Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đỗ Hoàng Tường: Không ràng buộc với sách Nguyễn Nhật Ánh

Hơn 30 năm qua, cứ mỗi lần Nguyễn Nhật Ánh ra mắt sách mới, bạn đọc lại bắt gặp những bức tranh minh họa của Đỗ Hoàng Tường. Có thể gọi vui họ là “cặp đôi hoàn hảo” của làng sách!

Văn Nguyễn Nhật Ánh và tranh minh họa của Đỗ Hoàng Tường giống một mối duyên vậy. Và mối duyên 30 năm của văn chương và hội họa này thực sự hiếm có trong đời sống văn nghệ Việt Nam. Vậy mối duyên đó bắt đầu như thế nào và gần đây nhất, trong tác phẩm Con chó mang giỏ hoa hồng, có vẻ mối duyên đó đã ngừng?

Sau “Kính vạn hoa”, tôi và ông Ánh thành bạn nhậu

- Lần đầu tiên tiếp xúc với truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, ấn tượng của anh như thế nào?

- Lúc đó, tôi nghĩ Nguyễn Nhật Ánh chưa định hình được phong cách. Đó là tập truyện ngắn Cú phạt đền (1985). Cuốn đó ra cũng chưa ấn tượng gì nhiều. Sau này gặp nhau, biết nhiều đến nhau và trở thành bạn bè lúc nào không biết nữa.

- Phải mất bao lâu thì hai người gặp trực tiếp, rồi trở thành bạn bè của nhau?

- Tôi không nhớ. Tôi bắt đầu vẽ nhiều cho ông Ánh từ bộ truyện Kính vạn hoa. Lúc đó, tôi và ổng mới biết nhau chứ chưa quen thân, cả hai làm việc thông qua NXB Kim Đồng. Còn gặp nhau thì chỉ ngoài đường hay trong lễ tiệc nào đó thôi. Rồi không biết tại sao cuối cùng lại gắn kết!

- “Kính vạn hoa” đã sống với nhiều thế hệ bạn đọc. Cho đến lúc này, đó vẫn là bộ truyện hấp dẫn và dài hơi nhất. Xin hỏi, hồi đó anh và “ông Ánh” đã cùng nhau làm việc như thế nào?

- Kính vạn hoa lúc đó ra ào ào, tần suất một tuần một cuốn. Ổng viết gối đầu sẵn rồi, còn tôi vẽ minh họa và bìa liên tục. Lúc đầu ba mấy tập, sau bốn mấy, cuối cùng thành hơn 50 tập. Có đợt tôi ra Hà Nội công chuyện, bên Kim Đồng không thấy tôi trong này, thế là người của Kim Đồng ở Hà Nội mang truyện tới tận khách sạn bắt tôi làm cho kịp lịch phát hành.

Có khi người ta đưa luôn 2, 3 tập; tôi phải tập trung thời gian và tâm sức để vẽ. Đại khái lúc đó vất vả lắm nhưng sau Kính vạn hoa, tôi và Nguyễn Nhật Ánh càng ngày càng gần gũi hơn, trở thành bạn ngoài đời, bạn nhậu, uống rượu hàng tuần.

- Họa sĩ và nhà văn đi nhậu, thường nói những chuyện gì?

- Tụi tôi nói khá thường xuyên về sách Nguyễn Nhật Ánh. Khi ổng đang nung nấu một truyện nào đó cũng nói cho tôi nghe, lúc xong thì tôi phải đọc. Tôi là một trong những độc giả đầu tiên của truyện ông Ánh. Ổng in ra giấy cho tôi đọc. Tôi đọc kỹ lắm! Đọc lần đầu để tiếp nhận như một người đọc bình thường; đến lần thứ hai, tôi phải tìm những chi tiết trong truyện để vẽ. Phải đọc hai lần tôi mới vẽ được chứ không vẽ trật lất, dù đôi khi người đọc nhìn hình vẽ cũng không để ý đâu!

minh hoa sach Nguyen Nhat Anh anh 1
Minh họa của Đỗ Hoàng Tường đa đi cùng tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh suốt 3 thập niên.

Ông Ánh là người kể chuyện duyên dáng

- Sau này có dịp làm việc với truyện Nguyễn Nhật Ánh nhiều hơn, anh thấy tác phẩm của “ông Ánh” như thế nào, có đủ sức khiến anh muốn “mua” một vé về tuổi thơ không?

- Đối tượng ông Ánh viết không phải tôi, nên tôi nhìn dưới góc độ… người già. Tôi đánh giá ông Ánh là người kể chuyện duyên dáng, có nội lực lớn, thiên hướng về ký ức tuổi thơ rất sống động. Những câu chuyện ông Ánh kể đều là những gì xảy ra trong ký ức của ổng.

- Được biết, anh và Nguyễn Nhật Ánh là đồng hương. Khi đọc truyện, anh có thấy hình ảnh của mình trong truyện “ông Ánh” không?

- Có. Quê hương của tụi tôi giống nhau, mặc dù tôi trải qua tuổi thơ ở miền quê rất ngắn. Nhưng những hình ảnh rơi rớt trong tâm trí tôi rất giống. (Họa sĩ Đỗ Hoàng Tường quê ở huyện Quế Sơn, còn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ở huyện Thăng Bình của tỉnh Quảng Nam - PV).

- Khi nhà văn viết cho thiếu nhi, họ phải đặt tâm thế của mình vào nhân vật thiếu nhi. Còn anh, khi vẽ anh đặt mình ở đâu khi thừa nhận mình đã… già?

- Tôi cố gắng cảm thụ nhiều nhất có thể. Tôi có lợi thế là ngày xưa cũng vẽ truyện tranh thiếu nhi, làm báo cho thiếu nhi nên tiếp xúc với thiếu nhi nhiều. Tôi có thể sử dụng nhiều bút pháp khác nhau để tiếp cận, bộc lộ nội dung. Kính vạn hoa là bộ sách dài nên phải đồng nhất phong cách, còn những cuốn riêng lẻ thì tôi thử theo nhiều bút pháp khác nhau.

- Trong số những cuốn sách đã xuất bản của Nguyễn Nhật Ánh, cá nhân anh thích cuốn nào nhất?

- Đó là Đảo mộng mơ, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ. Đặc biệt tôi rất thích Tôi là Bê tô. Đảo mộng mơ là cuốn sách mà đơn vị xuất bản muốn có một cuốn thật đẹp về mặt hình thức. Nó đặt hình minh họa ở vị trí khá quan trong trong cuốn sách. Nó là quà tặng lớn cho thiếu nhi.

- Còn cuốn nào anh không thích?

- Cuốn tôi ít thích nhất là Ngồi khóc trên cây.

- Ồ. Tác phẩm này được đánh giá như một hiện tượng xuất bản với số lượng in lần đầu lên đến hơn 20.000 bản, phải tái bản khi chưa chính thức phát hành. Vì sao anh lại không thích?

 - Tôi nghĩ nó kết thúc ở nửa cuốn thì đẹp, vì phần sau nó nặng nề. Cá nhân tôi thấy như vậy, còn mọi người thì không biết thế nào.

minh hoa sach Nguyen Nhat Anh anh 2
Minh họa trong cuốn Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

Từng từ chối khi ông Ánh nhờ

- Một cuốn sách tiếp tục trở thành hiện tượng xuất bản, là “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng”. Lần này không phải 20.000 bản mà là 100.000 bản. Chỉ tiếc, đến cuốn sách này anh lại không vẽ minh họa nữa.

- Đó là điều tôi thích. Tôi không muốn mãi bị ràng buộc vào sách Nguyễn Nhật Ánh. Việc ông Ánh chọn một bạn trẻ vẽ cho cuốn sách lần này, tôi nghĩ điều đó sẽ khiến sách của ổng sinh động hơn. Chứ tôi mà vẽ miết cũng có lúc… cùn à!

Sự gắn kết hình minh họa của tôi với sách Nguyễn Nhật Ánh, dù bạn đọc vẫn đón nhận nhưng vẫn khiến tôi nghĩ nó là sự chọn lựa bắt buộc. Đọc sách ông Ánh phải xem tranh ông Tường - đó là món ăn kèm sẽ gây nhàm chán. Thỉnh thoảng tôi sẽ quay lại, chứ tôi cũng không muốn mãi như vậy.

- Bạn đọc đã quen thân với “cặp đôi” Nguyễn Nhật Ánh - Đỗ Hoàng Tường. “Nghỉ chơi” với anh lần này, “ông Ánh” có phải làm “công tác tư tưởng” với anh không?

- Không. Vì trước đó có nhiều lần ông Ánh nhờ vẽ nhưng tôi cũng từ chối mà. Có lần tôi từ chối được vì tôi đang bận công việc của mình nhưng cũng có lần từ chối không được. Tôi chỉ làm được một công việc một lúc thôi. Ổng biết ổng giải phóng cho tôi được nên không cũng không cần phải nói gì nhiều.

- Quan trọng là anh đã đọc tác phẩm này chưa? Anh nhận xét như thế nào về người vẽ minh họa mới này?

- Ông Ánh có tặng nhưng tôi không đọc. Khá bất tiện khi nói về minh họa của người thứ ba. Tôi cho rằng, phương pháp minh họa như vậy thì cả trăm người ở Việt Nam có thể làm được, bất cứ sinh viên trường Mỹ thuật nào cũng có thể vẽ được. Sự cảm thụ văn chương thể hiện ra ở bút pháp vẽ đó. Tuy nhiên, nói gì thì nói, nét vẽ ở tác phẩm này vẫn khá chỉn chu.

- Như vậy có hơi đáng tiếc cho bộ truyện không, theo anh?

- Tôi từng nói với ông Ánh nhiều lần. Sách văn học, nếu hình vẽ không làm tăng giá trị nội dung cuốn sách thì thà anh không để bất cứ tấm hình nào. Vì hình ảnh sẽ đồng điệu với trí tưởng tượng của người đọc. Hình minh họa giúp người đọc nhận rõ hình ảnh trên chữ nghĩa, và làm rõ hình ảnh trong trí tưởng tượng của người đọc hơn.

Còn nếu hình ảnh giảm sự đồng điệu, hoặc trái ngược, hoặc làm kém đi thì thà để trang trắng còn hơn. Tôi đã nói nhiều lần. Những cuốn sách của ông Ánh mà tôi đọc thấy kém thú vị thì tôi sẽ tìm cách từ chối.

- Người ta gọi vui tác phẩm mới của Nguyễn Nhật Ánh là “Con chó nhỏ mang giỏ… tiền tỷ”. Hơn 30 năm gắn bó cùng truyện Nguyễn Nhật Ánh, minh họa không biết bao nhiêu tác phẩm của “nhà văn tiền tỷ”, tôi tò mò không biết họa sĩ sẽ nhận tiền gì?

- Làm sao như nhà văn được! Tôi chỉ là người trợ giúp Nguyễn Nhật Ánh thôi chứ đâu kiếm được nhiều tiền trong chuyện đó.

Họa sĩ Đỗ Hoàng Tường, sinh năm 1960, quê Quảng Nam. Anh tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP HCM năm 1984 và đến nay đã có rất nhiều triển lãm trong và ngoài nước. Ngoài sáng tác tranh, Đỗ Hoàng Tường là cây bút minh họa quen thuộc trên nhiều tờ báo nổi tiếng.




An Sơn

Bạn có thể quan tâm