Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Xuất bản luôn có không gian để cải cách và đổi mới

Xuất bản Việt Nam cần thay đổi tư duy, mở rộng hợp tác, đặc biệt là phát triển nội dung số để phát triển hơn nữa.

15 năm hoạt động trong ngành xuất bản, ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch HĐQT Alpha Books - đang tạo ra nhiều đổi mới cho đơn vị của mình. Bằng những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, quan sát ngành sách, ông cho rằng xuất bản Việt Nam cần thay đổi tư duy, mở rộng hợp tác, đặc biệt là phát triển nội dung số để phát triển hơn nữa.

- Có thông tin cho rằng Alpha Books đang xây dựng theo mô hình tập đoàn công nghệ xuất bản. Ông có thể chia sẻ thêm về thông tin này?

- Dùng từ tập đoàn thì có vẻ hơi to tát, có thể gọi Alpha là một nhóm các công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất bản và nội dung. Chúng tôi đang có nhiều sự dịch chuyển và đổi mới từ trong nội bộ.

Đầu tiên phải kể tới Alpha Books. Thời gian tới, thương hiệu này của chúng tôi sẽ đẩy mạnh dòng sách về quản trị kinh doanh, khởi nghiệp và kỹ năng cho người lao động. Trong vòng vài năm tới, mảng sách này sẽ có bước chuyển đổi mạnh theo hướng phát triển nội dung số.

Các doanh nghiệp của chúng ta đang cần tri thức nhưng không chỉ là sách. Chúng tôi muốn mang tới cho người đọc các văn bản và định dạng cung cấp tri thức khác, như các mẫu thuyết trình, các mẫu kế hoạch kinh doanh, hợp đồng hoặc báo cáo, bài nghiên cứu…

Omega Plus là công ty chuyên làm các dòng sách dành cho giới tinh hoa. Các đầu sách của Omega Plus có kiến thức mang tính tinh tuyển với nhiều chủ đề như: Lịch sử, triết học, hội họa, âm nhạc...

Một công ty khác nữa là Sống, công ty này hỗ trợ cho các tác giả của Việt Nam, để mang đến cho người Việt những tri thức của chính người Việt. Trước đây chúng ta nhập khẩu tri thức từ nước ngoài, nhưng người Việt cần những tri thức của chính người Việt viết ra.

Công ty Xuất bản và Dữ liệu ETS là đơn vị mới thành lập, chúng tôi muốn phát triển dòng sách khoa học, y học, công nghệ và giáo dục. Nhiều năm qua, người Việt đã lơ là các vấn đề liên quan đến sức khỏe. Sách y học là một thị trường mới, nhiều tiềm năng ở Việt Nam mà chúng tôi muốn khai thác.

Cai cach xuat ban anh 1

- Các thông tin y khoa, sách giáo dục và khoa học công nghệ ngày nay không phải khó tìm trên thị trường, đặc biệt là môi trường Internet. Vậy dòng sách của ông có gì đặc biệt?

- Tôi thành lập Công ty xuất bản và dữ liệu ETS (Education, Technology, Science) để cho ra đời sách giáo dục, khoa học, công nghệ và y học. Đơn vị này không chỉ xuất bản sách giấy mà còn có các dữ liệu số và content về lĩnh vực y học. Để từ đó chuyển đổi số và phổ cập các kiến thức về sức khỏe thông qua nhiều kênh thông tin như mạng xã hội.

Từ nội dung số, chúng ta sẽ xây dựng các clip về khoa học để phổ cập kiến thức một cách đơn giản, phong phú và dễ hiểu hơn. Ở Việt Nam đang có khoảng trống lớn về kiến thức y học, chúng tôi hy vọng có thể hợp tác với các đơn vị để lấp đầy khoảng trống kiến thức y học.

- Ông dự định sẽ phát triển nội dung số thông qua những hình thức nào?

- Chúng tôi muốn làm việc với National Geographic để các bạn nhỏ của Việt Nam có thể xem được nội dung khoa học thú vị. Tôi muốn phát triển nội dung số bán cho trường học, các hộ gia đình để những video và clip về khoa học đến được với nhiều bạn nhỏ, giống như cách mà Netflix đưa phim tới tận giường người xem.

Một việc nữa tôi muốn làm là dùng nội dung số để mang tới cho sinh viên nguồn tài liệu từ các trường đại học lớn trên thế giới như Harvard hay MIT… Các đại học lớn trên thế giới đều có kho tài liệu. Tôi muốn giúp các sinh viên của Việt Nam tiếp cận với nguồn tài liệu này.

Ở nhiều ngành, giáo trình đại học của ta đã cũ và không có tính cập nhật. Sự hợp tác giữa các đại học hiệu quả nhất vẫn là sự trao đổi tài liệu giữa các trường. Khi đã liên kết và hợp tác với các trường đại học lớn trên thế giới, sinh viên của chúng ta phải được tiếp cận với nguồn tài liệu của họ.

- Khi thực hiện những dự định trên, ông đã gặp phải những khó khăn gì?

- Khó khăn đầu tiên về khách quan mà chúng tôi gặp phải vẫn là sự sao chép lậu và vi phạm bản quyền. Đối với sách giấy, việc sao chép đã khá đơn giản, với nội dung số, việc đó còn đơn giản hơn.

Những cuốn sách trên giấy không thể chuyển tải được hết các tri thức khoa học cho bạn đọc. Chúng tôi muốn đầu tư thêm về nội dung số, về content để chuyển tải tri thức một cách linh hoạt và đa dạng hơn với giá rẻ. Để làm được việc này, quyền sở hữu trí tuệ cần được đảm bảo. Cần sự chung tay của các cơ quan nhà nước về pháp luật để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Khó khăn nữa là việc sinh viên Việt Nam chưa thành thạo tiếng Anh nhiều, giảng viên cũng cần cập nhật kiến thức mới. Nhu cầu về sách ở lĩnh vực này của chúng ta không lớn. Chúng tôi mong mỏi những thay đổi từ thị trường để sản phẩm của mình được độc giả đón nhận.

- Đó là điều kiện khách quan, chẳng lẽ ngành xuất bản không có khó khăn chủ quan nào?

- Vấn đề nhân lực là một trở ngại của xuất bản nội dung số. Nhân sự của chúng ta đi lên từ xuất bản truyền thống không đủ các kĩ năng cần thiết để làm việc trong môi trường mới này.

Để thu hút nhân lực giỏi, chúng ta cần có tiền. Thị trường nhỏ, doanh số thấp không thể thu hút được nhân lực, không có nhân lực giỏi chúng ta không thể làm được những dự án nổi bật. Cần có một sự đột phá cho lĩnh vực này để thu hút nhân tài. Tóm lại, ba khó khăn mà chúng tôi đang gặp phải là: Vấn đề thị trường, bản quyền và nhân lực.

- Vậy còn sự cạnh tranh giữa các đơn vị xuất bản với nhau?

- Sự cạnh tranh không chỉ diễn ra trong nội bộ ngành sách. Ngành xuất bản còn phải cạnh tranh với các ngành khác về nhiều vấn đề như: Mặt bằng, địa điểm bán hàng, nhân sự…

Tâm lý của một số đơn vị xuất bản nhiều khi vẫn yếm thế và hơi bi quan. Nhưng tôi tin có nhiều đơn vị và bản thân chúng tôi đang rất nỗ lực phá vỡ những khó khăn này bằng những cách tư duy mới.

- Ông có thể nêu những ví dụ về cách tư duy mới trong ngành sách?

- Ví dụ lâu nay để định giá các ấn phẩm xuất bản, chúng ta vẫn dựa vào số trang và chất lượng in. Nhưng chúng ta phải dựa vào các yếu tố như nội dung bên trong của tác phẩm để định giá nó. Chúng ta không bán giấy, chúng ta bán các tri thức, bán trí tuệ, bán các phương thức quản lý…

Trong ngành xuất bản vẫn có sự cạnh tranh về chiết khấu. Trước đây, các đơn vị xuất bản nhỏ khó có thể cạnh tranh về giá và phá vỡ sự độc quyền của các đơn vị phân phối lớn. Nhưng giờ đây, nhờ có những đơn vị như Tiki, sự cạnh tranh về giá đã thay đổi. Có rất nhiều cách để thay đổi, chỉ cần chúng ta đừng bó hẹp mình trong những rào cản về tư duy.

Cai cach xuat ban anh 2

Đối với xuất bản số, chúng ta cần có sự hợp tác liên ngành. Các công ty xuất bản có thể bắt tay với các hãng điện tử để cài đặt các nội dung số vào điện thoại thông minh.

Ngoài ra, ranh giới giữa xuất bản với giáo dục và truyền thông ngày càng mờ đi. Chúng ta cần nắm bắt và hợp tác liên ngành để phong phú thêm thị trường của ngành xuất bản.

Các ấn phẩm xuất bản không chỉ là tiểu thuyết văn học. Chúng tôi sẽ làm việc với ngành ngân hàng để xuất bản giáo trình cho sinh viên và nhân viên ngành ngân hàng. Làm được điều này, ngành xuất bản sẽ tăng được doanh số và đem các ấn phẩm xuất bản gắn với cuộc sống.

Trong thời gian gần đây, tôi đã đến Hàn Quốc và làm việc với Tập đoàn xuất bản Chun Ji, doanh thu của họ lên tới 1 tỷ USD. Còn doanh thu của một số tập đoàn nhỏ hơn cũng lên tới 250 triệu USD. Rào cản về mặt giá cả, doanh số khiến thị trường xuất bản của ta khó phát triển.

Chúng ta luôn có không gian để cải cách

- 15 năm làm trong ngành sách, ông thấy xuất bản nước ta đang gặp những vấn đề gì?

- Khi chúng ta bị dồn vào chân tường, chúng ta buộc phải bứt phá để phát triển. Nói chung, ở Việt Nam xuất bản là ngành chậm tiến. Các hội nghị xuất bản chủ yếu là hội nghị mang tính tư tưởng.

Muốn cải cách, động lực phải đến từ các đơn vị trong ngành xuất bản và các đơn vị chuẩn bị bước chân vào ngành xuất bản. Những nhân tố mới trong ngành xuất bản sẽ tạo nên sự đột phá.

Sự phát triển của công nghệ cho phép chúng ta có những bước chuyển mình mạnh mẽ để bước ra với thế giới. Ngoài ra yếu tố con người cũng mang lại những sự đổi mới. Con người thay đổi, nhân lực thay đổi thì cơ chế cũng thay đổi. Bởi vì con người làm ra cơ chế, cơ chế là thứ có thể thay đổi linh hoạt.

Chúng ta luôn có không gian để cải cách. Cải cách phải bắt đầu từ những thay đổi nhỏ như đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ trong công tác xuất bản. Xóa bỏ các thủ tục không cần thiết để sách đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất. Cần phải có sự công bằng giữa nhà xuất bản của nhà nước và các đơn vị xuất bản tư nhân.

Tôi cũng nghĩ cần có thời gian để sửa đổi những quy định chưa hợp lý trong luật. Chúng tôi sẵn sàng tham gia vào quy trình sửa đổi các luật và quy định liên quan đến xuất bản, vì chúng tôi là đơn vị liên quan trực tiếp đến vấn đề này. Chúng tôi hy vọng trong năm 2020, các đơn vị xuất bản lớn có thể ngồi lại cùng nhau và góp ý để điều chỉnh luật xuất bản sao cho hợp lý.

- iPub.vn là một dự án đầy tham vọng của Alpha Books khi muốn tạo ra một nền tảng xuất bản công nghệ ở Việt Nam. Ông có thể nói thêm về thực trạng xuất bản công nghệ ở nước ta?

- iPub là một nền tảng ban đầu được tạo ra để kết nối tác giả với người đọc, giúp người viết dễ dàng xuất bản cuốn sách của mình thông qua công nghệ số.

Ở Việt Nam, mọi người đều nói về chuyện đưa công nghệ vào xuất bản. Nhưng cần phải làm gì để phát triển xuất bản điện tử thì chưa đơn vị nào đưa ra được phương hướng cụ thể.

Trở ngại đầu tiên của việc phát triển iPub.vn ở Việt Nam vẫn là vấn đề về con người, về nhân lực. Nhóm của chúng tôi vẫn chưa đủ mạnh. Với iPub, Alpha vẫn đang đầu tư ở giai đoạn II, chúng tôi vẫn đang tiếp tục cải tiến và tìm những hướng giải pháp mới cho dự án này.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đẩy nhanh tiến độ cấp phép xuất bản

- Về cơ chế quản lý, ông có gặp khó khăn gì trong việc xin cấp phép xuất bản hay không?

- Tôi nghĩ cần có một quy trình mới trong cấp phép xuất bản. Có nhiều biện pháp để kiểm tra nội dung trong xuất bản. Tôi đã đề nghị xây dựng một cổng thông tin điện tử trong cấp phép. Chúng ta có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc kiểm duyệt. Những nội liên quan đến chính trị và một số vấn đề nhạy cảm sẽ được hệ thống đọc và đánh dấu để kiểm tra lại. Còn những cuốn sách không có các nội dung cần lưu ý sẽ được chuyển thẳng lên cục để xin cấp phép điện tử.

Chúng tôi cũng đề nghị hình thức BOT trong cấp phép điện tử, các đơn vị xuất bản có thể phối hợp với những công ty công nghệ để xây dựng cổng thông tin điện tử. Chúng tôi sẵn sàng trả phí cho việc cấp phép, nhưng đơn vị quản lý phải đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép xuất bản.

Nếu đơn vị quản lý và các cơ quan có liên quan không có ngân sách, thì các doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi sẵn sàng đầu tư để xây dựng hệ thống kiểm duyệt điện tử này. Công nghệ không phải là vấn đề trở ngại, trở ngại ở đây chính là chính sách.

Cai cach xuat ban anh 3

- Xóa bỏ độc quyền sách giáo khoa là câu chuyện của ngành xuất bản được xã hội quan tâm hơn một năm nay. Ông nhìn nhận thế nào về việc làm sách giáo khoa ở nước ta?

- Câu chuyện đa dạng trong xuất bản sách giáo khoa, cho ra đời nhiều bộ sách giáo khoa cùng lúc đáng lẽ phải xảy ra từ 10-15 năm trước, nhưng dù sao vấn đề cải cách trong việc phát hành sách giáo khoa vẫn là câu chuyện đáng mừng. Nó mở ra những cơ hội mới cho các đơn vị xuất bản.

Ngành giáo dục đang đổi mới trong việc mở ra nhiều hình thức trường tư khác nhau. Vì thế chúng ta phải chấp nhận có nhiều bộ sách khác nhau, phục vụ cho các hệ thống trường học khác nhau. Sách giáo khoa cũng sẽ khác biệt ở từng vùng miền. Cải cách phải bắt đầu từ giáo dục. Và cải cách trong giáo dục phải bắt đầu từ sách giáo khoa. Chỉ có sách giáo khoa mới tác động mạnh mẽ đến toàn hệ thống giáo dục.

Một giáo viên tốt chỉ có thể tác động đến vài chục, hay vài trăm học sinh. Nhưng một bộ sách giáo khoa tốt có thể tác động đến hàng trăm ngàn học sinh.

- Ông đánh giá như thế nào về cơ hội tham gia thị trường sách giáo khoa của các đơn vị xuất bản tư nhân?

- Tôi đánh giá đây là một cơ hội tốt cho các đơn vị xuất bản tư nhân. Thực ra có một vài trở ngại, nhưng trong vài năm tới mọi việc sẽ tốt hơn và rõ ràng hơn. Những nhân tố mới vẫn chưa tham gia vào cuộc chơi, nhưng chúng tôi muốn nhìn một cơ hội rõ ràng hơn. Bây giờ, việc xuất bản sách giáo khoa vẫn là “bình mới rượu cũ” nhưng dù sao nó đang mở ra một con đường cho các đơn vị xuất bản tư nhân.

Xuất bản Việt: Bài học từ Alibaba và thời cơ giữa khó khăn

Ngành sách chịu nhiều thiệt hại vì đại dịch, nhưng cần tận dụng những thời cơ, vượt qua thách thức, chiến thắng những tác động tiêu cực của Covid-19.

Tần Tần

Ảnh: Hoàng Đông
Đồ họa: Như Ý

Bạn có thể quan tâm