Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà văn ủy quyền tác giả và những vấn đề phát sinh

Việc trang mạng waka đăng tải tiểu thuyết “Quyên” của Nguyễn Văn Thọ không chỉ là câu chuyện về bản quyền, mà còn nảy sinh những vấn đề liên quan đến việc ủy quyền tác giả.

Nhà văn ký hợp đồng: đầy cảm tính

Cuối tháng 6, nhà văn Nguyễn Văn Thọ phát hiện ra tiểu thuyết Quyên của mình được đăng bán trên trang waka cho người đọc với giá “0 đồng”. Tá hỏa, nhà văn đã lên tiếng trên trang facebook cá nhân, tỏ rõ sự bất ngờ vì bản thân ông chưa bao giờ bán tác quyền Quyên cho bên nào khác ngoài Nhà sách Hàn Thuyên (để xuất bản sách giấy) và công ty BHD (để dựng thành phim). Ngay trong bài viết trên facebook hôm 27/6, Nguyễn Văn Thọ đã “đề nghị Ban bản quyền Hội Nhà văn Việt Nam vào cuộc và đưa ra tòa công ty (waka) vì hành vi này” (Nguyễn Văn Thọ là hội viên Hội Nhà văn).

Ngay sau đó, đại diện truyền thông công ty Vega (đơn vị sở hữu trang thư viện điện tử waka) đã liên lạc với nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Thông tin phản hồi cho biết waka đăng tải Quyên có bản quyền. Họ đã ký kết hợp đồng với Trung tâm Quyền Tác giả Văn học Việt Nam (VLCC) để đăng tải các tác phẩm của một số nhà văn đã ủy quyền cho VLCC.

Nguyen Van Tho,  tieu thuyet Quyen anh 1
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ và bìa tiểu thuyết "Quyên".

Thêm một lần nữa nhà văn Nguyễn Văn Thọ... ngã ngửa. Ông cứ nghĩ khi ký kết hợp đồng với VLCC, là để VLCC bảo vệ quyền lợi nếu có một bên nào đó xâm phậm tác quyền, mà không hề nghĩ rằng VLCC có thể đem tác phẩm của mình đi “bán” cho một bên thứ ba.

Ông Đỗ Hàn – Phó Giám đốc VLCC – cho biết không chỉ có Nguyễn Văn Thọ, mà còn nhiều nhà văn khác đã ủy quyền cho VLCC. Ông Đỗ Hàn cũng đưa ra hợp đồng “Ủy quyền khai thác, quản lý và bảo vệ quyền tác giả” mà Nguyễn Văn Thọ ký với VLCC vào tháng 3/2015. Trong hợp đồng, VLCC có quyền với tác phẩm của Nguyễn Văn Thọ như: công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; làm tác phẩm phái sinh, sao chép tác phẩm; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; phân phối nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm... Hợp đồng không hề nhắc tới việc nếu VLCC cho phép bên thứ ba khai thác tác phẩm, thì họ phải báo với Nguyễn Văn Thọ.

Xem lại bản hợp đồng ký cách đây 2năm, nhà văn Nguyễn Văn Thọ thừa nhận ông đã ký văn bản một cách cảm tính mà không xem kỹ và nhớ rõ nội dung của nó.

50 triệu để đăng 189 tác phẩm có là “giá rẻ”?

Không chỉ đăng tải tác phẩm Quyên của Nguyễn Văn Thọ, trang thư viện điện tử waka còn đăng nhiều tác phẩm của các nhà văn Việt Nam khác. Ông Đỗ Hàn cho biết, VLCC có ký kết hợp đồng cho phép waka đăng tải thử nghiệm trong vòng một năm đối với 189 tác phẩm của các nhà văn đã ủy quyền cho VLCC. Liên quan đến việc waka cho độc giả đọc Quyên với giá “0 đồng” vào cuối tháng 6, nhà văn Nguyễn Văn Thọ bình luận VLCC đã có sơ hở. Ông đưa ra quan điểm trên trang facebook cá nhân: “Ở hợp đồng giữa VLCC cũng có sơ hở để xảy ra hiện tượng mà lãnh đạo VLCC không hề biết waka đã “bán” tác phẩm với giá 0 đồng, cho không tác phẩm mà nhà văn ủy thác”. Nguyễn Văn Thọ chia sẻ ông bị thiệt hại về mặt tinh thần bởi tiểu thuyết của ông bán với giá “0 đồng” là việc giảm giá trị của tiểu thuyết.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cũng cho rằng nếu bán 189 tác phẩm với giá 50 triệu đồng, thì đó là cách làm thiếu chuyên nghiệp của VLCC. Ông còn phân tích, nếu chia con số 50 triệu cho 189 tác phẩm, thì trong một năm, một tác phẩm có thể thu về khoảng 260.000 đồng. Nếu so với việc nhiều nhà văn vẫn bán tác phẩm của mình trong hình thức sách in và sách giấy, rõ ràng con số 260.000 đồng trong một năm là quá rẻ.

Tuy nhiên, cho tới nay, hợp đồng ký kết giữa VLCC và waka vẫn chưa được công bố bởi những điều khoản bảo mật giữa hai bên. Nhiều nghi vấn đặt ra khi bản hợp đồng này chưa được công bố, liên quan đến quyền lợi của nhà văn, như: waka trả 50 triệu để dùng 189 tác phẩm dưới hình thức thử nghiệm nào? Dựa vào đâu để đưa ra con số 50 triệu? Liệu waka được phép sử dụng 189 tác phẩm trong bao lâu… 

Việt Hà

Bạn có thể quan tâm