Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà xuất bản của Huy Cận, Xuân Diệu lỗ vốn vì tin đồng nghiệp

Huy Cận và Xuân Diệu làm thơ, viết báo song hành cùng đời công chức. Ngoài ra, họ còn lập NXB Huy Xuân để xuất bản sách. Thế nhưng, Huy Xuân lỗ vốn vì đưa bản thảo cho đồng nghiệp.

Trước năm 1945, xuất bản ở nước ta dẫu nằm trong sự quản chế của chế độ thực dân Pháp, cũng có những phát triển vượt bậc. Trong đó, xuất bản tư nhân khá phát triển.

Nhiều nhà xuất bản tư nhân hoạt động rất chuyên nghiệp, được thành lập góp phần in ấn, phát hành tác phẩm có giá trị đến độc giả như Mai Lĩnh, Tân dân, Đời nay…

Ngoài ra, khá thú vị là một số văn nghệ sĩ dạo ấy hoặc lập nhà xuất bản để chủ động trong in ấn, hoặc tự đầu tư kinh phí để tác phẩm của mình đến với bạn đọc.

Tuy nhiên, qua hồi ký của đồng nghiệp hoặc bản thân họ để lại, ta thấy rằng nhà văn, nhà thơ có thể khai sinh những đứa con tinh thần đem lại tên tuổi của mình trên văn đàn, nhưng khi dấn thân vào lĩnh vực xuất bản với những thực tế của tiền bạc đầu tư, nghệ thuật kinh doanh…, họ như gà mắc tóc.

Và dĩ nhiên là nhiều người đã phải dừng bước giữa đường mà đứt duyên với lĩnh vực xuất bản để chuyên chú chăm bẵm cho tài văn thơ mà họ sở trường. Có thể dẫn trường hợp của Huy Cận và Xuân Diệu với Nhà xuất bản Huy Xuân.

Nhà xuất bản Huy Xuân ra đời

Tên Nhà xuất bản Huy Xuân được ghép từ hai chữ đầu của Huy Cận và Xuân Diệu, cặp Bá Nha - Tử Kỳ trong giới thi sĩ nước Việt trước 1945. Việc thành lập và hoạt động của nhà xuất bản này được chính người trong cuộc kể lại trong Hồi ký song đôi.

Biết nhau lần đầu năm 1936 ở trường “tú tài” Khải Định đất Huế, chẳng bao lâu sau, hai tâm hồn thơ đồng điệu đã trở nên “đồng thanh tương ứng”.

Đến năm 1937, Xuân Diệu ra Hà Nội học trường Luật. Hè năm 1938, Huy Cận ra sống cùng Xuân Diệu nơi chân đê Yên Phụ.

Sau này, khi cùng ở căn gác nhà số 40 phố Hàng Than, Huy Cận cho hay: “Chúng tôi dành dụm tiền học bổng và tiền lương dạy học để cho tái bản tập Thơ Thơ và cho in dòng chữ 'Huy - Xuân xuất bản' lên sách”. Ấy là năm 1939.

Giản đơn thế thôi, đơn vị xuất bản Huy Xuân đã chào hàng làng xuất bản với tập thơ của Xuân Diệu từng được NXB Đời nay của Tự lực văn đoàn in năm 1938.

Nha xuat ban Huy Xuan cua Huy Can,  Xuan Dieu lo von vi tin dong nghiep anh 1

Hai ông chủ Nhà xuất bản Huy Xuân: Huy Cận và Xuân Diệu. Ảnh tư liệu.

Tình hình NXB Huy Xuân không được hai ông chủ cho biết nhiều. Chỉ biết rằng đơn vị xuất bản này, như là tô son điểm phấn mà thôi, chứ chẳng phải là nơi sinh lợi cho hai anh nhà thơ dạo ấy.

Bởi Xuân Diệu vì mưu sinh mà phải vào Mỹ Tho làm tham tá thương chánh đầu năm 1940, còn Huy Cận đang học cao đẳng.

Đến năm 1942, khi Huy Cận đậu kỹ sư canh nông rồi đi làm, hai người mới có dịp tái hợp, sống nơi gác phố Hàng Bông, tiếp tục làm thơ và điều khiển Nhà xuất bản Huy Xuân. Nói về hoạt động của nhà xuất bản, Huy Cận còn nhớ một kỷ niệm “hậm hực” vì tin người mà lỗ vốn.

Mất trắng 10 tạ gạo vì "Mái tây"

Cuối năm 1939, nơi gác 40 Hàng Than, một hôm có người gõ cửa diện kiến hai ông chủ Huy Xuân. Người ấy là Nhượng Tống, vốn đã có tên tuổi qua các bài viết trên báo chí, khá thâm nho và dịch thơ Đường, nhất là thơ Đỗ Phủ rất hay. Cả ba nói chuyện văn chương.

“Anh nghe nói chúng tôi có nhà xuất bản Huy Xuân, nên muốn xuất bản bản dịch Tây sương ký mà anh mang theo hôm đó. Ngồi nói chuyện một lúc, anh đọc vài đoạn bản dịch Mái tây, chúng tôi thấy quả thật là bản dịch hay”.

Điều kiện của Nhượng Tống chỉ cần một số tiền để tiêu và sau đó 90 đồng bạc Đông Dương được hai ông chủ gửi cho tác giả để mua bản thảo in thành sách. Dạo đó, 90 đồng bạc Đông Dương tương đương 10 tạ gạo.

Nha xuat ban Huy Xuan cua Huy Can,  Xuan Dieu lo von vi tin dong nghiep anh 2

Mái Tây (Tây sương ký) do Nhượng Tống dịch, Tân Việt in lần thứ ba. Ảnh: L.Điền.

Đầu năm 1940, khi Tây sương ký chưa được NXB Huy Xuân in vì Xuân Diệu đã vào Mỹ Tho, Lê Văn Vang, chủ NXB Tân Việt, đến gặp Huy Cận, mượn bản thảo Tây sương ký. Lý do là bên Tân Việt có bản dịch tương tự, mượn để tra cứu.

Vốn quen biết nên chẳng nghĩ ngợi nhiều, Huy Cận đưa bản thảo ấy cho Vang và “mấy tháng sau thấy Tân Việt cho phát hành bản Mái tây do Nhượng Tống dịch, đúng như bản mà Nhượng Tống đã bán cho chúng tôi. Nhà xuất bản Huy Xuân mất không 90 đồng bạc Đông Dương. An ủi là một bản dịch hay được ra đời”.

Xuất bản kiểu tài tử và tin người như thế, NXB Huy Xuân làm sao cạnh tranh cho được với các nhà xuất bản khác dạo ấy.

Xuất bản luôn có không gian để cải cách và đổi mới

Xuất bản Việt Nam cần thay đổi tư duy, mở rộng hợp tác, đặc biệt là phát triển nội dung số để phát triển hơn nữa.

Trần Đình Ba

Bạn có thể quan tâm