Năm 1950, nhà vật lý Bruno Pontecorvo biến mất khi đang trên đỉnh cao sự nghiệp - được cả thế giới biết đến, đặc biệt là ở Anh và các nước tư bản - không ai hay biết gì về ông trong suốt năm năm tiếp theo. Ông đã đi đâu, và rời đi như thế nào giữa tình trạng căng thẳng của Chiến tranh Lạnh?
Dựa trên những đóng góp thực tế cho lĩnh vực khoa học, Bruno xứng đáng được nhận giải Nobel Vật lý. Dựa trên những câu chuyện, nghi ngờ, các bằng chứng mơ hồ và cuộc đào tẩu của mình, ông bị xem là “điệp viên siêu nguy hiểm”, có vai trò quan trọng trong việc chuyển những bí mật nguyên tử cho Liên Xô.
Nguồn ảnh: Jinr. |
Đâu mới là con người thật của Bruno? Ông là nhà vật lý thiên tài hay một siêu điệp viên trung thành với lý tưởng của mình? Nhà vật lý hay siêu điệp viên là một cuốn tiểu sử về Bruno Pontecorvo dưới góc nhìn của một nhà vật lý, qua đó cho thấy sức ảnh hưởng của ông đối với khoa học. Những bằng chứng về vai trò điệp viên chỉ làm tăng thêm tầm quan trọng của ông đối với lĩnh vực nguyên tử và năng lượng.
Vì những thông tin và kiến thức giá trị của quyển sách, Nhà xuất bản Trẻ đã mua bản quyền chuyển ngữ và xuất bản tác phẩm này bằng tiếng Việt trên cơ sở tôn trọng quyền tác giả, giữ đúng các sự kiện và quan điểm của tác giả, với mong muốn độc giả tiếp nhận trọn vẹn dòng chảy của câu chuyện. Quan điểm của tác giả trong quyển sách này không thể hiện quan điểm của Nhà xuất bản Trẻ, nên mong bạn đọc thận trọng nghiên cứu và rút ra những hiểu biết đúng đắn cho riêng mình.
Vì sao Pontecorvo bỏ trốn đột ngột
“MI5* đã trả lời sau khi tôi chuyển thư của ông tới họ chưa?”
Khi bắt đầu tìm hiểu về cuộc đời của Bruno Pontecorvo, nhà vật lý hạt nhân đã biến mất sau Bức màn Sắt ở đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh vào năm 1950, tôi không hề tiên liệu việc nhận được câu hỏi như vậy, huống chi cho một phúc đáp khẳng định.
Dù sao thì, việc trao đổi thư từ với Cơ quan tình báo Anh đã giúp tôi làm sáng tỏ điều bí ẩn tồn tại 60 năm: Vì sao Pontecorvo bỏ trốn đột ngột như vậy, chỉ vài tháng sau khi đồng nghiệp của ông, điệp viên nguyên tử Klaus Fuchs, bị kết án?
Đáp án hiển nhiên - rằng Pontecorvo là “điệp viên siêu nguy hiểm thứ nhì trong lịch sử,” như sau này Quốc hội Mỹ nhận định về ông - đã treo lơ lửng hàng thập kỷ, nhưng chẳng có bằng chứng nào từng được đưa ra về việc ông đã chuyển những bí mật nguyên tử cho Liên Xô, hay bất kỳ giả định nào về thông tin mà ông có thể đã tiết lộ.
Trái với suy đoán thông thường, cả FBI và MI5 đều chưa từng có được bằng chứng chống lại ông. Vậy nếu Bruno Pontecorvo là điệp viên thì ông đã cực kỳ thành công. Pontecorvo, một người cộng sản đã xoay xở tránh bị phát hiện và tham gia vào Dự án Manhattan, luôn khăng khăng rằng mình bỏ trốn vì những lý do tâm lý, cảm thấy bị ngược đãi sau vụ bắt giữ Fuchs.
* Cơ quan An ninh (Anh) – ND.
Bình luận