà vẫn được giữ bản quyền về cuốn sách đã soạn”.
Tác giả Nhị Linh lên tiếng chung cho cả nhóm Tự lực văn đoàn: “Chúng tôi ao ước sẽ có rất nhiều nhà trí thức - vì có trí thức mới làm nổi - ra cáng đáng việc xuất bản sách, theo như cách xuất bản ở bên Âu Mỹ thì may ra mới triệt hết được hạng lợi dụng, bóc lột các nhà viết văn. Mà sự bóc lột ấy nào có phải là một việc nhỏ nhen chỉ liên can đến mình họ? Nó còn liên can cả đến văn nghệ nước ta nữa kia. Vì các nhà văn thấy người ta trả rẻ, sẽ viết quấy, viết quá, miễn là chóng có sách bán và có nhiều sách để bán là tốt rồi”.
Bởi vậy, Nhị Linh quan niệm xuất bản sách là làm một việc có tính cách văn chương. Người làm xuất bản phải “có trí thức, có học vấn, lịch duyệt”.
Bài viết Xuất bản sách trên Phong hóa số 103 nêu trách nhiệm của trí thức khi làm xuất bản: “Phải có học vấn để lựa chọn sách hay. Phải biết khoa mỹ thuật để làm tôn giá trị cho văn chương bởi hình thức quyển sách. Phải có tài quảng cáo để độc giả lưu ý tới sách của mình. Sau hết phải thành thực, không những đối với người đọc, mà lại đối với mình nữa: Thành thực muốn làm giàu văn sản cho nước nhà”.
Trong bối cảnh và quan điểm ấy, NXB Đời nay của nhóm Tự lực văn đoàn ra đời. Tên NXB Đời nay xuất hiện trên Phong hóa số 103, quảng cáo NXB “đã bắt đầu in” nhưng tác phẩm như: Giòng nước ngược (Tú Mỡ), Đẹp (Cát Tường, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Trần Quang Trân), Gánh hàng hoa (Khái Hưng và Nhất Linh).
Sách Phong hóa thời hiện đại với những nghiên cứu về Tự lực văn đoàn. Ảnh: Tao Đàn. |
Cuộc cách mạng trong xuất bản
Năm 1935, NXB Đời nay đạt được những thành công nhất định. Các sách in ra đều bán hết như: Hồn bướm mơ tiên (Khái Hưng), Anh phải sống (Khái Hưng), Nửa chừng xuân (Khái Hưng), Giòng nước ngược (Tú Mỡ), Gánh hàng hoa (Khái Hưng, Nhất Linh), Tiếng suối reo (Khái Hưng), Mấy vần thơ (Thế Lữ), Cạm bẫy người (Vũ Trọng Phụng), Đẹp (Cát Tường, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Trần Quang Trân).
Năm 1936, NXB Đời nay thực hiện một việc được coi là cuộc cách mạng trong xuất bản. Ngày 10/11/1936, báo Phong hóa công bố ý tưởng về việc xuất bản sách "Lá mạ". NXB Đời nay chủ trương in “sách giá trị và bán giá rẻ”.
“Muốn cho sách được phổ thông, những người ít tiền cũng có thể gây được tủ sách gia đình, nên chúng tôi định in một loại sách thật rẻ, cuốn nào cũng bán theo một giá. Sách vẫn in rất mỹ thuật nhưng vì tác giả không lấy tiền bản quyền, nên mới có thể bán rẻ hơn khi in lần thứ nhất”, thông báo của NXB Đời nay về sách "Lá mạ" trên báo Phong hóa.
Ví dụ sách "Lá mạ" của NXB Đời nay in lại Gánh hàng hoa với khổ to, chia làm 2 cột, 80 trang, không minh họa nhằm tiết kiệm chi phí, bán với giá 0,25 đồng. Trong khi trước đó, Gánh hàng hoa in lần đầu năm 1934 khổ nhỏ với 230 trang, có minh họa, bán với giá 0,60 đồng.
Tất cả sách "Lá mạ", dù tác phẩm nào, của ai, dung lượng bao nhiêu trang cũng đều bán đồng giá 0,25 đồng một cuốn. Giá 0,25 đồng một cuốn sách chỉ bằng giá 1 tờ tạp chí văn học cùng thời (ví dụ như tạp chí Phổ thông bán nguyệt san).
Ý tưởng sách "Lá mạ" của NXB Đời nay. |
Loại sách này, sau đó, đạt thành công rực rỡ. Ngày 28/2/1936, thông báo bán sách Đoạn tuyệt, phiên bản "Lá mạ" xuất hiện.
Trong 3 ngày, 5.000 bản Đoạn tuyệt được bán hết. Đến ngày 6/3/1936, 6.000 bản Đoạn tuyệt được bán.
2.000 bản Nửa chừng xuân cũng được bán hết trong 5 ngày; Gánh hàng hoa bán hết 1 nghìn bản trong 2 ngày.
Đặc biệt, từ ngày 13/4/1936 đến 8/5/1936, chưa đầy một tháng, 10.000 bản Nửa chừng xuân đã được bán hết; Gánh hàng hoa bán gần hết 8 nghìn bản.
NXB Đời nay in 2 loại sách: Sách khổ nhỏ (cho các ấn bản đầu) và sách "Lá mạ" khổ to (cho các lần in sau, hướng tới độc giả phổ thông).
Bên cạnh đó, NXB Đời nay còn thực hiện các loại sách “Nắng mới” - in sách cấp tiến, nhưng dự định không thành - và sách “Hồng” - dành cho trẻ em, nội dung có ích, bán giá rẻ (đồng giá 1 hào/cuốn). Sách "Hồng" cũng đem lại thành công cho NXB Đời nay.
Nhận xét về vai trò của NXB Đời nay, TS Đoàn Ánh Dương nói: “Khi sự nghiệp báo chí của Tự lực văn đoàn bị buộc phải chấm dứt, NXB Đời nay vẫn còn duy trì hoạt động, thậm chí có những thời điểm phát triển rất rầm rộ, in thêm được nhiều cuốn sách của các thành viên trong văn đoàn, cũng như một số sách của tác giả ngoài”.
Nhà nghiên cứu Phạm Thế Ngũ cũng đánh giá rất cao đóng góp của NXB Đời nay cho sự nghiệp của Tự lực văn đoàn và quá trình hiện đại hóa.
Ông viết trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên: “Lần đầu tiên trong nước ta có một nhà xuất bản theo đuổi một mục đích văn học, làm việc dưới một tôn chỉ văn học. Ở đây, ta có thể nói nhà Đời nay đã mở một kỷ nguyên mới cho cuốn sách trong lịch sử văn học Việt Nam, đồng thời giúp văn đoàn họ truyền bá rộng rãi những tác phẩm cùng tư tưởng quan niệm của văn đoàn”.