Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà văn Sơn Tùng và câu chuyện về thầy giáo Nguyễn Tất Thành

Hình ảnh một người thầy tận tâm, dùng tất cả sự nhiệt thành của mình để khơi dậy trong học trò lòng yêu nước và sự tự tôn dân tộc, hiện lên sống động qua từng trang văn.

Hơn nửa thế kỷ cầm bút, những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một đề tài xuyên suốt, tạo mạch nguồn cảm hứng cho nhà văn Sơn Tùng. Qua ngòi bút chân thực và đầy tình cảm của mình, tác giả Búp sen xanh đã mang hình ảnh Bác Hồ đến gần hơn với bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc nhỏ tuổi. Những trang văn sâu sắc và tràn đầy tình cảm của Sơn Tùng là một “nguồn sử liệu” sống động và mượt mà, hấp dẫn các em.

Nhà văn Sơn Tùng viết về Bác không chỉ với tư cách một tác giả và nhân vật. Trong từng con chữ, ông luôn gửi gắm sự ngưỡng vọng và niềm tôn kính sâu sắc đối với vị Cha già kính yêu của cả dân tộc. Cuộc đời Bác có rất nhiều câu chuyện để kể. Nhưng dường như quãng đời niên thiếu cho đến trước khi ra đi tìm đường cứu nước của Người luôn hấp dẫn Sơn Tùng hơn cả. Bởi đó là nền tảng của cốt cách con người Hồ Chí Minh. Chúng ta đã có hàng loạt tác phẩm nổi tiếng của Sơn Tùng viết về giai đoạn này như: Búp sen xanh, Bông sen vàng, Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng. Tác phẩm mới xuất bản gần đây nhất của nhà văn Sơn Tùng - Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh là sự tiếp nối cho mạch nguồn cảm xúc ấy.

Đây là tập truyện dài tái hiện sinh động quãng thời gian Bác đến dạy học ở trường Dục Thanh - Phan Thiết từ tháng 10/1910 đến tháng 2/1911. Trong vòng bốn tháng ngắn ngủi đó, chàng thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành đã dùng hết tâm huyết, lòng nhiệt thành của mình để khơi dậy trong học trò sự tự tôn, tự hào dân tộc. Đó chính là cội nguồn sức mạnh để đứng lên giành độc lập. Tinh thần yêu nước, kiên cường chống ngoại xâm của ông cha ta từ ngàn đời được thầy giáo Nguyễn Tất Thành truyền thụ lại cho học trò qua những câu chuyện lịch sử bổ ích. Mỗi tiết học của người thầy giào trẻ ấy luôn được những cô cậu học trò đón đợi đầy say mê.

Thay giao Nguyen Tat Thanh o truong Duc Thanh anh 1
Tác phẩm Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh.

Thầy giáo Nguyễn Tất Thành còn được nhà văn Sơn Tùng khắc họa là một con người có nhiều tư tưởng đổi mới trong giáo dục. Khi dạy học ở trường Dục Thanh, Người luôn khuyến khích học sinh phản biện, nói lên suy nghĩ của mình, để từ đó có thể tự tìm ra cái mới, kích thích sự sáng tạo, đẩy lùi tư duy thụ động, trì trệ. Đây là điểm mới mà từ trước đến nay nền Nho học và giáo dục phong kiến ở nước ta không làm được.

Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh là những trang viết sống động về thời thanh niên của Người. Ở đó sáng lên hình ảnh một người thầy sáng tạo, tận tâm, một chàng thanh niên trẻ kiên cường, rắn rỏi, không ngại khó khăn thử thách, luôn có ý chí trau dồi bản thân. Tuy vóc dáng thư sinh, nhưng bên trong con người Nguyễn Tất Thành là một tinh thần thép.

Một chương sống động về cuộc đời của Bác lại được kể tiếp bằng văn phong truyền cảm và đậm chất trữ tình cuả nhà văn Sơn Tùng. Để xây dựng được những trang văn quý báu ấy, Sơn Tùng đã viết với một thái độ nghiêm túc và cẩn trọng. Khi sức khỏe còn cho phép ông đã lặn lội vào niềm Nam để tìm tư liệu về Bác. Bản thảo của tác phẩm này vốn đã được hoàn thành từ năm 1989, gần đây được con trai của nhà văn là Sơn Định sưu tầm từ những trang viết tay của cha.

Giờ đây, khi cuốn sách đã đến tay bạn đọc, nhà văn Sơn Tùng đã sắp bước sang tuổi 90 và đang phải từng ngày chống chọi với cơn bao bệnh do tuổi tác cùng vết thương cũ tái phát. Nhưng những trang viết về Bác của ông vẫn sẽ được truyền tay nhau đọc một cách say mê qua nhiều thế hệ. Đó có lẽ là thành công lớn nhất đối với một nhà văn.


Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm