Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn: 'Vỡ vụn' vì mâu thuẫn chính kiến

Sáng nay, 9.1, tại Trung tâm Văn hóa Đông Tây (HN), ông lại trình làng tiểu thuyết mới mang tên “Vỡ vụ".

Nghỉ hưu, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn mới viết tiểu thuyết nhưng lại thành công ngay với Luật đời, cha và con (Giải thưởng Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Các hội VHNTVN 2005, 1 năm tái bản đến 8 lần, dựng thành phim nhiều tập được khán giả bầu chọn là phim hay nhất - 2007). 

Từ đó, gần như năm nào ông cũng cho ra đời một tiểu thuyết mới: Lửa đắng, Gã tép riu - đều lần lượt giành giải C cuộc thi tiểu thuyết lần III (2006-2010) và lần IV (2010-2015) do Hội Nhà văn VN tổ chức. 

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn và cuốn tiểu thuyết mới nhất: Vỡ vụn.

- Vỡ vụn là sự đổ vỡ của ai, thưa ông?

- Nếu Gã tép riu là sự tan vỡ của hôn nhân do mâu thuẫn xung đột tính cách và nhân cách thì Vỡ vụn lại khác. Khi bắt tay vào cuốn Vỡ vụn, tôi cứ đau đáu một suy nghĩ: Tan vỡ hôn nhân trong đời thường là khá phổ biến. Khi thời mặn nồng đã qua, mọi chân tơ kẽ tóc đã biết hết, nếu không thay đổi thì dễ chán, rất dễ “ông ăn chả bà ăn nem”, anh đi đằng anh, tôi đi đằng tôi... Nhưng có trường hợp hôn nhân tan vỡ vì mâu thuẫn chính kiến mà trong văn học còn ít người đề cập đến. Có thể là mâu thuẫn về thần tượng, về tín ngưỡng… và nhiều vấn đề khác. Thực tế, ngày nay, những phụ nữ chọn cuộc sống đơn thân không còn là cá biệt.

- Nếu ở hai cuốn sách đầu, lối văn của ông khá chỉn chu, thì Gã tép riu lại khá hoạt và hài hước, mang đậm ngôn ngữ đời sống. Vậy đến Vỡ vụn, ông sử dụng thủ pháp nghệ thuật gì mới?

- Bên cạnh thủ pháp tái hiện, có đồng hiện, nhưng cái mới nằm ở chỗ tác giả thay đổi điểm nhìn, lúc đứng ở góc độ nhân vật này, lúc nhân vật kia để soi chiếu cuộc sống nhiều chiều hơn. Tôi cũng quan tâm nhiều tới ngôn ngữ (Nguyễn Bắc Sơn cũng đồng thời là Ủy viên BCH Hội Ngôn ngữ học Hà Nội 3 khóa liền - PV), chú ý tới tu từ, cách nói lái… để đưa vào thoại. Tuy nhiên, so với Gã tép riu thì lời thoại trong Vỡ vụn có phần chừng mực hơn vì đề tài, nhân vật thuộc tầng lớp trí thức, vợ là PGS.TS ở một học viện lớn, còn chồng là giảng viên ĐH…

- Việc đoạt giải C tiểu thuyết của Hội Nhà văn VN 2 lần liền có tác động nhiều tới ông?

- Cách đây 5 năm, ở cuộc thi tiểu thuyết lần thứ III của Hội Nhà văn VN, tôi là tác giả duy nhất có tới 2 tác phẩm vào chung khảo gồm: Lửa đắng, Luật đời, cha và con. Thực ra đây là một bộ 2 tập, nhưng vì tôi không ghi rõ là tập 1, tập 2 nên theo lệ, một tác giả có 2 tác phẩm thì chỉ chọn 1, vì thế chỉ Lửa đắng đoạt giải C. Còn lần này, số tác phẩm dự thi nhiều hơn hẳn, hơn 100 tác phẩm vì thế tôi cũng rất vui khi Gã tép riu lọt vào mắt xanh của BGK để đoạt giải C.

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn. Ảnh: HanoiTV

- Tiểu thuyết của ông có nhiều nét độc đáo, như Lửa đắng lần đầu tiên đưa vào văn học các nhân vật tổng bí thư, trợ lý tổng bí thư… Khi viết, ông có phải đắn đo, cân nhắc nhiều không?

- Có dè chừng, có đắn đo. Khó nhất không phải là vấn đề tư liệu, dù tôi cũng chưa có vinh dự được diện kiến tổng bí thư, nhưng tôi rất quan tâm theo dõi tình hình chính trị, cộng với khả năng hư cấu của nhà văn, vì thế tôi mới hình dung để miêu tả trong tác phẩm cuộc họp tổng bí thư với các lãnh đạo đầu ngành, với thường vụ mở rộng của thành phố mà nhiều bạn văn, bạn đọc khen.

Về nhân vật tổng bí thư, khi đọc bản thảo, có người góp ý: Nhân vật tổng bí thư phải có đời sống riêng. Vì thế, tôi mới sáng tạo ra những tình huống mà nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu xem sách rất thích. Như khi tổng bí thư đang làm việc khuya tự nhiên thấy mùi khế ngọt dâng lên, lại nhớ bạn đồng ngũ, xuống vườn cắt ngang quả khế thành hình ngôi sao và liên tưởng đến ngôi sao trên mũ, trên quân kỳ, liên tưởng đến câu ca “Quê hương là chùm khế ngọt…”.

- Ông đã từng viết báo, viết truyện ngắn, viết bút ký mà nhiều người còn nhớ như Hà Nội có cầu Long Biên, Sông Hồng, nhưng sao ông bắt đầu viết tiểu thuyết muộn thế?

- Về hưu, tôi mới có thời gian vật chất để viết tiểu thuyết và đúng như dịch giả Thúy Toàn có nói, việc viết tiểu thuyết chính là sự bùng nổ của vốn sống được tích lũy dồn nén trong mấy chục năm của một gã có thuộc tính tò mò, hay quan sát. Tất cả các tiểu thuyết tôi thường viết 2 tập, ngay bây giờ đã triển khai Vỡ vụn tập 2 rồi. Ngay Gã tép riu, đúng ra là tôi đã viết xong Gã tép riu và… nhưng vì những lý do khách quan không ra được.

- Đi vào những chuyện trong gia đình nhưng từ đó khái quát lên những vấn đề lớn của xã hội, thời cuộc, ông chọn tiểu thuyết chính luận làm hướng đi chính cho mình?

- Nhiều bạn văn nhận xét: Tiểu thuyết của tôi phản ánh những vấn đề xã hội, mang hơi thở cuộc sống, mang tính thời cuộc và tính dự báo. PGS-TS Đoàn Trọng Huy gọi sách của tôi là tiểu thuyết luận đề chính trị - xã hội dưới dạng tâm lý xã hội.

- Theo ông, một cuốn tiểu thuyết thế nào là hấp dẫn?

- Đề tài chưa quan trọng bằng giọng điệu riêng của tác giả và thông điệp mà nó gửi tới bạn đọc, khiến họ quan tâm. Nhà văn phải có tư duy tiểu thuyết để tổ chức, kết cấu các tuyến nhân vật chặt chẽ, đặc biệt là chú ý chi tiết. “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”.

Vì thế tôi thích sự tỉ mỉ, cẩn thận, nhấn nhá của nhà văn Ma Văn Kháng; trường liên tưởng của nhà văn Nguyễn Khải… Còn văn học nước ngoài, tôi thích nhà văn Chyngyz Aytmatov với những cuốn Và một ngày dài hơn thế kỷ, Con tàu trắng, Truyện núi đồi và thảo nguyên...



http://laodong.com.vn/van-hoa/nha-van-nguyen-bac-son-vo-vun-vi-mau-thuan-chinh-kien-414126.bld

Theo Việt Văn/ Lao Động

Bạn có thể quan tâm