Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nếu bỏ qua Nhật, Việt Nam xuất bản 'Doraemon' nhiều nhất thế giới

Năm 2006, số bản in của "Doraemon" tại Việt Nam đã lên tới 40 triệu, tức trung bình mỗi gia đình có ít nhất một cuốn trong nhà.

Mấy năm trước, tôi tham dự hội sách bản quyền Việt Nam - Nhật Bản ở Thư viện Quốc gia (Tràng Thi, Hà Nội). Trong buổi gặp gỡ giao lưu đấy, trao đổi với đại diện của nhà xuất bản (NXB) Shogakukan và thực hiện bài phỏng vấn dài về các đầu truyện của Shogakukan ở Việt Nam.

Đại diện Shogakukan (nơi giữ bản quyền nhiều bộ truyện tranh Nhật) chia sẻ nhiều thông tin đa dạng, tuy nhiên có một chi tiết gây ấn tượng. Đại diện Shogakukan nói: Nếu bỏ qua thị trường Nhật Bản, số lượng xuất bản của đầu sách Doraemon tại Việt Nam là nhiều nhất thế giới.

Có lẽ, không cần nói thêm gì nhiều về Doraemon - tác phẩm truyện tranh nổi tiếng nhất Việt Nam. Với số lượng bản in tổng cộng lên tới 40 triệu bản (số liệu từ năm 2006), ta có thể mạnh dạn khẳng định, trung bình mỗi gia đình người Việt có ít nhất một cuốn Doraemon trong nhà.

Sự phổ biến của Doraemon cũng khiến tác phẩm này là sản phẩm truyện tranh được nhiều nhãn hàng trong nước mua bản quyền bao bì nhất. Đi ra cửa hàng tạp hóa, siêu thị bạn có thể dễ dàng mua được loạt món đồ đính kèm thương hiệu của chú mèo máy này.

Trong một mẩu truyện, nhân vật Nobita phát cuồng với việc sưu tập hộp bút, cốc, mô hình của một nhân vật nổi tiếng. Ngoài đời, độc giả cũng phát cuồng với các nhân vật trong truyện không khác gì Nobita.

Một cậu bé học sinh cấp 1 ở Việt Nam, có thể đeo trên vai balo Doraemon của Thiên Long, viết bằng bút bi Doraemon, trên tập vở Doraemon của Campus, ăn sáng bằng mì ăn liền Doraemon của Acecook và ngủ bằng chăn đệm in hình Doraemon của Hồng Hà.

Thanh cong Doraemon tai Viet Nam anh 1

Hàng trăm món đồ bản quyền Doraemon tại công ty sở hữu bản quyền ở Việt Nam.

Và sở dĩ cậu bé đó có thể được thoải mái mua sắm các món đồ đó, bởi vị cha mẹ của cậu ta, gần 30 năm trước cũng đã từng nghiện Doraemon đến quên ăn quên ngủ. Không có bộ manga nào có thể sánh ngang Doraemon trong việc ảnh hưởng tới đời sống của nhiều thế hệ người Việt như vậy.

Tại Việt Nam, toàn bộ bản quyền hình ảnh Doraemon được phân phối bởi một công ty sở hữu bản quyền có trụ sở tại TP.HCM. Đặt chân đến đây, các bạn có thể choáng ngợp bởi hàng trăm, hàng nghìn mẫu sản phẩm bản quyền của các thương hiệu truyện tranh lớn trên thế giới.

Đại diện bản quyền này cho biết đối tác bản quyền tại Nhật Bản vô cùng chặt chẽ trong việc bảo vệ quyền hình ảnh của Doraemon. Có những quy luật trong thiết kế hình ảnh sản phẩm ăn theo của Doraemon mà độc giả ít nhận ra, nhưng người thực hiện bắt buộc phải tuân thủ.

Ví dụ, bạn sẽ không bao giờ bắt gặp hình ảnh Jaian đi chơi với Shizuka trong một bức hình độc lập, hoặc Suneo đi riêng với Nobita trong một bức hình độc lập. Hoặc trong những bức hình xuất hiện tất cả nhân vật, tỷ lệ kích thước của Doraemon với các nhân vật khác cũng có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt.

Không hề nổi tiếng tại phương Tây

Là một biểu tượng văn hóa tại Nhật Bản, Việt Nam, và cũng rất thành công tại Châu Á (Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc), nhưng thật ngạc nhiên, Doraemon không hề nổi tiếng tại phương Tây bằng những bộ manga khác như Dragon Ball, One Piece hay Yu-Gi-Oh!.

Mặc dù đã được xuất bản từ rất lâu, nhưng mãi đến cuối 2013, bản dịch Doraemon đầu tiên bằng tiếng Anh mới được ra mắt. Và điểm đặc biệt, bản tiếng Anh không hề được xuất bản giấy, mà là phiên bản điện tử trên nền tảng Kindle của Amazon.

Thanh cong Doraemon tai Viet Nam anh 2

Đến năm 2013, Doraemon mới có bản tiếng Anh, và không xuất bản sách giấy.

Trong khi hầu hết manga khác của Nhật được chuyển thể thành các trò chơi video game và đưa ra toàn cầu, thu lợi nhuận khổng lồ, thì toàn bộ các trò chơi video game với chủ đề Doraemon đều duy nhất chỉ có ngôn ngữ Nhật.

Thị trường lớn nhất thế giới, Mỹ, không phải là mục tiêu nhắm đến của các nhà phát hành game Nhật. Điều này trái ngược hẳn với Dragon Ball, khi có hàng trăm đầu game tiếng Anh được phát hành và thu được thành công lớn.

Ông Ryutaro Mihara, người từng là quản lý văn hóa ở Nhật và nghiên cứu văn hóa Nhật ở Mỹ, giải thích về sự không nổi tiếng của bộ truyện tại phương Tây: “Người Mỹ không thích việc Nobita quá bị động, luôn phụ thuộc vào Doraemon.

Tuy nhiên, có một lời giải thích được đông đảo người nghiên cứu truyện tranh trên thế giới cảm thấy hợp lý. Truyện tranh ở Mỹ và một số nước phương Tây (Anh, Pháp) là một hình thức giải trí dành cho tất cả lứa tuổi, độc giả chủ đạo là thanh, thiếu niên (teenager) trở lên.

Doraemon là một sản phẩm với dàn nhân vật, tạo hình mang hơi hướm “kid”, có độ tuổi nhỏ, do vậy khó được các fan truyện tranh độ tuổi lớn hơn ở các nước khác đón nhận. Điều này cũng giải thích lý do khi nhắc đến “truyện tranh” ở Việt Nam, 90% người Việt sẽ nghĩ đến “truyện cho trẻ con”. Bởi lẽ, bộ truyện tranh đầu tiên xâm nhập vào thị trường Việt là Doraemon, một tác phẩm dành cho độ tuổi còn nhỏ.

Hoa mất trí của Doraemon bị dùng để bắt cóc phụ nữ ngoài đời thực Hoa lãng quên trông như một bông hoa hồng bình thường, nhưng khi hít phải mùi hương, nạn nhân sẽ gần như mất trí nhớ tạm thời. Ngoài đời thực, cũng có một loài hoa tương tự.

'Yu-Gi-Oh!' - bộ manga hơn 10 tỷ USD từ 'vua trò chơi' bài Magic

Bản in sách giấy quá khiêm tốn so với "One Piece", song những thẻ bài Magic đã mang về doanh thu lớn cho "Yu-Gi-Oh!".

Nam Phong

Bạn có thể quan tâm