Một thực trạng đáng báo động hiện nay, đó là trẻ nhỏ ngày càng có xu hướng sống phụ thuộc vào các thiết bị điện tử như tivi, máy tính, smartphone, iPad... đáng nói tới khi độ tuổi của chúng ngày càng bị trẻ hóa. Việc bạn bắt gặp một đứa trẻ khoảng hơn một tuổi được sử dụng smartphone hay iPad để giải trí là điều dễ thấy. Nguyên nhân của thực trạng đó phần nhiều thuộc về người lớn, một bộ phận không ít các bố mẹ quá chú tâm đến công việc, hoặc muốn được rảnh rỗi liền đưa ngay cho trẻ những thiết bị công nghệ để chúng chơi ngoan hơn khi ngồi xem phim, chơi game…
Những hành động đó của bố mẹ đã vô tình đẩy chúng trở thành những đứa trẻ sống phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ. Đừng vì muốn bản thân được nhàn hạ một vài phút, đừng vì muốn trẻ chơi ngoan và không quấy khóc mà bố mẹ tìm tới cách đưa smartphone, iPad, máy tính để chúng giữ yên lặng. Chính những việc làm này của bố mẹ đã vô tình hại chúng, rất nhiều hệ lụy có thể xảy ra mà bố mẹ không thể ngờ tới.
Sẽ ra sao, nếu một đứa trẻ nghiện các thiết bị điện tử tới mức quên cả ăn, quên cả ngủ gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Hàng ngày, hàng giờ chúng chỉ chăm chăm vào cái điện thoại, máy tính của bố mẹ, cứ sảnh ra là chúng tự ý cầm điện thoại của bạn để dùng. Rồi chúng chỉ ăn ngoan khi được xem tivi, hoặc ngồi vào bàn học khi được chơi xong một trò game nào đó.
Để tránh được thực trạng trẻ quá phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ, thiết nghĩ mỗi người lớn chúng ta cần chung tay để tìm ra những biện pháp nhằm giúp trẻ. Cùng với việc cho trẻ tham gia các hoạt động xã hội, thì đọc sách chính là một cách đem lại nhiều hiệu quả nhất. Khi đọc sách trẻ có thể học được kiến thức, được giải trí và khơi gợi khả năng sáng tạo tiềm ẩn của trẻ.
Tuy nhiên, để trẻ từ bỏ các thiết bị điện tử bằng việc đọc sách là điều không dễ dàng. Chắc chắn, có rất nhiều bố mẹ sẽ thắc mắc không biết chọn sách gì để đọc cùng trẻ hoặc nếu trẻ không thích đọc sách thì sao?
Vì vậy, nếu bố mẹ thực sự muốn giúp trẻ thoát khỏi tình trạng này thì chính chúng ta phải là người tránh xa các thiết bị điện tử, và phải làm gương cho trẻ. Nói không với các thiết bị điện tử khi bố mẹ ở cạnh trẻ, cùng trẻ đọc sách để hình thành thói quen yêu thích sách cho chúng.
Đồng hành cùng với bố mẹ trong việc giúp trẻ yêu thích đọc sách, để tránh xa các thiết bị điện tử và hệ lụy của công nghệ 4.0 là cuốn sách “Nuôi dạy một đứa trẻ thích đọc sách” của tác giả Doãn Kiến Lợi - một chuyên gia giáo dục người Trung Quốc, cô từng có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu giáo dục gia đình. Tại Việt Nam, cô được biết đến với cuốn sách nổi tiếng “Người mẹ tốt hơn người thầy tốt”.
Cuốn sách Nuôi dạy một đứa trẻ thích đọc sách - Doãn Kiến Lợi. Ảnh: PingBooks. |
Cuốn sách là những trải nghiệm, những quan điểm giáo dục, những suy tư trăn trở của Doãn Kiến Lợi về văn hóa đọc và việc đọc có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ như thế nào. Cuốn sách đặc biệt nói về bí quyết làm thế nào để giúp con yêu thích việc đọc sách, mà bố mẹ không phải ép buộc hay nhắc nhở. Đây là cuốn sách công cụ dành cho những ông bố, bà mẹ đang băn khoăn làm thế nào đưa trẻ đến với những trang sách, hình thành thói quen thích đọc sách.
Bên cạnh đó, tác giả còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đọc sách đối với trẻ nhỏ, việc con người sáng tạo ra chữ viết là một trong những phát minh vĩ đại nhất của loài người. Tất cả trí tuệ và tri thức của nhân loại trải qua nghìn năm đều được ghi chép lại dưới hình thức chữ viết, tạo thành một đại dương tri thức mênh mông vô cùng. Đọc sách chính là một cách để chúng khám phá, tiếp nhận và phát triển tri thức vô hạn của nhân loại.
“Nuôi dạy một đứa trẻ thích đọc sách” không chỉ trực tiếp trình bày những vấn đề có liên quan tới đọc, học chữ, viết lách mà còn mở rộng đến những tri thức và chủ đề có liên quan tới văn hóa đọc. Hầu như tất cả những thắc mắc và những điều cần chú ý có liên quan tới việc đọc ở trẻ nhỏ, các bố mẹ đều có thể tìm được phương pháp và đáp án trong cuốn sách này.