Mỗi truyện ngắn của O’connor giống như một bộ phim noir cổ điển. Vì thế, không có cách gì tuyệt vời hơn khi áp dụng “kỹ thuật” xem phim để khám phá thế giới con chữ trong Khó mà tìm được một người tốt.
Sách Khó mà tìm được một người tốt. |
Bối cảnh diễn ra: xuyên suốt tập truyện, Flannery O'connor dựng lên một thế giới cụ thể, một bối cảnh cho hầu hết truyện ngắn. Đó là một vùng ngoại ô hẻo lánh thuộc miền Nam nước Mỹ. Đó có thể là Florida, Georgia, hay Tennessee… Và cụ thể hơn, đó thường là những điền trang rộng lớn với cánh đồng, khu rừng, nhà kho… Tóm lại, đó là một nơi hoang vu hẻo lánh, khá tách biệt với thị thành, khá thuận lợi cho những hành vi ám muội có thể diễn ra.
Tất nhiên, O’Connor không “chôn chân” một ở những trang trại mà cũng thỉnh thoảng di chuyển. Truyện ngắn Cú may mắn bất ngờ đặt bối cảnh chủ yếu ở thành thị; hoặc trong Gã da đen nhân tạo, nhân vật vốn sống ở vùng quê hẻo lánh nhưng lại thực hiện chuyến đi vào thành phố; để rồi, họ không bao giờ muốn quay lại đó một lần nữa.
Chủ đề triển khai: Hầu hết truyện ngắn của Flanner O’connor được phủ lên bóng tối của đời sống miền Nam nước Mỹ. Ở đó, bầy chật những vấn đề nhức nhối của những kẻ sống bên lề, Tôn giáo (cụ thể, Công giáo chính thống), phân biệt chủng tộc (với người da màu), người tị nạn… O’connor thường triển khai một cách gai góc trong các truyện ngắn của bà; khám phá các khả thể, hành vi của con người khi đặt vào những tình huống cụ thể để làm nổi bật những vấn đề mà bà đề cập tới.
Cần phải nói thêm rằng, Flannery O’connor sinh ra trong một gia đình Công giáo chính thống và sùng đạo. Tuy nhiên, điều này không hề định nghĩa con người viết văn của bà. O’connor luôn đặt mình giữa cán cân, không phán xét mà chỉ ra cái thiện và ác, phần con và người, bạo lực hay yêu thương trong mỗi con người.
Tranh minh họa truyện Khó mà tìm được một người tốt. |
“Nuôi lớn” các nhân vật: Trong tập Khó mà tìm được một người tốt, Flannery O’connor xây dựng một số kiểu nhân vật điển hình, những kẻ bên lề: bà chủ già kiệt quệ có những đứa con gái vênh váo, thô lỗ, hằn học. Bên cạnh đó, bà con tạo ra các nhân vật mang yếu tố của “kẻ lạ”: kẻ giết người (kẻ lạc loài trong Khó mà tìm được một người tốt), người bán Kinh thánh giả (Những người nhà quê tốt bụng), tay lừa đảo (Tính mạng mà bạn giữ được có thể là của chính bạn), người tị nạn (Người tị nạn)...
Những kẻ lạ này thường bước vào và làm đảo lộn hoàn toàn thế giới bình thường của các nhân vật điển hình trước đó. Có thể nói, đây là kiểu nhân vật mà O'connor luôn chuẩn bị sẵn từ đầu, bất ngờ nhảy xổ ra làm câu chuyện ngoặt hướng, rồi cứ thể "doạ dẫm" người đọc bằng những hành động không thể đoán định, rất táo tợn và đầy bạo lực.
Gia tăng các xung đột: Flannery O’connor thường tạo ra cuộc gặp gỡ, những đụng độ để từ đó phơi bày rõ nhất những tính toán, âm mưu hoặc để lộ ra những hành động khó đoán định của các nhân vật.
Flannery có khả năng làm chủ sự lố bịch hay sự vô lý trong các tình huống một cách xuất sắc. Đặc biệt là hai màn đối thoại giữa cụ bà và kẻ lạc loài (kẻ giết người) trong truyện Khó mà tìm được một người tốt, với câu thoại kinh điển: “‘Bà ơi’, Kẻ Lạc Loài nói, mắt không nhìn bà mà nhìn xa xăm về phía khu rừng nói, ‘không bao giờ có chuyện xác chết là đưa tiền tip cho người phục vụ tang lễ đâu’”. Hay cuộc đụng độ giữa “kẻ cắp-bà già” trong truyện Tính mạng mà bạn giữ được có thể là của chính bạn, cũng phơi lộ ra những mưu mô đến từ cả hai phía.
Kết thúc bất ngờ: Đa số các truyện ngắn trong tập truyện đều có những kết thúc bất ngờ, thường gắn với các hình ảnh giàu tính biểu tượng như máu, lửa… của cái chết, bệnh tật hoặc sự mất tích (ngầm hiểu là đã chết).
Trí tưởng tượng “giải phóng” nỗi đau bệnh tật, sự nghiệp ngắn ngủi mà lẫy lừng
Flannery O'connor (1925 - 1964) được liệt vào nhóm những nhà văn tài năng chết trẻ. Bà qua đời ở tuổi 39 vì bệnh lupus, căn bệnh đã cướp đi mạng sống của cha bà trước đó. Trong 12 năm cuối đời, bà thường xuyên ra vào trang trại nơi quê nhà Georgia và bà đã viết đến khi chết.
O'connor đã dùng văn chương để "giải phóng" thứ bệnh tật đang giết dần, giết mòn con người bà; sử dụng trí tưởng tượng giải phóng nỗi đau của cơ thể. Câu nói của tay lừa đảo Shiftlet trong truyện ngắn Tính mạng mà bạn giữ được có thể là của chính bạn ít nhiều thể hiện điều này: "Thưa bác, một con người được chia làm hai phần, thể xác và linh hồn [...] thể xác, bác ạ, giống như một ngôi nhà: nó chẳng đi tới đâu cả; nhưng linh hồn bác ạ, thì lại giống như một cái ô tô vậy: nó luôn luôn chuyển động, luôn luôn...".
Nhà văn Flannery O'connor. |
Dù chết trẻ nhưng sự nghiệp văn chương của Flannery O'connor lại lẫy lừng, là tên tuổi xuất sắc và độc đáo của văn chương Mỹ và thế giới thể ký 20. Bà đã sáng tác 31 truyện ngắn, hai tiểu thuyết ngắn cùng một số tiểu luận, bên cạnh sự nghiệp sáng tác truyện tranh trước đó.
Những tác phẩm tiêu biểu và được đánh giá cao của bà gồm: 2 Tiểu thuyết Dòng máu khôn ngoan (Wise Blood, 1952) và Kẻ hung bạo chiếm lấy nó (The Violent Bear It Away, 1960) và các tập truyện ngắn: Khó mà tìm được một người tốt (A Good Man is Hard to Find and Other Stories, 1955), Mọi thứ lên cao đều hội tụ (Everything That Rises Must Converge, 1965).
Bà từng nhiều lần lọt vào vòng chung khảo Giải sách Quốc gia Mỹ. O'connor bất ngờ đoạt giải thưởng sách Quốc gia Mỹ vốn chỉ trao cho các tác giả đang sống, với tập Toàn tập truyện ngắn (Complete Stories, 1971) khi bà đã qua đời.
Các tác phẩm của Flannery O'connor. |
Chính vì thế, không hề ngạc nhiên khi Flannery O'connor được xem là một trong những nhà văn viết truyện ngắn xuất sắc. Và cũng chẳng hề quá lời khi khen ngợi tác phẩm Toàn tập truyện ngắn bởi 125 nhà văn nổi tiếng trên thế giới đều nhất trí cho rằng, nó là một trong 10 tác phẩm văn chương vĩ đại nhất thế kỷ 20.
Và giờ đây, độc giả Việt Nam có thể bắt đầu tiếp cận văn chương của O’connor với tập truyện ngắn Khó mà tìm được một người tốt qua bản dịch của Nguyễn Nguyên Phước.