Ông là Lê Khánh Căn, một nhà văn, một nhà báo mẫn cán suốt cuộc đời lăn lộn trên các mặt trận và các miền đất nước viết bài cho báo Đảng.
Người ta gặp tên Lê Khánh Căn, ký ở nhiều bài báo trên Báo Nhân Dân.
Người ta gặp tên ông trong bản dịch cuốn sách nổi tiếng cho trẻ thơ Maruxia đi học do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.
Người ta gặp tên ông trong một thiên hồi ký của người bạn thân của ông - cố nhạc sĩ Trần Hoàn, nguyên Bộ trưởng Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Cố Bộ trưởng Trần Hoàn đã nhớ lại trong hồi ký của mình về những năm tháng trước Cách mạng: "Một hôm, Phan Tử Quang, Bí thư đoàn học sinh cứu quốc Thuận Hóa gọi tôi, Lê Khánh Căn, Nguyễn Hữu Chỉnh và một số học sinh khác trong thường vụ Đoàn để chuẩn bị đi gặp mặt các anh Nguyễn Chí Thanh và Tố Hữu. Cuộc gặp gỡ diễn ra ở trụ sở Việt Minh Trung Bộ bên đường Trần Hưng Đạo. Với ấm nước chè tươi, vài đĩa kẹo mè xửng mà anh Lê Chưởng, Bí thư Thành ủy Huế ưu đãi cho cuộc họp.
Theo yêu cầu của anh Thanh, chúng tôi đọc thơ của mình cho cuộc họp cùng nghe. Lúc bấy giờ, tuy đã theo cách mạng, nhưng với Khánh Căn, Hữu Chỉnh hay tôi, tâm hồn còn khá lãng mạn. Ảnh hưởng của thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Sanh, Bích Khê... còn khá nặng trong mỗi người... Những bài thơ của chúng tôi tuy chân tình, nhưng còn non nớt, đậm đặc cái tôi, ướt đẫm trong tình yêu lứa đôi...
Anh Thanh lắng nghe chăm chú, rất cảm thông và không hề có phản ứng gì. Cuối cùng, gọi là để góp vui, anh cũng “xin phép” tham gia đọc vài bài thơ anh làm trong lao tù...
Một bạn trong chúng tôi táo bạo hỏi: ”Răng thơ anh toàn xiềng gông rứa?” Anh Thanh cười hồn hậu: "Có thơ về tình thì cũng có thơ về hận chớ" - "Nhưng mà thơ về tình nghe hay hơn chứ anh?”.
"Cũng có thể, nếu thơ viết về hận không hay. Nhưng thơ về tình cũng có ba, bảy đường, không chỉ có tình lứa đôi, mà còn tình nước non, tình đồng bào, đồng chí nữa chứ!” Nói đến đây, anh nhìn chúng tôi cười cởi mở, và đề xuất ý kiến thành lập “Hội thơ cách mạng” mỗi tuần sinh hoạt một lần để đọc thơ cho nhau nghe và trao đổi kinh nghiệm làm thơ. Tất nhiên, chúng tôi đồng ý ngay và bốc nhất là Lê Khánh Căn...".
Vâng, đó là nhà văn-nhà báo Lê Khánh Căn. Quê hương ở Hà Tĩnh, nhưng ông được gửi vào Huế học tập từ tuổi ấu thơ, sớm được giác ngộ cách mạng ở đây và tình yêu văn học cũng nảy nở từ đây.
Yêu thơ là vậy, nhưng rồi sau này , suốt cuộc đời của ông lại làm nghề báo. Từ Huế, ông được điều ra Việt Bắc làm ở ban tuyên huấn Trung ương Đảng, có thời gian là thư ký cho nhà thơ Tố Hữu, rồi sau đó lại được cử cùng bà Vũ Thị Thanh, cũng là một cán bộ trong Ban Tuyên huấn và là vợ của nhà thơ Tố Hữu tham gia nhiều hoạt động. Sau thời gian này, ông về công tác tại Báo Nhân Dân, là một phóng viên mẫn cán của Báo, lăn lộn khắp các đồng đất, khắp các mặt trận để viết bài cho báo Đảng...
Sách do Lê Khánh Căn dịch (trái) và sách do ông viết. |
Nhưng cái mộng văn chương như mối tình đầu hồ dễ mấy ai quên? Chính vì thế mà vào những năm 60 của thế kỷ trước, ở tòa soạn Báo Nhân Dân, 71 Hàng Trống (Hà Nội), đêm ngày ông cầm bút viết báo, nhưng cứ đến buổi trưa được nghỉ một hai tiếng, ông lại lặng lẽ đóng chặt cửa phòng miệt mài viết văn.
Bản thảo tiểu thuyết Huế ngày ấy của ông bắt đầu hình thành từ những ngày ấy. Ông viết về Huế - thành phố ông coi như quê hương thứ hai, Huế năm 1945 trong cuộc cách mạng long trời lở đất, Huế với những người chiến sĩ cộng sản kiên cường như Nguyễn Chí Thanh - linh hồn của Huế những năm tháng ấy , Huế của những người trí thức song hành cùng cách mạng, cùng kháng chiến mà có cái gì đó tựa như những người trí thức Nga trong “Con đường đau khổ” của A. Tônxtôi …
Ông say mê viết từ buổi trưa này sang buổi trưa kia, ngày này qua ngày khác, trên những trang giấy một mặt mà mặt kia là các bản tin của TTXVN đã sử dụng, còn bút mực là bút mực của học sinh, mực tím thường phai nhòe các trang giấy. Ông cứ viết với một tình yêu khôn cùng với văn học, với Huế, với những con người Huế bất khuất, kiên cường, viết cho tới một ngày, đất nước chiến tranh ác liệt, ông được lệnh khoác ba lô lên đường giã từ những trang văn để đi vào chiến trường Trị Thiên Huế. Cây bút và những dòng tin, những ký sự nóng bỏng hơi thở chiến trường bấy giờ là sứ mệnh duy nhất của ông…
40 năm trôi qua, những bản thảo trên giấy một mặt của TTXVN như đã mục nát theo thời gian. Giấy đã ố vàng, mọt đục nhiều trang viết tưởng như không thể đọc được nữa. Nhưng may thay, những hồn chữ thì không phai nhòa.
Từ chồng bản thảo vượt thời gian đó, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân với trực tiếp là biên tập viên Nguyễn Bình Phương (nay là Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội) đã khôi phục lại từng con chữ, từng trang bản thảo này để rồi đến một ngày, nhà xuất bản cho ra mắt bộ tiểu thuyết Huế ngày ấy, với 700 trang in, hoành tráng, đồ sộ, được người đọc đón nhận nhiệt tình, không những làm xúc động không ít bạn bè, đồng nghiệp, người đọc và cả vợ con của ông.
Khi cầm sách trên tay, cả gia đình ông đã không khỏi rơi nước mắt vì xúc động, vì cảm phục tình yêu văn học của cha mình từ những năm tháng rất xa còn rất nhiều khó khăn để có những trang viết giá trị cho hôm nay...
Có thể nói gì hơn về tập tiểu thuyết duy nhất của ông để lại này? (ông mất đã hơn 20 năm nay). Xin được trích lời bình của một nhà phê bình văn học: "Huế ngày ấy đến với chúng ta vào mùa xuân. Là bức tranh hoành tráng đầy bi hùng của Huế vào những ngày tháng đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp. Là bài ca về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mà lịch sử sẽ còn mãi nhắc về ông. Là sự song hành của người trí thức Huế đi cùng cách mạng, đi cùng đất nước.
Qua bụi mờ thời gian, những trang viết của Lê Khánh Căn làm cho Huế trở nên góc cạnh và rực rỡ lạ thường. Nó không chỉ làm xúc động những người con của Huế, mà còn của tất cả những ai đã từng đi qua hai cuộc kháng chiến oanh liệt của dân tộc.
Với 700 trang in, có thể nói đây là một bộ tiểu thuyết khá đồ sộ về Huế và về đề tài cách mạng của chúng ta. Đây cũng là bộ tiểu thuyết duy nhất của nhà báo Lê Khánh Căn (ông còn có các bút danh khác là Hồng Chuyên, Lê Xuân Trì).
Được biết bộ tiểu thuyết được ông viết vào những năm 60 của thế kỷ trước, và nó còn dang dở trong dạng phác thảo, khi ông như một người lính được lệnh vào chiến trường trên cương vị một phóng viên Báo Nhân Dân ở Trị Thiên-Huế..."
Và ghi nhận của nhà báo Tân Linh như một lời về tác phẩm và tác giả Lê Khánh Căn: "Đọc lại Huế ngày ấy, thấy đây là cuốn sách đồ sộ về phong trào cách mạng những năm tháng hào hùng của đất Huế sau khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và toàn quốc kháng chiến. Đó là một thời kỳ máu lửa, oanh liệt và bi tráng bậc nhất mà không viết ra, có thể sẽ mãi mãi chìm vào quên lãng...".
Các con của nhà văn-nhà báo Lê Khánh Căn và nghệ sĩ Ưu tú Tân Nhân. |
Những câu chuyện hư cấu đan xen sự xuất hiện những nhân vật lịch sử có thật đã có sức thuyết phục người đọc về tính chân thực của đời sống trong sách Lê Khánh Căn. Có nhân vật lấp lánh đâu đó hình ảnh một đồng chí Tố Hữu, đồng chí Nguyễn Chí Thanh... và nhiều nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng khác.
Là người lính, Lê Khánh Căn đã nhắc về Trung đoàn Trần Cao Vân nổi tiếng mặt trận Bình Trị Thiên và cả nước một thuở. Mặt trận vỡ, Trung đoàn Cao Vân tan thành từng mảnh nhỏ, nhưng cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng của quân dân ta vẫn tiếp tục. Bi kịch chiến tranh đến đỉnh điểm khi Bí thư Tỉnh ủy Thân chạy ven sông tìm xác vợ tưởng đã hy sinh, trong khi vẫn tiếp tục chỉ đạo phong trào.
Lê Khánh Căn trưởng thành từ trong những ngày gian khổ ấy, sau này dù ông lặng lẽ giữa cuộc đời không màng danh lợi, nhưng có một điều tôi cảm phục ông, tác giả cuốn sách, đó là tình yêu ông dành cho Huế và tâm huyết vẹn nguyên dành cho cuộc đời".
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.