Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà văn thành thị viết về rừng núi

Lịch lãm và tài hoa - đó là những phẩm chất đẹp mà nhà văn Lê Phương Liên nhớ về cha đẻ của những câu chuyện đường rừng kỳ thú Vũ Hùng.

Nha van Vu Hung anh 1

Nhà văn Vũ Hùng trong một lần trò chuyện với các em nhỏ. Ảnh: CLB Đọc sách cùng con.

Sinh ra và lớn lên ở Láng (Đống Đa, Hà Nội), nhà văn Vũ Hùng mang trong mình tâm hồn mơ mộng nhưng cũng tràn đầy ham muốn được khám phá.

Nhờ những chuyến hành quân qua những sườn núi dài khi tham gia quân ngũ, nhà văn đã có cơ hội được trải nghiệm đời sống con người và thiên nhiên, muông thú ở vùng cao. Từ những con vật nhỏ bé cho đến những con vật to lớn, ông đều rất hiểu và đưa vào văn chương thiếu nhi một cách gần gũi, thân thương.

Viết để thể hiện sự trân trọng với thiên nhiên

Chia sẻ về những trang sách của Vũ Hùng, nhà văn Lê Phương Liên suy nghĩ một hồi rồi chầm chậm lật từng trang sách trong cuốn truyện Con culi của tôi. Đối với bà, chi tiết “Con culi bò trở lại vào hốc cây để lại mình tôi đứng đó trong nỗi cô đơn” trong cuốn sách khiến bà không sao quên được mặc dù đã đọc từ rất lâu.

“Đấy là cách Vũ Hùng thể hiện tình yêu với động vật, đề cao lòng yêu tự do và dạy cho trẻ về việc biết tôn trọng lại thiên nhiên. Vũ Hùng là một cây bút vừa lịch lãm vừa tài hoa, mọi thứ ông viết đều sâu sắc và thể hiện óc quan sát tinh tế”, nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ.

Năm 2020, cùng nhà thơ Thụy Anh, nhà văn Lê Phương Liên đã đến thăm Vũ Hùng tại một viện dưỡng lão. Chị Thụy Anh khi ấy có đem theo rất nhiều con voi được làm từ giấy, bìa do các em nhỏ cắt ghép thành tặng cho Vũ Hùng. Nhà văn cảm động bởi đây là con vật mà ông yêu thích nhất, chúng luôn xuất hiện trong những trang văn của Vũ Hùng, to lớn và giàu đức tính tốt đẹp.

Trong ký ức của chị Thụy Anh, nhà văn Vũ Hùng hiểu biết mọi cảm xúc và suy nghĩ sâu thẳm của voi.

“Khi trò chuyện, có 2 bài học chị nhận được từ ông: một là sự trân trọng con người, loài vật, thiên nhiên. Ông say sưa nói về “luật rừng” khôn ngoan của tự nhiên, nuối tiếc về việc con người chưa học được cách sống hòa hợp thân thiện với cây cỏ chim muông. Hai là sự cẩn trọng, chuyên nghiệp trong nghề viết”, nhà thơ Thụy Anh tâm sự.

Một nhà văn rất đỗi đời thường

Trong chuyến thăm nhà văn Vũ Hùng cuối cùng trước khi ông về miền mây trắng, nhà thơ Thụy Anh còn cảm nhận được ông là người nhiệt thành, sôi nổi. Kể cả khi nhà văn Vũ Hùng đã ốm nặng, ông vẫn trò chuyện say sưa về các nhà văn nổi tiếng viết về muông thú, rừng già trên thế giới. Ông chậm rãi giảng dạy kể chuyện và chuẩn bị quà cho những đứa trẻ.

Nha van Vu Hung anh 2

Nhà văn Vũ Hùng trong buổi giao lưu với các em nhỏ của CLB Đọc sách cùng con.

Còn với nhà văn Hà Phạm Phú, Vũ Hùng là một người nhỏ nhẹ, chừng mực, tính tình điềm đạm. Khi đang công tác tại báo Quân đội Nhân dân, ông Phú chỉ dám mường tượng bản thân như một “kẻ vô danh”, với “gia tài” là mấy bài thơ đăng báo. Vì vậy ông càng quý mến và khâm phục Vũ Hùng hơn. Ngót mười năm sau khi giữ một số chức vụ tại các nhà xuất bản, nhà văn Vũ Hùng rời khỏi công tác biên tập, chuyển lên Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hoá.

Khi lên vụ trưởng, ông Phú thường được nhà văn Vũ Hùng nhờ sang nhà giúp việc. Đến khoảng năm 1989, Nhà văn Vũ Hùng đã ở lại Pháp không về nước. Ông từng nói với ông Phú rằng mình muốn ở lại lao động kiếm một món tiền rồi về nước sẽ mở một nhà xuất bản tư nhân chuyên in sách cho các tác giả trẻ. Nhà văn Vũ Hùng đã đi làm nhiều ngành nghề, lắp đặt điện, rửa bát, nấu bếp, làm đầu bếp cho một người chủ gốc Lào, chuyên làm các món chiên.

Năm 2019, khi về Việt Nam, ông Hùng ở với người con trai trưởng ở TP.HCM, thi thoảng có ra Hà Nội gặp bạn bè nhưng kín tiếng. Các tác phẩm của Vũ Hùng luôn in đậm trong tâm trí nhà văn Hà Phạm Phú: “Tôi đọc Vũ Hùng từ khi còn là lính, trên con đường hành quân từ Hà Nội về Thái Bình tham gia diễn tập cấp trung đoàn phòng ngự. Cuốn truyện Mùa săn trên núi của ông, với một thứ văn chương trong sáng nhẹ nhàng đầy yêu thương, đã cuốn hút tôi”.

Nhà văn Vũ Hùng và tình yêu với núi rừng bất tận

Những trang sách của Vũ Hùng luôn tái hiện lại “một thời chưa xa lắm”, núi rừng, muông thú, thiên nhiên và con người tất cả đều hiện lên rực rỡ, phong phú.

Nhà văn Vũ Hùng qua đời

Nhà văn Vũ Hùng, tác giả của nhiều câu chuyện đường rừng kỳ thú, vừa qua đời vào lúc 7h40 ngày 2/11.

Đức Huy

Bạn có thể quan tâm